Sống vì mọi người
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Đại Lộc. Ngày càng có nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu làm theo lời Bác.
“ Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phụng (82 tuổi, ở xã Đại Cường) từng đóng vai trò quan trọng, trong những trận đánh có ý nghĩa đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ ở Đại Lộc. Giờ đây, người đảng viên trải qua 60 tuổi Đảng ấy mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng nhiệt tình cách mạng thuở nào vẫn chưa hết trong tim ông. “Chưa muốn nghỉ ngơi là bởi lúc nào tôi vẫn tâm niệm một điều: Đảng, Bác Hồ đã giáo dục, dìu dắt các thế hệ người lính chúng tôi đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tôi thấy mình có cống hiến sức lực đến bao nhiêu cũng không thể đáp đền công giáo dục, chăm sóc của Đảng, của Bác Hồ”.
Từ sau ngày thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy về nghỉ hưu, ông Nguyễn Hồng Phụng tham gia làm công tác khuyến học ở các xã vùng B, đặc biệt dành nhiều tâm sức cho công tác khuyến học của trường THPT Đỗ Đăng Tuyển. Quỹ khuyến học được ông gầy dựng từ con số không. Ngày đó, ông viết thư gửi tận TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng vận động đồng hương đóng góp lập quỹ khuyến học. Hằng ngày, ông còn đến trường nắm thông tin học tập của con em trong làng, rồi tìm đến tận nhà, nhất là những gia đình ít chú ý chăm lo việc học cho con cái để khuyên nhủ thiệt hơn. Niềm vui lớn dần, làm mạnh hơn đôi chân người lính già ấy là quỹ khuyến học mỗi ngày một lớn. Mùa thi nào ông cũng là người được học trò trong làng báo tin mừng đầu tiên kết quả từ các trường đại học, cao đẳng...
Trong lần về Đại Lộc mới đây, thấy ông vẫn còn mạnh khỏe, tự đạp xe ra huyện làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo đề nghị của huyện. Ông bảo năm học vừa rồi đã trao 150 suất học bổng cho con em trong vùng, số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng. Các năm trước không thể nhớ xuể, nhưng ước tính nhiều năm qua có không dưới 2.000 học trò ở vùng B Đại Lộc yên tâm đến trường, tự tin bước vào giảng đường đại học từ sự trợ sức kịp thời của quỹ khuyến học do ông vận động thành lập. “Trung ương phát động làm theo gương Bác. Tôi nghĩ, việc gì có ích cho xã hội, lợi cho dân, vừa sức mình thì nhiệt tâm làm, đó là cách làm theo thiết thực nhất” - ông Phụng tâm sự.
Tộc họ làm theo lời Bác
Ngôi nhà đơn sơ của ông Phan Hùng Phương (68 tuổi) nằm trong một xóm nhỏ ở thôn Phiếm Ái 1, xã Đại Nghĩa. Chính trong căn nhà đó, lão nông Phan Hùng Phương đã có nhiều ngày suy ngẫm về “nghìn việc tốt”, đi đến xây dựng cho mình và gia tộc một phương hướng hoạt động độc đáo, thuyết phục bà con thân tộc, làng xóm trở thành những tuyên truyền viên pháp luật.
Mỗi chiều ngày rằm, ông Phương - dù là Hội phó Hội đồng gia tộc họ Phan - vẫn làm gương quét dọn nhà thờ tộc chuẩn bị cho cuộc họp với đại diện các chi phái nhằm điểm lại những việc làm trong tháng, lên kế hoạch cho tháng tới. Không chỉ bàn việc nội bộ, nhiều việc chung do đoàn thể phát động cũng được thảo luận, tìm hướng giải quyết. Việc gặp mặt thường kỳ, nhắc nhở con cháu trong tộc không quên tổ tiên ông bà, bảo ban chuyện làm ăn, nhắc nhở những sai phạm đã thành nếp của tộc Phan lâu nay. Là tộc được công nhận tộc văn hóa sớm nhất huyện, nhiều năm liền không có người vi phạm pháp luật, sinh con thứ 3, được tuyên dương điển hình ở nhiều cấp, nên việc năm nay một cháu trong tộc vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự là một sự cố không vui. Và chính ông Phan Hùng Phương đã đứng ra nhận lỗi với các hội, đoàn thể và bà con làng xóm.
Việc làm có ý nghĩa nhất mà ông Phương và tộc Phan - Phiếm Ái tự hào là tổ chức thành công buổi tọa đàm tộc họ làm theo gương Bác vào mùa xuân năm 2010. Cuộc tọa đàm đó, ông là người dẫn chưa trình, đứa cháu gái giúp ông kể 2 câu chuyện về Bác, tạo nên không khí thảo luận rất sôi nổi, hiệu ứng ngoài mong đợi. Sau tọa đàm, một chương trình hành động cụ thể được xây dựng, phổ biến rộng rãi đến từng thành viên trong họ tổ chức thực hiện. Đó là làm một việc tốt mỗi ngày cho chính mình và mọi người. Hay cách tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sắp xếp kế hoạch làm việc hằng ngày bài bản, hiệu quả. Cho đến việc hiếu hỉ phải tổ chức sao cho trang nghiêm mà không rình rang, tốn kém… Mô hình tọa đàm tộc họ sau đó được Mặt trận xã tổng kết, báo cáo cấp trên, nhân rộng ra nhiều tộc họ khác trong huyện.
Ông Phan Hùng Phương còn lên kế hoạch cho riêng mình, biên soạn thành công cuốn “Khoa bảng tộc Phan” với gần 200 con cháu trong tộc có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ thành đạt từ sau 1975 đến nay nhằm khuyến khích con cháu phấn đấu học tập, thành tài. Ngoài việc quyên góp, phát thưởng hàng trăm suất học bổng mỗi năm, ông vận động tộc Phan trợ cấp hằng tháng cho một sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tộc, đồng thời “cơ cấu” sinh viên này vào hội đồng gia tộc để tiếp tục những phần việc mà ông theo đuổi lâu nay, phòng nếu ông và các cụ cao niên có theo tiên tổ thì công việc vẫn trôi chảy... Dù tuổi cao, ông Phương vẫn được UBND xã tín nhiệm giao trọng trách đi thi tuyên truyền viên với các xã bạn, nhiều lần đoạt giải cao. Ông tâm sự: “Đi thi hùng biện có giải hay không cũng là vui, nhưng trong cuộc sống mà không gương mẫu là không được. Bản thân tôi, gia đình và tộc họ lâu nay luôn tâm niệm: mỗi người là một tuyên truyền viên pháp luật”.
Sáng tạo không ngừng
Sân trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Ái Nghĩa) giờ tan trường tràn ngập tiếng cười đùa. Những “cánh chim non” sau một ngày ở trường rất mong chờ ba mẹ đến đón về nhưng vẫn cố nán lại bên cô giáo Trần Thị Thu Ba. Các cháu tíu tít khoe với cô hiệu trưởng bức hình vừa vẽ xong. Các phụ huynh tranh thủ hỏi chuyện trường lớp. Không khí chan hòa, ấm áp ấy ngày nào cũng hiện diện trong ngôi trường mầm non này.
Mười năm trực tiếp đứng lớp, hàng chục năm làm quản lý, những ngôi trường cô giáo Thu Ba dành nhiều tâm huyết gầy dựng nay đã trưởng thành vững chãi. Về tiếp nhận trường Mầm non Bình Minh gần một năm nay, cô Thu Ba có quá nhiều việc cho một ngôi trường sắp được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhất là trong môi trường giáo dục tốt như ở Đại Lộc, việc luôn tìm tòi, đổi mới trong dạy học, quản lý... luôn là yêu cầu cao nhất. Hàng chục sáng kiến kinh nghiệm có giá trị của cô Trần Thị Thu Ba được ngành giáo dục Đại Lộc công nhận, đánh giá cao không chỉ ở tính khả thi mà còn xuất phát từ một tình yêu nghề, nhiệt huyết lớn lao. Kể về sáng kiến kinh nghiệm tâm huyết nhất - “kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn” - cô Thu Ba tâm sự: “Điều khó nhất là tạo niềm tin trong đồng nghiệp, phụ huynh. Trong điều kiện giáo dục rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của phụ huynh để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục như hiện nay, tạo dựng niềm tin là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mà niềm tin chính là hiệu quả công việc”. Như cánh chim không mỏi, cô Thu Ba vẫn ngày đêm cống hiến hăng say, không ngừng chuyên chở những ước mơ làm đẹp hơn cho đời về phía trời xa rộng...
Mốc son lịch sử Ngày 9.12.1937, Đảng bộ huyện Đại Lộc được thành lập, Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 người, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Lịch sử Đảng bộ huyện ghi nhận: “Ngày 9.12.1937 trở thành mốc son lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc, đánh dấu bước chuyển biến cả về lượng và chất trong phong trào cách mạng huyện nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng bộ huyện Đại Lộc ra đời là một tất yếu lịch sử. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, kiên định của phong trào cách mạng quần chúng dưới sự lãnh đạo của các cơ sở đảng đầu tiên trong huyện, là kết quả của quá trình chuẩn bị chu đáo, công phu. Đảng bộ huyện Đại Lộc ra đời là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của các phong trào cách mạng huyện nhà trong các giai đoạn lịch sử sau này…”. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Đại Lộc không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Từ chỗ chỉ 3 chi bộ đảng đầu tiên, đến nay toàn huyện đã có 3.835 đảng viên, sinh hoạt ở 42 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy. Với 90% số hộ là nông dân, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống gặp nhiều khó khăn, đến nay cơ cấu kinh tế Đại Lộc chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp... Toàn huyện hiện có 40 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 4.500 tỷ đồng, trong đó 30 dự án đã đi vào sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động. Cạnh đó, 1.600 cơ sở gia công, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt hơn 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ước đạt 19 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,4%... (Hoàng Ly) |
DOÃN HOÀNG