Bởi lòng còn thẹn
Trong hành trình hơn 60 năm theo Đảng, dù ở cương vị nào ông Lưu Văn Chính (khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) vẫn luôn sáng ngời phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vào đầu những năm 1990 trở về trước, chuyện qua lại sông Tiên luôn là nỗi ám ảnh của người dân Tiên Phước và Trà My. Mùa mưa lũ năm nào cũng có người, xe bị cuốn trôi. Xót trước cảnh đó, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thời bấy giờ là ông Lưu Văn Chính đã khăn gói ra Hà Nội xin trung ương xây cầu cho dân. Và khi ông rời chốn “quan trường” năm 1995, chiếc cầu mới bắc qua sông Tiên khánh thành, như “chút gì để lại” trong lòng nhân dân về vị lãnh đạo của địa phương.
Ông Lưu Văn Chính cùng vợ tại nhà riêng. |
Nghỉ hưu, nhưng dường như lòng ông Chính còn nhiều điều đau đáu. Người ta lại thấy ông gò lưng trên chiếc xe máy rong ruổi đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vận động quyên góp làm từ thiện. “Ổng nghỉ hưu mà có ở nhà đâu. Ông còn bảo, vợ chồng già ăn chung một suất lương hưu của vợ cũng đủ, suất còn lại làm lộ phí đi đường. Những lúc quyên góp không đủ, ông phải bỏ hết tiền túi ra để mua quà hỗ trợ” - bà Đặng Thị Thược, vợ ông Chính kể. Dù sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều bởi di chứng chiến tranh, thêm bệnh huyết áp cao do tuổi tác, đôi chân ông vẫn đi hết 15 xã, thị trấn ở Tiên Phước để san sẻ với đồng đội, đồng chí và người thân của họ - những người còn nhiều khó khăn, chật vật trong cuộc sống.
Ở địa phương, ông Lưu Văn Chính luôn là tấm gương mẫu mực cho thế hệ đi sau về lối sống giản dị, tiết kiệm, thân thiện; tích cực tham gia ý kiến để xây dựng chi bộ, khối phố, địa phương ngày càng vững mạnh, tiến bộ. “Học Bác Hồ là chuyện cả đời. Tôi làm nhiều việc cho xã hội không phải vì tiếng tăm để lại mà vì soi vào tấm gương Bác Hồ, thấy lòng còn thẹn. Nên sức lực làm được bao nhiêu thì tôi quyết làm, cũng để “truyền lửa” cho con cháu. Tôi mong thế hệ trẻ sống trong hòa bình hãy học Bác Hồ từ những điều bình dị nhất để giúp dân, giúp nước”.
ĐOÀN ĐẠO