Lan tỏa tinh thần làm theo gương Bác

PHAN VINH - HÀN GIANG 19/05/2020 11:30

Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) ngày càng lan tỏa sâu rộng và xuất hiện thêm nhiều cách làm hay, có ý nghĩa thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Phụ nữ tổ 8, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh vệ sinh nhà cửa cho bà Sòng. Ảnh: V.Đ
Phụ nữ tổ 8, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh vệ sinh nhà cửa cho bà Sòng. Ảnh: V.Đ

Đoàn kết vì việc chung

Từ nhiều năm nay, chị em phụ nữ tổ 8, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh (Núi Thành) thay phiên nhau chăm sóc, nuôi dưỡng bà Phạm Thị Sòng - người trong tổ, bị bệnh tâm thần, hai chân bị bại liệt, sống neo đơn. Hằng ngày, chị em trong tổ (gồm 25 người) theo lịch đã phân công chăm lo chu đáo 3 bữa cơm cho bà Sòng. Rồi theo lịch hẹn, cứ 3 ngày, chị em trong tổ theo nhóm cùng nhau đến quét dọn nhà cửa và vệ sinh cá nhân cho bà Sòng. Ước tính đã hơn 15 năm chị em trong tổ 8 nhận cưu mang bà Phạm Thị Sòng kể từ khi bà phát bệnh.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 05, toàn tỉnh đã khen thưởng 534 tập thể, cá nhân tiêu biểu, trong đó: cấp tỉnh có 43 tập thể, 23 cá nhân; cấp huyện 288 tập thể, 180 cá nhân. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 3.137 tổ chức đảng, 8.234 đảng viên; giám sát 2.373 tổ chức đảng, 5.504 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra 40 tổ chức đảng và 53 đảng viên; giám sát 12 tổ chức đảng và 32 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã đánh giá đúng ưu điểm, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nghiêm túc, sát thực, nhất là chỉ đạo cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; đề ra những giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm. 

Bà Bùi Thị Kim Tuyết - Tổ trưởng phụ nữ tổ 8 chia sẻ, ngoài nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bà Sòng, tổ còn thực hiện nhiều phần việc học và làm theo Bác phù hợp với cơ sở như thành lập tổ phụ nữ tự quản rác thải, tổ phụ nữ thực hiện mô hình “Sạch đường làng, đẹp nông thôn”.

“Vào Chủ nhật cuối tháng, đúng 4 giờ chiều, mỗi nhà cử một người tham gia quét dọn đường làng. Ngoài ra, cứ 3 tháng một lần, chúng tôi tổ chức gom rác dọn vệ sinh và khơi thông lòng suối trên địa bàn thôn. Chúng tôi còn thành lập tổ góp vốn xoay vòng do tôi làm tổ trưởng có 12 chị tham gia mỗi tháng góp 1 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, nhiều chị đầu tư phát triển kinh tế, mua được tủ lạnh, máy giặt, xây dựng công trình phụ...” - bà Tuyết chia sẻ.

Bà Châu Thị Tư - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thạnh cho biết, phụ nữ tổ 8 thôn Phước Thạnh là tập thể được địa phương nhiều lần biểu dương, khen thưởng, chọn làm điển hình cho các đơn vị khác noi theo.

“Ở địa phương, từ những việc làm của chị em phụ nữ tổ 8, nhiều tổ hội khác cũng học tập theo tinh thần đoàn kết vì việc chung. Đây cũng là điển hình thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn xã” - bà Tư nói.

Nữ bí thư sâu sát cơ sở

Hộ bà Phạm Thị Cường (thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, Phú Ninh) chăm chỉ làm ăn, luôn nuôi khát vọng vươn lên thoát nghèo, nhưng ngặt nỗi vốn liếng không có để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, nữ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Quý - Nguyễn Thị Huyền nắm bắt được điều kiện gia đình của bà Cường nên tham mưu cấp trên ưu tiên suất hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo. Từ đó bà Cường được hỗ trợ ban đầu 50 con gà giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; sau đó được tạo điều kiện vay vốn đầu tư làm chuồng trại phát triển chăn nuôi. Chắt chiu từng đồng vốn, gia đình bà Cường đầu tư mở rộng quy mô đàn gà thương phẩm, nuôi thêm vịt và heo, nhờ đó đã thoát nghèo thành công.

Theo chia sẻ của bà Cường, có quyết tâm nhưng gia đình sẽ khó thoát nghèo nếu không nhận được sự hỗ trợ, động viên, kèm cặp sát sao của nữ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nguyễn Thị Huyền.

Không chỉ quan tâm tìm hiểu, đề xuất cấp trên xem xét giúp đỡ những gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống, bà Nguyễn Thị Huyền còn vận động chị em trong thôn góp vốn quay vòng giúp nhau làm kinh tế, giải quyết khó khăn. Bà Huyền cũng đề xuất thành lập tổ từ thiện vận động quỹ từ các cá nhân, tập thể, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, neo đơn của thôn với trị giá hơn 50 triệu đồng/năm.

Thôn Tân Quý được thành lập từ việc sáp nhập hai thôn Tân Vinh và Vĩnh Quý theo chủ trương chung của tỉnh, bà Nguyễn Thị Huyền được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Đứng trước rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, người dân của hai thôn cũ chưa gần gũi, nên việc vận động, tuyên truyền thực hiện chủ trương, chính sách từ cấp trên lúc đầu bị hạn chế. Mỗi lần tổ chức họp dân, bà Huyền tự thu âm và mang loa đi khắp các ngõ xóm phát thông báo để nhắc nhở. Hộ nào thường xuyên vắng họp, bà đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh và tuyên truyền những lợi ích khi tham gia họp thôn.

“Ban đầu, tôi cũng nghĩ việc đảm nhận hai chức danh cùng một lúc đối với phụ nữ sẽ rất khó khăn. Nhưng khi được giao nhiệm vụ thì mình quyết tâm làm. Học và làm theo lời Bác, mình luôn gần dân, gắn bó với dân, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên mọi công việc được thực hiện dễ dàng hơn. Mình nghe dân thì dân cũng tôn trọng mình, nhờ vậy mà các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai về thôn đều thuận lợi” - bà Huyền nói.

Nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và đồng bộ với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát thực, tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Việc tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền Chỉ thị 05 và các chuyên đề hàng năm được chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Từ chuyển biến trong nhận thức và hành động, việc học tập và làm theo gương Bác Hồ trở thành hành động thường xuyên ở từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên. Qua thời gian, mô hình hay, hiệu quả, cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng tăng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, điều đáng mừng là đến nay, những hạn chế, khuyết điểm của các tập thể cấp ủy, cá nhân cán bộ được Trung ương chỉ ra đã được tập trung kiểm điểm nghiêm túc nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Những vấn đề bức xúc trong nhân dân được quan tâm giải quyết tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; phong cách làm việc, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực theo hướng khoa học, sát thực tế, gần dân, phục vụ nhân dân...

“Thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, cơ quan, đơn vị với những nội dung và hình thức phù hợp, coi đây là công việc quan trọng, thường xuyên. Trong sinh hoạt chuyên đề, các cơ quan, đơn vị, chi bộ lựa chọn một số nội dung từ chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm để xác định nội dung sinh hoạt phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt chú trọng thảo luận, trao đổi giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém (nếu có) và đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể, hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” -  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

PHAN VINH - HÀN GIANG