Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp
(QNO) - UBND tỉnh vừa có Công văn 5921 yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng, bảo đảm an ninh cơ sở, chủ động làm tốt công tác dự báo. Theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ an toàn sự kiện chính trị, các mục tiêu quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tăng cường đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, phòng ngừa tai nạn giao thông. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, cho vay nặng lãi…
Thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước, không để xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin. Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trong giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; công tác giám định tư pháp và định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Tập trung chỉ đạo thi hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, không để đơn thư tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm các bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm liên quan đến vướng mắc, khó khăn về quản lý đất đai, xây dựng, công tác quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, ô nhiễm môi trường,…
Giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách…