Việc nghĩa vì cộng đồng
(Xuân Giáp Ngọ) - Những việc làm thiết thực, xúc động và giàu ý nghĩa đối với cộng đồng đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thắm thêm sắc hoa trong khu “vườn Bác”.
Người “truyền lửa”
Sau khi nghỉ hưu, cụ Nguyễn Vạn Năng (87 tuổi, 65 năm tuổi Đảng, TP.Hồ Chí Minh) chuyển về sinh sống ở khối phố Xuân Quang (phường Tân An, TP.Hội An). Dù tuổi đã cao nhưng các năm qua cụ Năng luôn giữ vai trò “truyền lửa” cho thanh thiếu niên địa phương. Còn nhớ, 8 năm trước, khi cuộc sống ở nơi mới vừa ổn định, cụ Năng đã tổ chức buổi nói chuyện với lãnh đạo khối phố, lãnh đạo phường nhằm có dịp hiểu hơn về tình hình địa phương. Qua buổi nói chuyện, cụ Năng nhận thấy phong trào của Đoàn thanh niên địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả. Lực lượng thanh niên chưa có sự gắn kết, thể hiện vai trò xung kích trong các phong trào, cuộc vận động tại cơ sở. Với kinh nghiệm của người từng tham gia công tác quản lý ngành giáo dục, cụ Năng tổ chức gặp mặt và nói chuyện với thanh niên khối phố Xuân Quang. Tại đây, vấn đề về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong phong trào xây dựng quê hương do cụ Năng đưa ra đã nhận được sự ủng hộ, tán đồng nhiệt thành của hơn 80 thanh niên. Cụ Năng nhìn nhận, không phải lực lượng thanh niên thiếu nhiệt huyết khiến phong trào chưa đạt hiệu quả mà do lực lượng này chưa được “truyền đủ lửa”, chưa có “chiến lược” để thực hiện hiệu quả các phong trào. Sau buổi nói chuyện, một đội nòng cốt được thành lập với 20 thanh niên tham gia. Lực lượng này chia làm 4 tổ hoạt động theo chương trình đăng ký do chính mình khảo sát từ thực tế cuộc sống cơ sở, được lãnh đạo địa phương xác nhận thông qua. Vào ngày Chủ nhật, 4 tổ đi xuống các khu vực tuyên truyền vận động người dân chung tay thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa mới tại cơ sở. Nhận thấy tính thiết thực của hoạt động này, nhiều thanh thiếu niên ngoài lực lượng nòng cốt cũng tham gia hưởng ứng; góp phần chuyển biến tích cực nhận thức của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn vệ sinh môi trường sống tại cơ sở. Nhờ vậy, phong trào đoàn thanh niên khối phố ngày càng đi vào quy củ.
Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên giàu lòng thiện nguyện đối với người nghèo khó. Ảnh: HÀN GIANG |
Khi chúng tôi hỏi thăm nhà cụ Năng, những người dân khối phố Xuân Quang đều xác tín, cụ Năng đã có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào chung của địa phương. Cụ Năng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về các thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở… Nói về các việc làm của mình, cụ Nguyễn Vạn Năng tâm tình: “Tôi may mắn được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã hai lần ký quyết định tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhì và hạng Ba). Đó là nguồn động viên lớn lao đối với những nỗ lực, phấn đấu của tôi thời trai trẻ. Với tôi đó còn là lời nhắn nhủ, là động lực để mình tiếp tục nỗ lực góp sức trong các công việc hữu ích dù tuổi đã cao”.
Cô giáo… xây cầu!
“Ngày cây cầu khánh thành, các mẹ, các chị cắp giỏ đi chợ đều tấm tắc khen ngợi. Nhìn các cháu tung tăng đến trường không còn vất vả như trước, giao thông đi lại thuận lợi khiến lòng những thầy cô về hưu như chúng tôi rất vui. Như vậy là chúng tôi đã làm được một việc nhỏ có ích cho cộng đồng”- cô giáo về hưu Võ Thị Tố Mai (thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) tâm sự. Năm 2013, UBND xã Đại Lãnh giao nhiệm vụ cho thôn Hà Tân thực hiện bê tông hóa đoạn đường liên thôn dài 200 mét theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khi đoạn đường này được nâng cao, bê tông hóa phẳng lì thì cây cầu Bàu Làng đã không còn tương xứng với diện mạo của con đường mới. Kinh phí địa phương và nguồn lực đóng góp của nhân dân cũng có hạn nên chưa thể đầu tư làm cầu mới. Thành ra câu cầu cũ độ dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Từ thực tế đó, các cô giáo về hưu Bùi Thị Một, Võ Thị Tố Mai, Trương Thị Phương Lan bàn nhau tìm nguồn kinh phí xây cây cầu mới. Đã nghĩ là quyết làm, các cô mạnh dạn trình bày ý tưởng với chính quyền, các cựu học sinh đang làm ăn xa, các thầy cô giáo đang đứng lớp và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Được tiếp thêm niềm tin, các cô ngược xuôi tìm người thiết kế kỹ thuật, dự toán kinh phí xây cầu. Rồi, không lâu sau, một cây cầu mới, vững chãi dài 10 mét với kinh phí xây dựng gần 90 triệu đồng được hình thành, khớp nối tuyến đường liên thôn chạy dọc con sông Côn hiền hòa khiến lòng các cô ai cũng vui. Các thế hệ học sinh cũ đang làm ăn xa càng thêm phấn khởi, bởi thông qua các cô, họ đã có cơ hội đóng góp sức mình cho quê hương bằng việc làm thiết thực. “Là giáo viên dạy văn, chúng tôi được lĩnh hội và giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò về tấm gương Bác Hồ. Làm theo lời Bác dạy, mỗi thế hệ thầy cô chúng tôi luôn phấn đấu dạy tốt, khi về nghỉ hưu mỗi người luôn tâm niệm nếu có thể làm được việc gì có ích cho cộng đồng thì gắng làm hết sức mình, với lòng vô tư, trong sáng” - cô giáo Bùi Thị Một chia sẻ.
Cây cầu Bàu Làng được xây dựng mới giúp việc đi lại của người dân địa phương thuận lợi hơn. |
Bà Trương Thị Minh Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay, địa phương rất ủng hộ và sẽ biểu dương việc làm đầy tính thiết thực và ý nghĩa của các cô giáo vào dịp tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2013 của xã.
Tấm lòng ni sư
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, trong toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, nhiều điển hình tiên tiến. Các huyện ủy, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chuẩn mực đạo đức lối sống gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Một số ngành như công an, y tế, quân sự, biên phòng, giáo dục; các địa phương như Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước… đều xây dựng các chuyên đề, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tại các điển hình này, mỗi cán bộ đảng viên theo định kỳ phải báo cáo kết quả việc học tập, làm theo để chi bộ giám sát, góp ý. Một số nơi như Tây Giang, đảng viên có nhật ký làm theo gương Bác,… Sắp tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hơn Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đây là chủ trương lớn của Đảng cần triển khai đồng bộ, xem đây là công việc thường xuyên, thiết thân của mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức đảng. Năm 2014, chuyên đề học tập, làm theo gương Bác là “Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nói đi đôi với làm”. Nội dung này phải được quán triệt, nghiên cứu cặn kẽ trong từng chi bộ. Các cơ quan hành chính phải có kế hoạch thực hiện tốt Chỉ thị 1973/CT-TTg ngày 7.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, chống phiền hà sách nhiễu… (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ) |
Các đợt bão lũ vừa đi qua, Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) cùng các nhà hảo tâm lại không quản đường sá xa xôi, cách trở mang quà cứu trợ cho bà con ở các bản làng xa xôi của xã Dang (huyện Tây Giang). Hình ảnh Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên ngồi trên thùng xe tải, chở theo nhiều phần quà là các nhu yếu phẩm đánh vật trên cung đường đèo dốc trắc trở dẫn vào trung tâm xã Dang khiến ai cũng cảm động. Tận tay trao từng phần quà cho đồng bào, góp phần làm vơi bớt khó khăn, động viên mỗi người nỗ lực vươn lên trong cuộc sống khiến tấm lòng Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên thêm ấm lại. Đã từ lâu, những ánh mắt trong veo, hồn nhiên của trẻ em vùng cao, cuộc sống thuần phác và còn nhiều khó khăn của người dân miền ngược khiến Ni sư Thích Nữ Ánh Liên luôn trăn trở, luôn muốn được chia sẻ, giúp đỡ. Vì vậy, đều đặn hàng năm, Ni sư Thích Nữ Ánh Liên lại vận động quyên góp và tổ chức đi thăm, tặng hàng trăm phần quà cho đồng bào nghèo.
Hưởng ứng phong trào tiết kiệm theo gương Bác bằng việc “Nuôi heo đất - lòng vàng” do Hội phụ nữ các cấp phát động, Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên vận động tăng ni, phật tử tham gia bằng việc mỗi lần đi hành lễ thì tiết kiệm từ 1.000 - 2.000 đồng “nuôi heo đất” tại chùa, hay thực hành tiết kiệm bằng việc “nuôi heo đất” tại mỗi gia đình… Từ phong trào “nuôi heo đất” tại chùa, vào mỗi dịp lễ 20.10, tịnh xá đã ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm được cho Hội Phụ nữ phường Cẩm Châu để cùng tham gia xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố.
Cụ Nguyễn Vạn Năng - người “truyền lửa” cho thanh niên. |
Đánh giá về những đóng góp của Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên đối với phong trào phụ nữ địa phương, trong các hoạt động thiện nguyện, bà Lê Thị Phương Đức - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hội An cho biết thêm, hội vừa gửi báo cáo đề nghị tỉnh biểu dương Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên về những thành tích xuất sắc trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Còn Ni trưởng Thích Nữ Ánh Liên chia sẻ: “Tuổi ấu thơ của tôi được học và thấm nhuần những câu chuyện về thực hành tiết kiệm, lòng nhân ái của Bác. Mỗi khi có dịp ra Hà Nội vào lăng viếng Bác tôi luôn thầm hứa sẽ mãi khắc ghi những lời dạy của Người. Vì vậy, tôi luôn phấn đấu làm những việc tốt, kết nối mọi người cùng làm nhiều việc tốt, hữu ích thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”.
HÀN GIANG - MINH HẢI