Đồng bào miền núi Quảng Nam với Bác Hồ
Ăn thề đoàn kết trước chân dung BácĐầu năm 1955, sau khi đặt được bộ máy chính quyền ở đồng bằng, địch xúc tiến mạnh việc đưa quân lên đánh phá phong trào cách mạng các huyện miền núi, tiến hành thiết lập bộ máy chính quyền, đẩy mạnh việc xuyên tạc chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng ta.
Nguy hiểm nhất là chúng mua chuộc một số già làng để vận động rút thanh niên đi làm gián điệp... Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, đồng thời chủ động lãnh đạo phong trào, trong tháng 3 và tháng 4.1955, Huyện ủy Bến Giằng tổ chức liên tiếp các hội nghị mở rộng tại Pa Rào (xã Ra Ràng) và tại Pa Rồng (xã A Xăh) bàn chuyên đề gom góp các mẩu chuyện đấu tranh chống địch, những gương người tốt, việc tốt tiêu biểu để phổ biến cho nhân dân học tập và thúc đẩy phong trào phát triển.
Tháng 5.1955, tại thôn Ôc Cruung (xã Ra Ràng) Huyện ủy Bến Giằng tổ chức cuộc gặp gỡ đoàn kết nhân dân toàn huyện, với hơn 200 đại biểu của các bản làng. Các đại biểu đã biểu thị thái độ đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng, chung sức chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, đồng thời lập bản giao ước, làm lễ ăn thề trước chân dung Bác Hồ và cờ Đảng với lời cam kết sắt đá.
Bản giao ước nêu “Nếu làng nào có người theo giặc Mỹ - Diệm thì làng đó tự xử. Nếu cả làng theo giặc Mỹ - Diệm thì làng khác sẽ trị”. Giao ước còn nêu “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” và kêu gọi toàn dân tương trợ đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chống địch họa, thiên tai, đùm bọc giúp đỡ nhau trong lúc đói đau, hoạn nạn, tạo nên sức mạnh bảo vệ núi rừng, bảo vệ dân tộc, bảo vệ cách mạng. Qua cuộc gặp gỡ này, sự hiểu biết giữa các dân tộc anh em càng thêm gắn bó, tình đoàn kết đấu tranh chống địch càng được tăng cường; sự xâm nhập tề điệp bị hạn chế và phong trào cách mạng trong huyện phát triển ngày càng vững chắc.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đoàn kết các dân tộc, tháng 7.1955, tại thôn Pa Căng, xã Cà Dy, huyện Bến Giằng, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng mở hội nghị cán bộ chủ chốt các huyện miền núi sau khi nối được liên lạc với các địa phương này. Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban cán sự miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng, gồm các đồng chí Đỗ Duy Tư, Hoàng Trọng Dĩnh, Quách Xân, do đồng chí Đỗ Duy Tư làm Bí thư.
Sau khi thành lập, để giúp đồng bào thấy rõ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng thời giải tỏa cho đồng bào về những vướng mắc, ngờ vực vào đường lối, chủ trương của Đảng và nghi ngờ lẫn nhau giữa các dân tộc, Ban Cán sự miền Tây chỉ đạo chủ trương quần chúng hóa, đẩy mạnh công tác dân vận, góp phần giữ gìn tình đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân các dân tộc, cùng nhau chống địch chia rẽ. Nhờ vậy, đồng bào đã tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Bác Hồ.
Bảo vệ hình ảnh Bác Hồ
Lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh chống âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng diễn ra sôi nổi ở miền núi Quảng Nam. Địch bắt đồng bào treo ảnh Diệm. Đồng bào nhận treo ảnh Diệm vì không nhận treo ảnh là công khai chống lại và địch vin vào cớ này để đàn áp. Địch bảo đem treo ở nơi trang trọng nhất giữa nhà thì đồng bào đem treo trên giàn bếp. Chúng có nói thì đồng bào trả lời: “Người dân chúng tôi cái gì quý nhất đều phải treo trên giàn bếp”. Do treo trên giàn bếp, chỉ buổi sáng đến buổi chiều ảnh Diệm bị khói bếp đóng đầy, lem luốc.
Cũng như Bến Giằng, tại vùng Trà My địch dùng tranh, ảnh tuyên truyền nói xấu Đảng và Bác Hồ. Để vạch mặt âm mưu của địch, ta thường xuyên lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại các hình thức tuyên truyền này của chúng. Ta đã chuẩn bị cho quần chúng nhiều lý lẽ đơn giản theo cách lập luận của đồng bào.
Tháng 6.1956, địch tổ chức cuộc mít tinh ở xã Tiên Hương cũng với mục đích tuyên truyền nói xấu cách mạng, nói xấu Đảng và Bác Hồ. Chúng lấy hình ảnh Bác Hồ gầy gò so với Ngô Đình Diệm mập mạp cho đồng bào xem. Được cán bộ hướng dẫn từ trước, quần chúng đã dùng lập luận để phản bác sự tuyên truyền của địch.
Quần chúng nói: “Bác Hồ lo cho dân nên người bị gầy”... Kết quả bọn địch đuối lý trước quần chúng. Qua cuộc đấu tranh này, cho thấy khả năng ta có thể dùng những lập luận rất đơn giản, giàu hình tượng nhưng vững chắc để đấu lý với địch và dùng chính những luận điệu tuyên truyền của địch để “gậy ông đập lưng ông”.
Không để lòng dân vướng mắc
Trong lúc phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam nói chung, đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là tư tưởng băn khoăn, lo lắng của đồng bào trước việc Mỹ - Diệm không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, ngày 6.7.1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước.
Thư của Bác được in trên báo Nhân Dân theo đường hành lang Bắc - Nam đến với đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam. Các đảng bộ miền núi đã tổ chức cho đảng viên và nhân dân học tập rộng rãi thư trên. Thư gửi đồng bào cả nước của Bác đã vạch rõ nguyên nhân vì sao sau hai năm vẫn chưa có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ của toàn dân ta là phải “Kiên quyết đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”.
Tại Trà My, cán bộ đọc và giải thích nội dung tinh thần thư Bác, lấy ôn nghèo, gợi khổ để đồng bào tự đối chiếu cảnh đời trong vòng kìm kẹp, áp bức của phong kiến, thực dân rồi so sánh với những thành quả mà Đảng, Bác Hồ đã đem lại cho mình. Kể các câu chuyện, tội ác mà Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố đồng bào ta ở Vĩnh Trinh, Chợ Được, Cây Cốc..., chỉ cho đồng bào thấy rõ hơn bản chất hung bạo, dã man của địch.
Tất cả cán bộ, đảng viên người Kinh, từ cấp ủy trở xuống, đồng chí nào phụ trách vùng nào, xã nào đều đứng ra tự phê bình trước đồng bào vùng mình, xã mình phụ trách, nhận hết những khuyết điểm, sai lầm của Đảng bộ đã vấp phải và hứa trước đồng bào là tích cực khắc phục, sửa chữa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đồng cam cộng khổ với đồng bào để lãnh đạo đấu tranh.
Qua học tập thư Bác và tự phê bình của tất cả cán bộ, đảng viên người Kinh, đồng bào vô cùng cảm động, phấn khởi, thấm thía từng câu, từng chữ trong thư Bác, thấy “Gốc không sai, chỉ có một vài ngọn sai thôi”. Các vướng mắc âm ỉ mãi trong lòng, nay được giải quyết. Đồng bào càng hiểu Đảng, hiểu Bác, thương cán bộ, nuôi cán bộ, thương như con trong nhà. Đồng bào hiểu được rằng cán bộ ở lại chịu đói rét, đau ốm giữa rừng núi mênh mông đại ngàn chính là để cùng đồng bào đấu tranh giành tự do và thống nhất Tổ quốc. Đáng chú ý qua phát động, ở Nam Bền, Bắc Bền và Cang, nhân dân đã phát hiện 27 tên tề phản động còn lẩn tránh và báo cho ta để đưa đi cải tạo, thu giữ 200 khẩu súng.