Khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn
(QNO) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số tỉnh tại phiên họp thứ hai vừa qua của Ban Chỉ đạo. Cùng chủ trì phiên họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu - Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Hoàn thành 32/43 nhiệm vụ CCHC
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong 9 tháng năm 2023, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn công tác CCHC của trung ương.
“So với các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch công tác CCHC năm 2023, đến nay đã hoàn thành 32/43 nhiệm vụ (đạt 74,41%)” - bà Hoa cho hay.
Một số nhiệm vụ nổi bật đã triển khai như kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi sô tỉnh; tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu kết quả chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022.
Tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch triển khai, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CCHC. Phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả công tác CCHC của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan ngành dọc năm 2023.
UBND tỉnh ủy quyền cho người đứng đầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết 57 thủ tục hành chính (TTHC); ủy quyền cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện giải quyết 134 TTHC.
Ngoài ra, UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp giải quyết 6 TTHC trên lĩnh vực trợ giúp pháp lý; ủy quyền cho người đứng đầu các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
UBND tỉnh cũng ban hành quyết định giải quyết tinh giản biên chế theo các nghị định của Chính phủ đối với 106 trường hợp; trong đó nghỉ hưu trước tuổi 99 trường hợp, thôi việc ngay 7 trường hợp.
Quảng Nam đã hoàn thành kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành 8/10 kết nối theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Tính đến ngày 25/9/2023, số lượt tải cài đặt Smart Quảng Nam 50.156 lượt, ứng dụng Egov Quảng Nam 2.601 lượt.
Về triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong số 19 cơ sở dữ liệu chuyên ngành dự kiến triển khai trong năm 2023, đến nay đang triển khai 1 cơ sở dữ liệu, đã thẩm định 2 cơ sở dữ liệu, đang thẩm định 4 cơ sở dữ liệu.
Khắc phục hồ sơ trễ hẹn
Bên cạnh các nhiệm vụ đã hoàn thành, công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại kéo dài. Đặc biệt là tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, xử lý chậm vẫn còn xảy ra nhiều tại cấp huyện, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai.
Ngoài ra, một số huyện, xã, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện chưa cập nhật kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa dẫn đến hồ sơ trễ hẹn trên hệ thống còn cao.
Hiện nay, việc thống kê tình hình giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh không đảm bảo tính chính xác; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không kiểm soát được tình trạng giải quyết TTHC, nhất là TTHC trễ hẹn. Nguyên nhân là bộ phận một cửa một số xã nhập không đầy đủ, hoặc không nhập quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa.
Một số nội dung phân cấp đã được HĐND tỉnh quy định nhưng các sở, ngành vẫn chậm triển khai tham mưu và báo cáo vướng mắc; tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến còn thấp (9 tháng chỉ đạt 38,6%).
Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho biết, hiện nay các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp như giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách (đến tháng 8/2023 chỉ đạt 34%), mức độ phát triển doanh nghiệp, số vốn đăng ký của doanh nghiệp… sẽ ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC tỉnh năm 2023.
Theo báo cáo tình hình, kết quả cải cách TTHC trong tháng 8 đầu năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành tỉnh Quảng Nam có một số chỉ số thành phần đạt tỷ lệ thấp như chỉ số kết quả công khai minh bạch đạt 33,2%; thanh toán trực tuyến đạt 7,6%; tỷ lệ hồ sơ có cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 24,78%...
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, bên cạnh chia sẻ khó khăn với các đơn vị, UBND tỉnh phê bình Sở TN-MT và các địa phương như Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành, Điện Bàn vì có tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn cao.
Ngoài ra, cũng phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn thấp (dưới 40%) như Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở KH-ĐT, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, các ban quản lý dự án, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số sở, ngành liên quan trong triển khai công tác CCHC, chuyển đổi số. Trong đó, đề nghị Sở TN-MT chú ý tham mưu ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, xã.
Sở TN-MT sớm tham mưu UBND tỉnh đăng ký với Thường trực Tỉnh ủy tổ chức phiên họp chuyên đề về thực trạng, nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tình trạng trễ hẹn hồ sơ trên lĩnh vực đất đai.