Nhớ lời Bác, chung tay nâng tầm văn hóa cầm quyền của Đảng

PGS. TS HỒ TẤN SÁNG 19/05/2017 08:35

(QNO) - “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta…”(1). Biết ơn và để xứng đáng với Người, Đảng ta đã nguyện tiếp tục sự nghiệp suốt hơn 60 năm mà Người theo đuổi.

Nhìn lại lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, “chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”(2).

Bác Hồ làm việc tại Nhà 54. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ làm việc tại Nhà 54. (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, nghiêm túc “nhìn thẳng sự thật”, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Đảng ta một lần nữa chỉ ra: “Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”(3).

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng. Theo tinh thần đó và gắn với lời dạy của Người, việc nâng tầm văn hóa cầm quyền của Đảng ta hiện nay cần chú trọng những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, duy trì để Đảng xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chủ tịch đã xác định rõ, Đảng ta là đảng cầm quyền. Để xứng đáng với vai trò đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đối chiếu với những điều Người căn dặn về Đảng trước lúc đi xa, chúng ta không thể không đau lòng nhận thấy rằng: Những hiện tượng sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống trong một số không ít cán bộ, đảng viên thời gian qua chính là dấu hiệu về sự suy thoái trong nội bộ. Để ngăn ngừa những căn bệnh đó, ngoài việc mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện thì quan trọng hơn, cần thiết hơn là phải tạo lập được cơ chế để sự góp ý, phê bình, trong đó đáng chú ý là góp ý, phê bình của quần chúng nhân dân cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, có hiệu lực thực sự.

Nói cách khác là phải tạo lập cách thức để ngăn ngừa và xử lý kịp thời, có hiệu lực những người cố ý lợi dụng chức quyền trong Đảng, trong hệ thống tổ chức quyền lực để trục lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích chung quanh họ.

Đó là cách làm có hiệu quả nhất để xây dựng Đảng ta trở thành tổ chức của lòng nhân ái, khoan dung; của trí tuệ và đạo đức. Trong môi trường đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều biết và có năng lực, bản lĩnh để đối thoại và qua đối thoại để cảm hóa, thuyết phục, tạo lập và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng - nguồn sức mạnh để Đảng làm tròn sứ mệnh đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào.

Thứ hai, xây dựng Nhà nước, Chính phủ hợp lý, hiệu quả. Là Đảng cầm quyền, trách nhiệm của Đảng là phải xây dựng một Nhà nước hợp lý, có hiệu quả. Đó là Nhà nước làm tròn chức năng kiến tạo phát triển, thực sự phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhà nước đó là Nhà nước không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân phát huy tốt vai trò “chủ nhân ông” của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, đặc biệt là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản.

Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia ngày càng nhiều, ngày càng có hiệu quả của người dân vào công việc xã hội, công việc Nhà nước mới có thể làm cho chính sách, pháp luật của Nhà nước gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn. Cần xem thực hành dân chủ là tiêu chí cơ bản nhất trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động của mỗi cán bộ, công chức và của từng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên làm giàu cho mình; là có chính sách thu hút được nhân tài, là bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức có thể tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản chính sách và sự độc quyền.

Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này có nghĩa là phải xây dựng và hiện thực hóa cơ chế để cho người dân có thể giám sát và từng bước vươn đến kiểm soát hoạt động của chính quyền thông qua việc tăng cường sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý.

Thứ ba, hình thành đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tương thích với môi trường văn hóa dân chủ, hiện đại. Mặc dù những năm qua, công tác cán bộ đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bố trí, song về tổng thể, so với yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới - phát triển với tốc độ nhanh và bền vững, thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập, thời kỳ dân chủ hóa tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì trình độ, phong cách làm việc của phần đông đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập.

Vì thế, một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định để tiếp tục phát huy vai trò và tính hữu hiệu của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo là tập trung nâng tầm, củng cố và hoàn thiện, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, cấp bách là đội ngũ cán bộ cơ sở bằng hệ thống các chính sách, cơ chế, cách làm đồng bộ, phức hợp.

Trong công tác cán bộ, điều quan trọng là phải từ phong trào, từ thực tế, từ nhu cầu của sự phát triển để tuyển chọn và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực con người. Cần hướng tới những kỹ năng để cán bộ làm tốt công tác dân vận - thực sự “gần dân, trọng dân”, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và trong chức phận của mình, họ có năng lực giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng của nhân dân.

PGS. TS HỒ TẤN SÁNG

(Theo baodanang)

(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr 516.
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, khóa XII, tr 20.
(3)  Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, khóa XII, tr 23.

PGS. TS HỒ TẤN SÁNG