Dè dặt đặt chỉ tiêu PCI

TRỊNH DŨNG 27/07/2023 06:59

Chính quyền Quảng Nam quyết định cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bằng những hành động cụ thể, phù hợp, linh hoạt, tương thích thực tế điều hành.

Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quảng Nam đặt lên hàng đầu để cải thiện PCI. Ảnh: T.D
Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quảng Nam đặt lên hàng đầu để cải thiện PCI. Ảnh: T.D

Nhận diện điểm yếu

5 năm liền nằm trong nhóm tốt, tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất Việt Nam (2015 - 2019), Quảng Nam đã bất ngờ liên tiếp rớt hạng 3 năm liền (2020 - 2022).

Theo các phân tích của chuyên gia cải cách, địa phương không thiếu kế hoạch, chỉ thị đúng, nhưng thiếu sự thừa hành đã khiến các cuộc cải cách không như ý muốn.

Chuyên gia phân tích chính sách công (UNDP Việt Nam) Đỗ Thanh Huyền nói, có thể các cơ quan công quyền đã chưa thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và sự tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết, áp dụng luật pháp nhất quán với doanh nghiệp, dân chúng, thiếu sự “soi chiếu” về năng lực điều hành để rút ra ưu, khuyết cải thiện.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành - Trần Quốc Bảo nói, điều đáng buồn là chất lượng thực thi các chính sách, chủ trương của địa phương yếu. Năng lực thừa hành của cán bộ, công viên chức các cơ quan công quyền không theo kịp đà chuyển đổi.

Chuyên gia PCI, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Đậu Anh Tuấn cho rằng, động lực thúc đẩy cải cách phải bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể từ các sở, ban, ngành, địa phương. Điều quan trọng là chất lượng thực thi từ cơ sở chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp.

Điểm số hay thứ hạng PCI không phải kết quả cho điểm hay đánh giá về thành công hay thất bại của việc cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh tốt của chính quyền địa phương. Dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng thông qua nhiều cuộc khảo sát, chính quyền đã thức nhận được điểm mạnh, yếu cần cải thiện để cải thiện hình ảnh địa phương.

Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch cải thiện chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo theo mục tiêu không đổi. Đó là: nâng cao chất lượng, quản lý, điều hành của các cơ quan công quyền, cải thiện hơn nữa hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

Không đặt vị thứ trên bảng xếp hạng cao, năm 2023, Quảng Nam chỉ phấn đấu PCI đứng vào tốp 20 cả nước đã là thành công. Việc cải thiện này hướng đến nâng cao điểm số các chỉ số thành phần có trọng số cao (chiếm 15%), ảnh hưởng đến tổng điểm PCI (tính năng động, chi phí không chính thức và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).

Đồng thời tiếp tục cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số còn lại, như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, địa phương quyết tâm tạo ra sự khác biệt, chất lượng cải thiện PCI. Một trong những yêu cầu của chính quyền là các sở, ban, ngành, địa phương, công chức, viên chức thực thi nghiêm túc, nhất quán, đầy đủ các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ đến UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI đã từng ban hành, nhất là các nhiệm vụ, công việc liên quan đến doanh nghiệp.

Tìm sự khác biệt

Sự khác biệt của kế hoạch cải thiện lần này là sẽ tiến đến chấm dứt sự thiếu phối hợp, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương, giảm thiểu khoảng trống truyền thông, buộc đề cao tầm quan trọng cải thiện môi trường đầu tư trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ công bộc. Kế hoạch dựa trên việc khắc phục những điểm yếu cố hữu.

Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quảng Nam đặt lên hàng đầu để cải thiện PCI. Ảnh: T.D
Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quảng Nam đặt lên hàng đầu để cải thiện PCI. Ảnh: T.D

Những điểm nghẽn về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp (khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội cho người lao động, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp...) sẽ được gỡ bỏ, bằng việc ưu tiên giải quyết ngay các khúc mắc này.

Cơ quan công quyền không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Chủ động đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết, chồng chéo, không hợp lý.

Các mẫu đơn, tờ khai có nội dung trùng lặp thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, cơ quan, đơn vị sẽ phải được cắt giảm mạnh. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền phải được rút ngắn hơn nữa so với quy định.

Tiến hành ngay việc rà soát các loại phí, lệ phí; thực hiện công bố, niêm yết thủ tục hành chính tại các trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh/huyện và bộ phận một cửa cấp huyện để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, áp dụng khi giải quyết thủ tục hành chính.

Các thủ tục hành chính sẽ phải thường xuyên được rà soát, bổ sung, cập nhật về danh mục, công khai đầy đủ thành phần hồ sơ, địa chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính... trên Cổng dịch vụ công của tỉnh/quốc gia (mức độ 4).

Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI ban hành các phụ lục cụ thể. Chính quyền tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động đề ra giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đã được phân công theo phụ lục.

Kết quả các chỉ tiêu/chỉ số thành phần được giao như thế nào, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm và giải trình trước UBND tỉnh. Sở, ban ngành, địa phương trong thẩm quyền, chức trách của mình thực thi kế hoạch này một cách tốt nhất và đạt được kết quả khả quan trên thực tế.

Các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương hay quốc gia trở thành phần quan trọng trong việc hợp tác tuyên truyền về kế hoạch nâng cao chỉ số này, tuyên truyền rộng rãi kế hoạch cải thiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội (zalo, youtube...) để các cấp, các ngành thực thi.

Theo ông Hồ Quang Bửu, phải nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải thiện chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đến cán bộ, công chức, viên chức.

“Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, các sở, ngành, địa phương sẽ phải chủ động giải quyết kịp thời. Không thuộc thẩm quyền, thì phải nhanh chóng báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định, không được chậm trễ, làm tốn thời gian của doanh nghiệp.

Không có sự đồng lòng hỗ trợ, đồng hành, không phân định, phân công rõ ràng các mục tiêu cho đội ngũ công, viên chức thực hiện... trong việc tạo dựng niềm tin, tạo thuận lợi cho dân chúng, doanh nghiệp thì khó có thể có được kết quả tăng trưởng kinh tế địa phương như ý muốn. Hy vọng kế hoạch cải thiện lần này sẽ tạo ra sự thay đổi” - ông Bửu nói.

TRỊNH DŨNG