Sức sống vùng kinh tế mới Bình Chánh
Từ một vùng đất hoang vu, sau 30 năm, thôn kinh tế mới Bình Chánh (Thăng Bình) đã có nhiều khởi sắc. Thành quả đó càng nổi bật trong những năm gần đây, khi bên cạnh sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân là vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Mô hình chăn nuôi heo, cá kết hợp của hộ ông Châu Bai.Ảnh: Nam Quang |
Điểm sáng chi bộ trẻ
Ông Đỗ Văn Hiền - Phó Bí thư Chi bộ thôn 4, một trong những cư dân đầu tiên có mặt ở vùng kinh tế mới này, tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, vui vẻ cho biết: “Năm 1983, chỉ có 9 cặp vợ chồng trẻ từ Bình Sa, Bình Triều, Bình Phục của huyện Thăng Bình tới lập nghiệp ở vùng đất này. Ngày ấy nơi đây hoang vu, đất đai cỏ dại um tùm, không điện, không đường, ai cũng thấy ngại. Bây giờ cả thôn đã có 85 hộ với hơn 390 nhân khẩu, kinh tế thuộc loại khá nhất xã. Đặc biệt, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đều tập trung hầu hết tại thôn”. Cũng theo ông Hiền, sự đi lên của thôn 4 càng vững mạnh và chắc chắn hơn khi chi bộ đảng ở đây được thành lập.
Thôn kinh tế mới Bình Chánh hình thành đã 30 năm nhưng chi bộ đảng nơi đây chỉ mới được thành lập từ năm 2006. Chi bộ có 8 đảng viên, chủ yếu là đảng viên trẻ, được tôi luyện trong những năm tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự nên trở thành một tập thể đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Hằng tháng, trong cuộc họp định kỳ, chi bộ đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ của địa phương một cách cụ thể, mang lại hiệu quả cao. Vấn đề đầu tiên chi bộ đặt ra là vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Chi bộ tích cực vận động nhân dân trong thôn hưởng ứng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh, nghĩa vụ công dân.
Năm năm liên tục, từ 2007 - 2012, Chi bộ Đảng thôn 4 được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ xã Bình Chánh; Huyện ủy Thăng Bình khen tặng trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cá nhân Bí thư Chi bộ thôn được công nhận đảng viên tiêu biểu xuất sắc. |
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2012 vừa qua, chi bộ đã “làm theo” với mô hình thực hành tiết kiệm. “Mỗi năm ban nhân dân thôn, mặt trận, các đoàn thể, chi bộ đều được cấp trên khen thưởng. Từ nguồn đó chúng tôi quyết định quy về một mối để mua sắm đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn” - ông Đỗ Văn Hiền nói. Hơn 5 năm qua, tiết kiệm từ nguồn kinh phí cấp trên khen thưởng, cộng với sự hỗ trợ của các cấp và các nhà hảo tâm, thôn đã sắm đầy đủ bàn ghế, bộ chữ, hệ thống tăng âm phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí để tổ chức thăm hỏi các trường hợp gặp khó khăn đột xuất trong thôn.
Những mô hình hiệu quả
Theo ông Hiền, vùng đất kinh tế mới sau khi khai hoang rất màu mỡ, lại gần kênh chính thủy lợi Phú Ninh, nên thuận lợi cho việc canh tác. Năm nào cũng được mùa, năng suất vụ lúa luôn đạt bình quân 60 tạ/ha. Các loại cây màu khác năng suất cũng vào hàng nhất nhì của huyện. Nhưng làm lúa, làm màu cũng chỉ đủ ăn, không thể vươn lên giàu có, nên 5 năm trở lại đây nông dân trong thôn đã mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2009, khoảng 70% số hộ trong thôn đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Sau thời gian phục vụ trong quân đội, anh Nguyễn Văn Trưởng (ở tổ 1) trở về quê hương lập gia đình, tạo dựng cuộc sống riêng. Thấy làm 8 sào lúa quanh năm chỉ đủ ăn, anh bàn với vợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà để tăng nguồn thu nhập. Vợ chồng đồng lòng, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 1.500 gà giống thả nuôi. Sau 3 tháng, lứa đầu cho hiệu quả kinh tế ổn định, anh tăng đàn gà lên 2.000 con. Mỗi năm, nuôi 4 - 5 lứa, mỗi lứa xuất bán, sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi hơn 15 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn mở rộng chuồng trại nuôi heo thịt. Mỗi năm bán 3 lứa, mỗi lứa hơn 12 con, lãi từ nuôi heo thu được hơn 20 triệu đồng. Anh còn đầu tư xây dựng chuồng gà trên diện tích ao nuôi hơn 6.000 con cá tra và cá trê lai, mỗi năm 2 đợt thu hoạch, ao cá cho thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Châu Bai (ở tổ 1) chọn mô hình kinh tế nuôi heo và cá. Ban đầu từ nguồn vốn tích cóp được ông xây 5 chuồng heo và một ao nuôi cá có diện tích hơn 1.000m2 liền kề nhau. Chất thải của heo và bột cám dư thừa được ông tận dụng làm nguồn thức ăn cho gần 10.000 con trê lai và cá tra. Trước tết vừa qua, ông thu lãi gần 30 triệu đồng từ bán heo và cá. Ở thôn 4 còn nhiều hộ khác cũng đã có thu nhập cao, vươn lên giàu có từ các mô hình chăn nuôi kết hợp và trồng nấm rơm như các hộ ông Lê Hưng, Nguyễn Tấn Niệm…
Bí thư Chi bộ thôn - Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “Kinh tế phát triển, việc huy động sức dân cho các công trình phúc lợi trong thôn diễn ra khá suôn sẻ. Mới đây, gần 50 hộ dân ở tổ 1 đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, cây cối và trực tiếp tham gia ngày công bê tông hóa 1,4km giao thông nội đồng. Ngoài ra, Ban nhân dân thôn vận động mỗi hộ đóng góp đến 1 triệu đồng, vậy mà cả tổ không hộ nào không tham gia”.
NAM QUANG