Khát vọng thanh xuân

VINH ANH 09/06/2021 06:53

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho thanh niên, mà còn giúp thế hệ trẻ rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tọa đàm “Khát vọng thanh xuân” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: A.Đ
Tọa đàm “Khát vọng thanh xuân” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: A.Đ

Hành trang là kiến thức

Năm 1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn - Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Trải qua bao gian nan, Người đã tìm ra “con đường giải phóng” cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam. Với thế hệ trẻ, hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng, mà còn giúp thanh niên rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trao đổi với tuổi trẻ Quảng Nam tại buổi tọa đàm kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (6.1911 - 6.2021), TS. Nguyễn Thị Hoài Phương - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực 3 cho rằng, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Bác là hành động táo bạo, tuy nhiên không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình tích lũy kiến thức.

Tại Huế, Bác được học tập, tiếp thu nền văn minh phương Tây từ sớm, hiểu được giá trị nền văn minh phương Tây. Nhưng khi bước ra khỏi trường học, Bác chứng kiến thực dân Pháp đàn áp, bóc lột nhân dân ta. Và câu hỏi đặt ra là “Vì sao một đất nước được xem văn minh, tự do, bác ái lại đi đè đầu cưỡi cổ nhân dân thuộc địa?”. Bác muốn tự tìm câu trả lời khi quyết định đến Pháp.

TS. Nguyễn Thị Hoài Phương nhìn nhận: “Người ta nói Bác ra đi tìm đường cứu nước bằng 2 bàn tay trắng. Điều đó chỉ đúng ở nghĩa đen thôi, là “tay trắng” về kinh phí, tiền bạc, nhưng trong hành trang của mình Bác đã có vốn hiểu biết, về nho học, tây học,...”.

Chị Trần Thị Thùy Trang - Bí thư đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành) chia sẻ, bên cạnh những nhân cách cao cả khác của Bác Hồ, chị ấn tượng ở Người tinh thần tự học. Và chị nhận ra rằng, tự học cũng là cách để Bác hoàn thiện bản thân, bổ sung kiến thức làm hành trang trên con đường cứu nước.

“Việc tự học của Bác không phải ngẫu hứng, tùy ý, mà rất khoa học với một ý chí bền bỉ. Bác học mọi lúc mọi nơi, tận dụng mọi điều kiện, thời gian, phương tiện sẵn có để học… Đó là điều mà những người trẻ cần noi gương học tập” - chị Trang bày tỏ.

Người trẻ học Bác

Là một trong những gương thanh niên điển hình tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác, anh Dương Quốc Bảo - đoàn viên thanh niên xã Tam Dân (Phú Ninh) cho biết, khi hiểu về hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan của Bác đã cho anh nhiều bài học quý báu.

“Năm 23 tuổi tôi quyết định sang Trung Quốc du học. Lúc đó tôi luôn có tâm trạng lo lắng, hồi hộp trước khi đến một đất nước xa lạ. Do đó, khi liên tưởng đến hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi càng cảm phục Bác.

Những năm đầu qua Trung Quốc, ngôn ngữ không biết, mọi thứ mới lạ nên cuộc sống, sinh hoạt và học tập của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó bản thân đã phải cố gắng để thích nghi, đặc biệt là trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Kết thúc du học tôi quyết định về quê hương mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ, các bạn đoàn viên thanh niên, với mong muốn truyền cảm hứng học ngoại ngữ, giúp các bạn có hành trang khi bước ra thế giới” - anh Bảo tâm sự.

Anh Bảo cũng là một trong số đại biểu trẻ đại diện Việt Nam sang Ấn Độ diện kiến Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ; sang Campuchia tham gia chương trình giao lưu trao đổi học thuật giữa các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc.

Xác định học Bác là học suốt đời, chị Trần Thị Thùy Trang nói luôn lấy tấm gương đạo đức của Bác để học tập, soi mình.

“Bác Hồ ra nước ngoài với mong muốn tìm được con đường cứu nước khác biệt so với các bậc tiền bối. Và chính sự khác biệt đó tạo nên thành công cho cách mạng Việt Nam sau này. Đó là bài học cho tôi luôn suy nghĩ mang đến cái mới mẻ trong giảng dạy cũng như trong công tác phong trào đoàn, tạo cuốn hút cho học sinh và thu hút đoàn viên thanh niên...

Trong xu thế hội nhập, người trẻ cần học Bác ở tinh thần tự học, không ngừng trau dồi kiến thức, để thực hiện 4 trụ cột: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” - chị Trang chia sẻ.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để mỗi bạn trẻ hôm nay nỗ lực hơn trong tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo, phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường như tâm nguyện và khát vọng cháy bỏng của Người.

VINH ANH