Lễ kỷ niệm Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo TTXVN 02/09/2019 11:00

(QNO) - Ngày 30.8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2.9.1969 - 2.9.2019).

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Cùng dự có các đồng chí Thường trực Ban Bí thư, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương cùng đông đảo đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô. 

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, các đại biểu thành kính tưởng nhớ và biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, người "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đầy gian khổ và hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu để hoàn thành bản Di chúc trong vòng bốn năm (1965 - 1969).

Chỉ với hơn một nghìn từ, vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Trong Di chúc, Người khẳng định: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Dự báo thiên tài đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm trở thành hiện thực, thể hiện tầm cao trí tuệ uyên bác và tri thức thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc, nắm vững và làm chủ quy luật vận động khách quan của Người.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài, đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Trong Di chúc, Người "trước hết nói về Đảng", căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng Mácxít chân chính, "là đạo đức, là văn minh", đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam.

Người chỉ rõ: "Ngay sau khi cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi,... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".

Trong Di chúc, Người căn dặn, "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, "từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới.

Bên cạnh đó, đoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cho đến trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật và xuyên suốt là tư tưởng giải phóng dân tộc đồng thời với giải phóng xã hội, giải phóng con người, mở ra những triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội. Người đặc biệt nhấn mạnh "Đầu tiên là công việc đối với con người".

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức và mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa,...đồng thời kiến thiết, xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Vì vậy, Đảng phải huy động được hết trí tuệ, sức mạnh toàn dân tộc, "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân", đồng thời "phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng và chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo thế hệ trẻ. Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Đó là sự quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người Việt Nam, với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam.

Khi bàn về vấn đề quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hoá rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm sâu sắc tới việc củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta.

Trong những lời cuối của Di chúc, Người nói "về việc riêng". Dù nói về việc riêng, nhưng vẫn hàm chứa trong đó biết bao suy tư, trăn trở, vẫn toát lên suy nghĩ và hành động lo cho nước, cho dân. Người trọn đời "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Vĩnh biệt chúng ta, Bác không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc nuối khi "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đó là lý tưởng chính trị, là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Năm mươi năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã cống hiến và hy sinh trọn đời.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, "thỏa lòng mong ước của Người".

Bà Hoàng Thị Nữ - nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN
Bà Hoàng Thị Nữ - nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta mười lần to đẹp hơn và 'ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' như mong muốn của Người. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".

Năm mươi năm qua, Đảng đã ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng, tăng cường đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân cho đại đoàn kết dân tộc, "thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình", tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; ra sức củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao kỷ luật nghiêm minh và tự giác.

Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng MTTQ Việt Nam và các tổ chức của hệ thống chính trị; góp phần quan trọng củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.

Năm mươi năm thực hiện Di chúc là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Năm mươi năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức quý báu. Đó là bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đó là bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Đó là bài học sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nhấn mạnh những giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của Di chúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Chúng ta cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe doạ tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội quân tiên phong, là Đảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đại diện gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiến sĩ Hoàng Thị Nữ - nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, bày tỏ sự xúc động khi được phát biểu tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người.

Được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà nhận thức là một vinh dự và niềm tự hào lớn, đồng thời là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự cẩn trọng, toàn tâm, toàn ý vì công việc và hơn hết là lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Bà Hoàng Thị Nữ cho biết, tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng được gắn bó với kỷ vật của Bác, được tiếp xúc với những trang bản thảo, trong đó có bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe giọng nói của Người qua các cuốn băng ghi âm, càng giúp bà hiểu hơn về tấm gương đạo đức, nhân cách tốt đẹp, sự cống hiến to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Hoàng Thị Nữ luôn xác định phải giữ gìn để tuổi thọ của từng tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác Hồ được lâu nhất, để phát huy cao nhất những giá trị di sản của Bác Hồ để lại và luôn coi mỗi kỷ vật về Bác là một phần máu thịt của mình.

Cũng tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người, đồng chí Nguyễn Nhất Linh - giảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tự hào đại diện thế hệ trẻ phát biểu cảm nghĩ.

Đồng chí Nguyễn Nhất Linh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 18 tuổi, trong quá trình học tập và công tác nhận được nhiều giải thưởng của Đoàn, của TP.Hà Nội. Anh cũng có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở được xếp loại xuất sắc.

Với trọng trách được giao, Nguyễn Nhất Linh tham gia nhiều chương trình, phong trào lớn như: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc"... Anh cho rằng, thanh niên phải thường xuyên nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức như lời Bác Hồ dạy "Tu dưỡng bản thân như rửa mặt hàng ngày". Thanh niên phải trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội, cụ thể hóa những lời dạy của Bác vào công việc và sinh hoạt hàng ngày, sống có hoài bão, có lý tưởng, có trách nhiệm đóng góp xây dựng cộng đồng, đất nước.

Tại buổi lễ, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Trung ương và Hà Nội biểu diễn ca ngợi Đảng quang vinh, đất nước đổi mới và Bác Hồ vĩ đại.

Theo TTXVN