Phụ nữ Điện Tiến kể chuyện về Bác Hồ
Hội LHPN xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn vừa tổ chức hội thi “Phụ nữ Điện Tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5.
Với 3 nội dung dự thi chào hỏi - năng khiếu, kiến thức và phần thi kể chuyện, các thí sinh đến từ 5 thôn của xã Điện Tiến gồm Xuận Diệm, Châu Sơn 1, Châu Sơn 2, Thái Cẩm và Thái Sơn đã mang đến người xem nhiều cung bậc cảm xúc qua mỗi tiết mục trình diễn.
Đặc biệt, tại phần thi kể chuyện, hội trường dường như lắng đọng với những câu chuyện về Bác Hồ. Không ít tiết mục đã chạm tới trái tim người nghe như “Bác Hồ trước lúc đi xa”, “Hỡi ai bưng bác cơm đầy”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Tết độc lập đầu tiên”…
Cô giáo Võ Thị Việt Nhung (thôn Xuân Diệm) mang đến hội thi câu chuyện “Bác Hồ trước lúc đi xa” cùng hoạt cảnh về Bác những giây phút cuối cùng khiến khán phòng như chùng xuống trong nỗi đau mất mát của dân tộc 53 năm về trước.
Cô giáo Võ Thị Việt Nhung chia sẻ, sở dĩ chọn câu chuyện kể “Bác Hồ trước lúc đi xa” vì đây là phút giây đặc biệt của Bác và dân tộc. Những ước muốn cuối đời của Bác thật bình dị, nhưng để lại ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
“Đây cũng chính là lời dặn dò cảm động với non sông đất nước. Hãy giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc. Biết yêu, biết hát những làn điệu dân ca quê hương cũng chính là chúng ta biết yêu đất nước. Giản dị mà thấm thía. Qua câu chuyện tôi càng kính trọng và thương yêu Bác vô cùng!” - Võ Thị Việt Nhung nói.
Mẩu chuyện “Hỡi ai bưng bác cơm đầy” do Đỗ Thị Ngọc Anh (thôn Thái Sơn) thể hiện, kể về Bác trong một lần đến thăm nông dân chống hạn tại cánh đồng thôn Thái Bình (Hà Nội) mùa hè năm 1960.
Qua giọng kể say sưa, giàu cảm xúc của Đỗ Thị Ngọc Anh, người nghe càng thêm yêu thương, kính trọng Bác Hồ - một nhân cách lớn. Câu chuyện cũng chính là minh chứng về tình thương yêu đối với người nông dân Việt Nam một nắng hai sương, xa hơn là tấm lòng vị tha của Bác đối với con người.
Là giáo viên dạy môn Chính trị tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng nên chị Anh có điều kiện nghiên cứu và tìm hiểu về Hồ Chí Minh. Chị Anh chia sẻ, chị chọn câu chuyện “Hỡi ai bưng bác cơm đầy” vì qua đó nói lên sự bình dị và gần gũi của Bác mà ai cũng có thể học tập, làm theo. Và chính sự bình dị, gần gũi đó đã làm nên sự vĩ đại của Người.
Theo bà Nguyễn Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN xã Điện Tiến, từ những mẫu chuyện về Bác được kể tại hội thi, các thế hệ hôm nay sẽ dễ dàng hiểu và cảm nhận được đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một tấm gương lớn của lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì dân, vì nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là tấm gương đạo đức của một con người bình dị mà bất cứ ai cũng có thể học tập và làm theo để trở thành một công dân tốt trong xã hội.
“Hội LHPN xã Điện Tiến luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực nên thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, như thực hành tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quỹ tình thương, giúp đỡ phụ nữ nghèo, đơn thân, phụ nữ ốm đau hoạn nạn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nhằm giúp tất cả hội viên cùng tiến bộ” - bà Hiệp nói.