Từ chuyện kết nạp đảng viên
Tôi về hưu, sinh hoạt đảng ở chi bộ tại một khu dân cư thuộc TP.Tam Kỳ. Chi bộ có 65 đảng viên, trong đó hầu hết đã về hưu, chỉ có 4 đảng viên trẻ. Nhiều năm nay, chi bộ luôn tích cực chăm lo phát triển đảng viên mới, nhưng nghiệt nỗi rất hiếm đối tượng. Vì các em ở lứa tuổi thanh niên đều đi học xa hoặc vào công tác ở các đơn vị khác; số làm ăn hoặc công tác ở địa phương rất ít. Năm 2012, chi ủy xét 2 đối tượng đề nghị kết nạp vào Đảng. Khi đưa ra chi bộ để xét thì các tiêu chuẩn về lý lịch gia đình và sự rèn luyện của bản thân trong 4 năm gần đây rất tốt, có nhận xét của chi đoàn khối phố và đảng viên chịu trách nhiệm giới thiệu. Tôi nghĩ, như thế là đủ để chi bộ thảo luận, đi đến nhất trí biểu quyết.
Trong chi bộ, một đồng chí có ý kiến cho rằng, phải kết nạp những người có trình độ, đã là thanh niên trong thời hiện đại thì phải có học và học bài bản. Những đối tượng này học hành yếu, mới học qua THPT hoặc đang học trung cấp, cao đẳng. So với thanh niên hiện nay, kể cả so với thanh niên đang có hộ khẩu ở địa phương này, trình độ của họ thấp so với mặt bằng học thức chung. Đây là tiêu chuẩn cần phải tính kỹ để quyết định biểu quyết tán thành hay không tán thành kết nạp những đồng chí này. Đảng viên là người tiên phong, nhất là trong thời hiện đại phải tiên phong về trí tuệ nhưng những đối tượng này chưa có được vai trò tiên phong ấy.
Một đồng chí khác phát biểu, ở mỗi loại hình chi bộ, mỗi loại hình đơn vị cơ sở sẽ có những yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn năng lực và trí thức. Chi bộ ở một cơ quan nghiên cứu khoa học thì tiêu chuẩn trí thức, kiến thức khác với một chi bộ cơ sở mà hầu hết đảng viên và đối tượng phát triển đảng là công nhân hoặc nông dân. Ngay trong các cơ quan thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi có kiến thức cao cũng có những đảng viên có trình độ phổ thông như nhân viên bảo vệ, phục vụ, văn thư, đánh máy... Họ cũng có quyền và tiêu chuẩn về năng lực cụ thể để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tiên phong ở đây là tiên phong về đạo đức, về tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi hàm lượng chất xám hoàn toàn khác nhau. Đảng viên phải có mặt ở tất cả các loại hình tổ chức cơ sở, thực hiện từng nhiệm vụ chính trị khác nhau. Như vậy những đảng viên học không cao, không giỏi về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vẫn cần thiết ở những chi bộ có tính đặc thù, hoặc ở vị trí công tác phù hợp. Mặt khác nếu họ học giỏi, có bằng cấp cao thì đã thoát ly hết để làm các nhiệm vụ tương ứng với trình độ của họ như ở các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, họ không bao giờ yên phận làm ở khối phố, thôn, xã. Nếu với yêu cầu như đồng chí mới vừa nói thì các chi bộ thôn, khối phố, xã, phường sẽ khó kết nạp được đảng viên.
Mọi người trong chi bộ đều tán thành quan điểm và “kiểu” tư duy của đồng chí đảng viên vừa phát biểu. Chi bộ biểu quyết thông qua đề nghị kết nạp vào Đảng hai đối tượng vừa nêu.
Suy ngẫm. Thước đo năng lực của đảng viên, cán bộ cần phải được tiêu chuẩn hóa cụ thể để tiệm cận đến sự phù hợp với thực tế công việc đảm trách. Hiện nay ở các cơ quan, đơn vị thường bình bầu người có chức vụ cao là đảng viên xuất sắc, hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không tính đến chức trách, phẩm chất, năng lực phải tương ứng nhau. Một chuyên viên, một nhân viên phải có tiêu chuẩn đánh giá khác với lãnh đạo mới là biện chứng, khoa học. Không thể san bằng tiêu chuẩn ở các đối tượng trong đánh giá, không thể yêu cầu một chuyên viên thường với tiêu chuẩn như một đồng chí lãnh đạo, mà người lãnh đạo phải có yêu cầu cao hơn, phải tương xứng với quyền, nghĩa vụ và lợi ích của họ. Như vậy mới là bình đẳng. Vấn đề kết nạp đảng viên cũng vậy, phải căn cứ vào đặc điểm nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng cơ sở, từng con người mà đánh giá và xét chọn. Không phải ở đâu cũng đòi hỏi trí thức bậc cao cả.
Duy, có một điều chú ý. Đảng ta là đảng cầm quyền, người gánh vác trách nhiệm lãnh đạo xã hội, hầu hết là đảng viên. Vì vậy điều quan trọng là khi kết nạp vào Đảng phải thử thách và xem xét, theo dõi để phát hiện những phần tử cơ hội, vụ lợi. Trong những năm gần đây có việc chuẩn hóa về trình độ học vấn cho cán bộ các cấp, bên cạnh đó lại mở rộng các hệ đào tạo từ xa, tại chức... nên sinh ra việc hợp thức hóa bằng cấp, loạn bằng cấp - học giả mà bằng thật. Có những người bằng cấp thấp, nhưng họ có phương pháp và sự cố gắng liên tục học cả đời nên vẫn đạt được tri thức bậc cao ở những năm về sau.
Tiêu chuẩn đảng viên cần phải có trình độ học vấn và tri thức cao là rất đúng, nhưng chỉ đúng ở những chi bộ có nhiệm vụ chính trị đòi hỏi trí thức cao, ở các cấp đảng và chính quyền cao hơn. Nếu áp dụng tiêu chuẩn đó vào cấp cơ sở khối phố là không thực tế. Việc kết nạp đảng 2 đối tượng trên là đúng đắn, là cần thiết. Nếu có sai thì sai ở các khâu sử dụng, trọng dụng cán bộ ở các giai đoạn sau. Điều đó, phụ thuộc vào sự đánh giá, quy hoạch và đề bạt của các cấp sau này.
PHẠM THÔNG