Còn sống, còn cống hiến
Không chỉ là người lính can trường trong kháng chiến chống Mỹ, khi trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Mai Năm ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tri ân gia đình chính sách, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.
Thuê máy bơm nước cứu lúa của dân
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng Hà Dài với những ruộng lúa trĩu bông chín vàng, ông Võ Củng (thôn An Lạc) cho biết, vụ hè thu 2020 do nắng hạn kéo dài, mực nước trên sông Bà Rén xuống thấp khiến trạm bơm An Lạc ngưng vận hành nhiều ngày. Không có nước tưới, toàn bộ ruộng lúa đang đứng cái - làm đòng của ông Củng và nhiều hộ dân trong vùng bị khô nứt nẻ, nguy cơ mất trắng hoàn toàn.
“Trước tình thế nguy cấp đó, ông Mai Năm đã thuê dàn máy bơm về tận dụng mọi nguồn nước ngọt đưa lên hệ thống bể hút và kênh tưới của trạm bơm An Lạc để giải cứu lúa. Nhờ vậy, bây giờ mới có được mùa vàng bội thu” - ông Củng hồ hởi nói.
Ông Lê Tấn Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho hay, hàng chục năm qua trạm bơm An Lạc luôn đảm bảo cung ứng đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vào giữa vụ hè thu 2020, nắng hạn khốc liệt, mực nước trên sông Bà Rén thấp hơn cùng kỳ 0,4m; đồng thời lượng nước điều tiết từ hồ Phú Ninh về ít hơn so với mọi năm, khiến trạm bơm An Lạc không thể vận hành. Nhờ ông Mai Năm hỗ trợ hơn 50 triệu đồng thuê dàn máy bơm có công suất tưới 400m3 nước/giờ, lắp đặt trên sông Bà Rén đoạn chảy qua thôn An Lạc, đưa nước ra đồng nên đã cứu 140ha lúa của đội 10, 11 thôn An Lạc và đội 12, 13 thôn Nhơn Bồi thoát khỏi cảnh chết héo.
“Máy bơm ông Mai Năm thuê về vận hành liên tục từ ngày 27 - 30.7 không chỉ cứu 140ha lúa hè thu của địa phương mà còn hỗ trợ cung ứng nước cho trạm bơm Ấp Bắc của xã Bình Giang (Thăng Bình) để bơm tưới hơn 80ha lúa” - ông Bảo chia sẻ.
Trách nhiệm với cộng đồng
“Mặc dù mang trong mình di chứng từ những trận đòn roi của Mỹ - ngụy và trải qua 4 đợt phẫu thuật tim, nhưng tôi nghĩ, mình còn sống là còn cống hiến cho đời”.
(Cựu chiến binh Mai Năm, ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, Duy Xuyên)
Con đường từ chân cầu Ba Ra dẫn về ngã ba Ông Long (thôn An Lạc) được đổ bê tông với chiều dài 700m và rộng 3m, dọc hai bên đường là hàng tre rợp bóng mát. Để xây dựng hoàn thành con đường đó, ngoài nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, ông Mai Năm và vợ là bà Bùi Thị Hiếu tự nguyện đóng góp 4 cây vàng. Tuy nhiên, “kỷ lục” về đóng góp làm đường giao thông phục vụ người dân của ông Mai Năm phải kể đến tuyến đường từ ngã ba Ông Long đến nhà ông Quân. Trước đây, đoạn này là con đường đất gập ghềnh khiến việc đi lại và vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước thực trạng đó, ông Mai Năm đề nghị với chính quyền địa phương cho phép đổ bê tông toàn bộ tuyến đường này với chiều dài 750m, rộng 3,5m, kinh phí do gia đình ông tài trợ hơn 600 triệu đồng.
Ông Dương Văn Quang - Trưởng thôn An Lạc cho biết, bây giờ toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn của địa phương cơ bản được đổ bê tông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều đoạn tuyến có sự đóng góp rất lớn của vợ chồng ông Mai Năm. Không chỉ vậy, gia đình ông Năm còn xung phong hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn và cơ sở vật chất trường học trên địa bàn. Những năm qua ông Năm cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật… với tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng.
Sống để tri ân
Năm 1968, khi vừa tròn 16 tuổi, ông Mai Năm tham gia du kích xã. Ông đã nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì; năm 1972 ông bị đày ra Côn Đảo. Sau khi đất nước giải phóng, ông về lại địa phương, công tác tại Đội An ninh Công an huyện Duy Xuyên. Năm 1985, ông nghỉ hưu theo chế độ, được Nhà nước công nhận thương binh hạng 2.
Ông Lê Trung Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Duy Thành nói: “Với tinh thần người lính, ông Mai Năm kiên cường vượt mọi khó khăn, điều hành hiệu quả hoạt động xây dựng dân dụng, khai thác và cung ứng vật liệu, làm giàu cho gia đình và quê hương. Phẩm chất cao đẹp đó xứng đáng là tấm gương cho mọi người noi theo”.
Là cựu thanh niên xung phong, hoàn cảnh đơn thân, thường xuyên đau ốm nên những năm qua cuộc sống bà Nguyễn Thị Hỷ ở thôn An Lạc gặp nhiều khó khăn; không có nhà, phải ở nhờ cửa chùa. Hơn một năm trước, ngoài vận động hàng xóm tặng lô đất, ông Mai Năm tài trợ 70 triệu đồng hỗ trợ bà Hỷ xây dựng nhà ở.
Riêng năm 2019, ông Mai Năm hỗ trợ xây dựng 10 nhà tình nghĩa ở các xã Duy Hòa, Duy Trung, Duy Nghĩa, Duy Thành với tổng số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành được hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng đài tưởng niệm các vụ thảm sát thường dân vô tội do kẻ thù gây ra ở xã Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) và xã Bình Dương (Thăng Bình).
Bà Nguyễn Thị Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa nói: “Tại địa phương có xây dựng đài tưởng niệm ở thôn Thành Triều với kinh phí 860 triệu đồng, do ông Mai Năm hỗ trợ. Chúng tôi trân trọng việc làm đầy tình nghĩa này. Công trình nhằm tri ân người đã khuất, và để thế hệ hôm nay hiểu hơn về những hy sinh mất mát của quân, dân các xã vùng đông trong tháng ngày bám đất, giữ làng theo Đảng, theo cách mạng cho tới ngày toàn thắng”.
Nói về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của mình, ông Mai Năm tâm sự: “Mỗi lần đến những nơi từng cầm súng chiến đấu, tôi thầm nghĩ, mình may mắn còn sống nên phải làm tất cả những gì có thể để tri ân đồng đội, xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc”.