Bác đã cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin
Lần tháp tùng người có công của TP.Tam Kỳ ra thăm Thủ đô Hà Nội, chúng tôi nghe ông Trần Văn Bình (khối phố 2, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) kể về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ đầy xúc động.
Ông Trần Văn Bình, sinh năm 1935, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở phố Hội. Tham gia thiếu sinh quân từ năm 14 tuổi, đến tuổi 18 ông được tổ chức phân công về Trung đoàn 93, sau đó chuyển về Trung đoàn 108, thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Do yêu cầu phát triển lực lượng, Trung đoàn 108 chia tách thành lập thêm Trung đoàn 803 và ông Bình được điều về đơn vị này.
Qua hơn 2 năm chiến đấu ở khắp chiến trường Liên khu 5, tháng 3.1955 ông lên tàu tập kết ra miền Bắc. Tháng 5.1964, ông đi học bổ túc công nông ở quận Bạch Mai (Hà Nội) và sau đó được cử đi học chuyên ngành ngân hàng. Năm 1965 ra trường, ông Bình công tác tại Ngân hàng Nhà nước huyện Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) và lập gia đình cùng người con gái ở xứ than.
Năm 1968 ông Bình lên đường đi B. Năm 1971, trong một trận đánh tại thôn 6 (xã Kỳ Quế, huyện Tam Kỳ) ông bị thương nặng, được đồng đội đưa về tuyến sau để điều trị, sau đó ra Hà Nội an dưỡng. Tháng 3.1975 ông được trưng tập bồi dưỡng nghiệp vụ đặc biệt để lên đường vào Nam tiếp quản thành quả cách mạng ở địa phương và được tổ chức phân công làm Trưởng phòng Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thị xã Tam Kỳ. Đến năm 1980 ông nghỉ hưu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Bình có hơn 17 năm sống trên đất Bắc và nhiều lần được gặp Bác Hồ. Ông bảo, trong những năm công tác và học tập trên đất Bắc, vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhưng có 2 lần ghi lại dấu ấn đặc biệt sâu đậm và làm cho ông có thêm sức mạnh, niềm tin vào cách mạng.
Ông Bình kể: “Lần đầu tiên, vào một ngày giữa tháng 8.1955, lúc bấy giờ Trung đoàn 803 đang đóng quân ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), tiểu đội của chúng tôi trực nấu cơm trưa, bất ngờ có một cụ già râu tóc bạc phơ, trong bộ trang phục bà ba màu nâu từ phía sau nhà ăn đi vào. Nhận ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả đồng thanh hô vang “Bác Hồ!... Bác Hồ!”.
Sau đó mọi người xúm quanh, ôm chầm lấy Bác. Tôi là người may mắn nhất, được Bác Hồ bắt tay và thăm hỏi về đời sống cũng như tiêu chuẩn ăn của cán bộ, chiến sĩ. Bác còn ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe và dặn dò chân tình như người cha đối với con, người ông đối với cháu. Lần thứ hai, vào một ngày khoảng cuối tháng 5.1964, Bác đến thăm trung đoàn lúc bấy giờ đóng quân ở Đô Lương (Nghệ An).
Bác nhấn mạnh: “Ở miền Bắc hiện nay có 2 vấn đề cần phải làm, thứ nhất là tập trung xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thứ hai là làm hậu thuẫn vững chắc để đấu tranh thống nhất đất nước. Muốn làm hậu thuẫn vững mạnh thì phải có lực lượng quân đội vững mạnh, muốn xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh thì cần những người có trình độ văn hóa, có trình độ khoa học kỹ thuật để sử dụng các loại vũ khí hiện đại”.
Qua những lời Bác căn dặn, chúng tôi vui vẻ khoác ba lô lên vai về các trường học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghiệp vụ, ra trường được phân công về công tác ở các đơn vị kinh tế trên đất Bắc”.
Kể đến đây, ông Bình đưa tay bưng ly trà hương lài nhấp một ngụm, rồi chia sẻ: “Thực ra, lúc bấy giờ trình độ văn hóa của đại bộ phận anh em còn thấp, nhưng hầu như ai cũng muốn đứng trong hàng ngũ quân đội để chiến đấu, bảo vệ đất nước. Do yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ nên trước đó đã có một vài đồng chí lãnh đạo Trung ương đến thăm và động viên anh em chuyển ngành nhưng nhiều người do dự không muốn rời khỏi quân ngũ. Khi Bác Hồ đến thăm, động viên và phân tích cụ thể làm cho chúng tôi thật sự “tâm phục, khẩu phục”, chấp hành nghiêm chỉnh, xem đó là mệnh lệnh. Đã 56 năm kể từ lần cuối cùng gặp Bác Hồ và 51 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng hình ảnh về Bác vẫn hiển hiện trong tôi. Bác là niềm tin tất thắng, là người soi đường dẫn lối để chúng tôi đi suốt chặng đường đấu tranh cùng quân và dân cả nước làm nên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất”.