Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Sự thôi thúc nội tâm của mỗi người!

NGUYÊN ĐOAN - MINH HẢI 19/05/2015 08:42

Nhân dịp kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS-TS. Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương đã dành cho phóng viên Báo Quảng Nam cuộc phỏng vấn về việc thực hiện học tập và làm theo gương Bác trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

GS-TS. Hoàng Chí Bảo trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Nam.Ảnh: MINH HẢI
GS-TS. Hoàng Chí Bảo trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Nam. Ảnh: MINH HẢI

- PV: Thưa GS-TS. Hoàng Chí Bảo, chúng tôi được biết những năm qua, ông đã thực hiện rất nhiều cuộc nói chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các tỉnh thành trong nước. Vậy, thông điệp chính mà ông mong muốn gửi đến qua các cuộc nói chuyện với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Nam lần này là gì?

- GS-TS. Hoàng Chí Bảo: Gần 10 năm qua, Đảng ta phát động cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, khi Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị ra đời, chúng ta không còn gọi là cuộc vận động nữa vì việc thực hiện học và làm theo gương Bác đã trở thành một hành động học tập thường xuyên, hằng ngày, trong từng người, trong từng tổ chức đảng và quần chúng nhân dân ở mỗi địa phương. Học và làm theo gương Bác trở thành một nhu cầu văn hóa và tránh được tính chất hành chính quan liêu. Học Bác không phải là vấn đề kỷ niệm theo lễ hội, theo mùa vụ mà trở thành sự thôi thúc nội tâm của mỗi người, từng tổ chức đảng. Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về Bác và nói chuyện với các cán bộ, đảng viên thuộc các đối tượng khác nhau ở các địa phương trong cả nước, tôi muốn nêu ra các vấn đề để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm. Nếu chỉ cần một câu thôi mà khái quát cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác thì đó là: “Trung với Đảng, hiếu với dân, một lòng một dạ hy sinh, dâng hiến cho dân, cho nước, rộng ra là cho cả nhân loại”. Đời Bác là như vậy, tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cho dân tộc mình, cho nhân loại. Chúng ta học Bác là phải học cho được cái tinh thần đó.

Học Bác phải thực chất bằng hành động

- PV: Dưới góc độ là một chuyên gia cao cấp nghiên cứu lý luận, đồng thời truyền bá, phổ biến về tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, ông nhận định, đánh giá việc học và làm theo tấm gương của Bác - nhất là việc làm theo - được triển khai hiệu quả đến đâu?

- GS-TS. Hoàng Chí Bảo: Việc học tập và làm theo gương Bác trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng mừng. Trước hết đây là dịp để chúng ta có nhận thức đầy đủ, hệ thống hơn các sự kiện trong cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng cao quý, đạo đức mẫu mực của Bác. Chuyển biến về nhận thức như vậy là một thành công. Qua thực hiện học tập và làm theo Bác đã tạo sự thức tỉnh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tất cả chúng ta tự soi rọi, nhìn lại mình về những yếu kém, hạn chế mà Đảng ta gọi đó là sự suy thoái. Từ đó, đặt cho mình trách nhiệm học Bác, làm theo Bác một cách thực chất. Mà muốn thực chất thì phải nói đi đôi với làm, phải nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động theo lời dạy của Bác và mọi việc lớn nhỏ đều xuất phát từ dân, vì dân. Bác dạy là “dĩ công vi thượng”, theo tôi sự chuyển động đó là góp phần thức tỉnh nhận thức, hành động của mỗi người. Nhờ vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã thu được những kết quả bước đầu, tuy rằng còn rất nhiều việc phải làm.

Cũng từ việc thực hiện học tập và làm theo Bác chúng ta đã chú trọng nhiều hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là Đảng đạo đức, là văn minh. Và đẩy mạnh cuộc vận động thực hành dân chủ - một vấn đề rất lớn trong tư tưởng của Người, chống quan liêu tham nhũng, xa dân, đảm bảo cho cán bộ, đảng viên là đầy tớ trung thành của nhân dân. Nhiều tấm gương tốt ở địa phương và cơ sở xuất hiện. Những tấm gương rất bình dị, học và làm theo Bác rất chân thành, từ người lao động bình thường đến cán bộ, đảng viên mà các phương tiện truyền thông đã nêu, trong số đó có các đồng chí lãnh đạo các cấp.

- PV: Ông đến Quảng Nam đúng dịp Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đánh giá về những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhìn nhận những hạn chế qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW. Thưa giáo sư, phải chăng mỗi chúng ta còn phải nỗ lực hơn nữa để việc học và làm theo gương Bác đạt hiệu quả tích cực như mong muốn?

- GS-TS. Hoàng Chí Bảo: Hạn chế trong thực hiện học và làm theo gương Bác hiện nay còn nhiều. Chúng ta vẫn chưa khắc phục được tính hành chính quan liêu, học Bác mà vẫn còn chú trọng vào vấn đề bộ máy chỉ đạo, đi kiểm tra, đôn đốc... Những cái đó có cần không? Cần, nhưng cần đến mức độ nào thôi. Còn chính ra việc học Bác phải thực chất bằng hành động. Cũng chính vì thế mà cán bộ, đảng viên nhiều khi học chưa được bao nhiêu. Tính hình thức, phù phiếm, lãng phí vẫn còn. Vì vậy, chúng ta phải đẩy mạnh việc rèn luyện đạo đức, chống được quan liêu tham nhũng, chống được tiêu cực, tệ nạn chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm, mất đoàn kết. Nếu học Bác, làm theo Bác mà những cái này không sửa được thì coi như không có tác dụng. Làm thế nào để củng cố được niềm tin của nhân dân vì hiện nay niềm tin của nhân dân đang bị suy giảm. Không chỉ niềm tin của nhân dân đang suy giảm mà ngay cả niềm tin của đảng viên cũng bị suy giảm. Đó là điều chúng ta cần phải phấn đấu thực hiện.

Một tấm gương sống quý hơn trăm bài diễn văn

- PV: Tấm gương đạo đức, phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông nhấn mạnh nhiều trong các cuộc nói chuyện. Những vấn đề đó còn có tính thời sự như thế nào trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tệ bè phái, lợi ích nhóm, quan liêu tham nhũng, nói không đi đôi với làm, làm ít nói nhiều?

- GS-TS. Hoàng Chí Bảo: Trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh phải học Bác cả về tư tưởng, lẫn phương pháp và phong cách mà chúng ta đã từng nhấn mạnh là phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương. Đấy chính là những điểm đặc sắc, độc đáo của con người Hồ Chí Minh, vì Bác là con người hành động, một người thực hành. Cả cuộc đời Bác xuất phát từ dân và vì dân nên Bác rất chú trọng đến quần chúng nhân dân, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân đó là đặc trưng của Người. Thương dân và vì dân đó là mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn vậy phải thực hành dân chủ, Bác rất coi trọng dân chủ như là cái giá trị văn hóa - đấy là quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Thực hiện nêu gương, Bác nhấn mạnh, một tấm gương sống quý hơn một trăm bài diễn văn. Bây giờ, lời dạy này như một điểm tựa tinh thần, một phương pháp để chúng ta phấn đấu rèn luyện, chống lại sự quan liêu, xa dân, hách dịch. Đồng thời chống lại tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, vụ lợi, vị kỷ; thậm chí cả sự chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng cũng chỉ vì lợi ích cá nhân. Học phong cách của Bác chính là chữa chạy cho được những căn bệnh có trong Đảng ta, để Đảng ta xứng đáng là đảng cách mạng.

- PV: Dường như giáo sư là người rất có duyên với Quảng Nam. Thời gian qua, ông đã thực hiện nhiều cuộc nói chuyện về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với cán bộ, đảng viên các huyện, thành và nay là nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh. Thưa giáo sư, mảnh đất xứ Quảng theo nghiên cứu của ông, đã từng có ấn tượng với tình cảm Bác Hồ ra sao?

- GS-TS. Hoàng Chí Bảo: Quảng Nam là mảnh đất rất thiêng liêng, giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây đã sản sinh ra các nhân sĩ, trí thức tài cao, đức trọng như cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Qua nghiên cứu về mảnh đất, con người Quảng Nam, tôi mới hiểu tại sao mà Bác trân trọng người tài giỏi, người khí tiết đến như vậy. Ta nên nhớ tính cách con người Quảng Nam rất thẳng thắn, cương trực. Nhân gian có câu “người Quảng Nam hay cãi”, câu này rất đáng yêu, nó nói rõ tính cách, lòng tự trọng, tôn trọng của người xứ Quảng. Yêu mến đất Quảng, yêu mến con người xứ Quảng nên tôi về Quảng Nam với mong muốn truyền đến các đồng chí những tình cảm của Bác Hồ, chia sẻ động lực tinh thần để chúng ta phấn đấu. Tôi tin cùng với thời gian, Quảng Nam sẽ ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm thương yêu và tin cậy của Bác Hồ.

- PV: Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

NGUYÊN ĐOAN - MINH HẢI

NGUYÊN ĐOAN - MINH HẢI