Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Lá cờ đầu của Đoàn

LÊ THIÊN NGÂN 25/02/2014 08:38

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều phong trào hoạt động sôi nổi và hiệu quả, 3 năm liền (2011 - 2013) Huyện đoàn Hiệp Đức được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều năm dẫn đầu thi đua công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cụm các huyện miền núi của tỉnh.

Anh Huỳnh Hữu Cường - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết, để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác, ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Huyện đoàn đã tập trung xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Huyện đoàn đã hướng dẫn, chỉ đạo theo từng chuyên đề, đồng thời ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể... để công tác đoàn thu được hiệu quả cao nhất.

ĐVTN Hiệp Đức ra quân kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN
ĐVTN Hiệp Đức ra quân kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN

Những mô hình hiệu quả

Điều mà thanh niên hiện nay, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa rất cần, đó là được tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng. Nắm bắt được mong muốn đó của thanh niên, trong những năm qua, Huyện đoàn Hiệp Đức đã có những cách làm sáng tạo nhằm tập hợp và đoàn kết thanh niên, thành lập nhiều tổ liên kết phát triển kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã trong thanh niên. Các mô hình này không những giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong huyện có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, mà thông qua đó đã góp phần, nâng cao hiệu quả tập hợp và đoàn kết thanh niên, củng cố tổ chức Đoàn - Hội của địa phương ngày càng phát triển bền vững. Tiêu biểu trong phong trào này là Đoàn xã Quế Thọ với mô hình “Góp công quay vòng”. Bí thư Đoàn xã Quế Thọ - Nguyễn Thị Sương cho biết, đến ngày mùa, nhà nhà cùng bận việc nên tìm người làm công rất khó, tìm ra người thì tiền công cũng không rẻ. Thế là ý tưởng thành lập các nhóm “Góp công quay vòng” trong ĐVTN ra đời với mong muốn cùng hỗ trợ nhau trong việc làm ăn theo nguyên tắc quay vòng, luân phiên. Không dừng lại ở việc “đổi công” cho gia đình của từng thành viên, các nhóm còn nhận khoán của các gia đình khác, đem lại thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân hằng ngày từ việc nhận khoán của mỗi thành viên gần 200 nghìn đồng, riêng các thành viên đi cưa cây thu nhập cao hơn nhiều.

Một đơn vị điển hình khác là Thăng Phước. Khắc phục nhược điểm “phong trào đoàn thường rơi vào tình trạng thụ động, “đầu voi, đuôi chuột” trong quá trình triển khai công tác”, nhiều năm qua, Đoàn xã Thăng Phước luôn chú trọng gắn các hoạt động đoàn với lợi ích của ĐVTN. Trong đó, mô hình “Liên kết ĐVTN học tập, làm ăn xa quê với nhau và với ĐVTN ở quê nhà” đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ. Cách làm của Đoàn xã là nắm cụ thể những thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, nơi học tập hoặc làm việc… của ĐVTN đi xa địa phương, sau đó, thông qua các chi đoàn lập ra các Ban liên lạc kết nối ĐVTN địa phương với thanh niên đi làm ăn, học tập xa quê. Từ sự kết nối đó, Đoàn xã có kênh liên lạc để quan tâm, động viên ĐVTN, đồng thời vận động, kêu gọi họ tham gia các chương trình an sinh xã hội. Số tiền vận động được mỗi năm dao động từ 20 - 40 triệu đồng sẽ dành để tổ chức thêm nhiều hoạt động, phong trào cho thanh niên, tổ chức các chương trình giao lưu, tặng quà và góp phần vào xây dựng các công trình thanh niên của địa phương.

Tập hợp thanh niên

Để tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên, duy trì sức sống của tổ chức đoàn, Huyện đoàn và các cơ sở đoàn ở Hiệp Đức đã chủ động tổ chức liên tục các hoạt động hấp dẫn, có tính sáng tạo cao, thu hút sự tham gia của ĐVTN như: kể chuyện làm theo lời Bác dưới cờ, hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức dành cho học sinh, tôn vinh học sinh vượt khó học giỏi, xây dựng tủ sách thanh niên, hành trình “Vì biển đảo quê hương”, các hoạt động tình nguyện... Trong đó, nổi bật là việc duy trì sinh hoạt đoàn theo hình thức “cuốn chiếu” ở các xã. Hằng tháng, ngoài việc sinh hoạt định kỳ của từng chi đoàn, Đoàn thanh niên các xã đứng ra chủ trì sinh hoạt tại một chi đoàn ở khu dân cư với sự tham gia của tất cả chi đoàn còn lại. Lồng ghép trong buổi sinh hoạt, Đoàn xã triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong tháng, quý, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của ĐVTN vào các phong trào của địa phương; tổ chức giao lưu văn nghệ, ôn luyện kỹ năng. Từ những hoạt động này, ĐVTN không chỉ có thêm nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh mà còn gắn bó mật thiết với tổ chức Đoàn - Hội.

Nhờ chủ động, sáng tạo trong việc đề xuất, thực hiện các hình thức tổ chức sinh hoạt đoàn nên trong khi những đơn vị khác rất khó khăn trong việc tập hợp thanh niên, duy trì hoạt động Đoàn - Hội, thì ở Hiệp Đức việc tập hợp thuận lợi hơn. “Thường trực Huyện đoàn thường xuyên tổ chức hội ý, bàn bạc, đề xuất những ý tưởng hoạt động. Cứ lúc nào thấy phong trào ở đâu có dấu hiệu chững lại là chúng tôi phải tìm cách vực dậy ngay” - anh Nguyễn Phước Niên, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết. Cũng từ đó, số ĐVTN trưởng thành từ phong trào đoàn, đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày càng nhiều. Huyện đoàn đã tham mưu lãnh đạo cấp trên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để ĐVTN được tham gia các lớp học nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều phong trào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, các tổ chức đoàn ở Hiệp Đức đã thực sự trở thành cánh tay đắc lực của Đảng, của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, và là người bạn luôn đồng hành với ĐVTN trong lập thân, lập nghiệp.

LÊ THIÊN NGÂN

LÊ THIÊN NGÂN