Chuyển đổi số: Lại tụt hạng!

ĐĂNG KHOA 25/07/2023 05:50

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia (https://dx.gov.vn/) về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2022 vừa được công bố với 9 chỉ số chính/98 chỉ số thành phần, tỉnh Quảng Nam xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 xếp thứ 25); trong đó 3 trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số (vị thứ 30, giảm 3 bậc), kinh tế số (vị thứ 45, giảm 26 bậc) và xã hội số (vị thứ 41, giảm 22 bậc). Đáng chú ý có những chỉ số thành phần như nhận thức số, nhân lực số, kinh tế số, xã hội số xếp hạng rất thấp…

Nhìn lại qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, báo cáo của UBND tỉnh đưa ra nhiều con số rất ấn tượng: 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc chuyển đổi số; 5.000 lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số; thành lập 900 tổ công nghệ cộng đồng với hơn 4.000 người tham gia.

Hệ thống quản lý văn bản Qoffice được tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ tốt việc gửi nhận văn bản điện tử ở tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 1.453 dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với triển khai bản đồ thực thi thể chế, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC) và 8 huyện, thành phố (Tam Kỳ, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Trà My, Thăng Bình, Đông Giang, Nông Sơn) cũng được vận hành.

Hoạt động kinh tế số triển khai rộng khắp các lĩnh vực với 5.891 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt với tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, toàn tỉnh đã có 2.100 trạm thu phát sóng di động, đường truyền cáp quang kéo đến 100% (241/241) xã, 96,5% (1197/1.240) thôn.

Sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng 100% cấp xã, 97,5% cấp thôn; 55,48% thôn có wifi tại nhà văn hóa. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh được đầu tư ở 8/20 điểm cầu sở, ban, ngành; 18/18 điểm cầu cấp huyện, 238/241 xã, phường, thị trấn…

Đó là sự nỗ lực bước đầu đáng ghi nhận của Quảng Nam trong hành trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, còn quá nhiều việc phải làm mới mong cải thiện được chỉ số xếp hạng.

Theo tôi, chuyển đổi số là việc mới, việc khó, nhưng là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số; phải được xem là điểm đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Theo đó, cần đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác dữ liệu để liên kết, thống nhất trong toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị nhằm tạo ra giá trị mới phục vụ mục tiêu phát triển. Tập trung tháo gỡ những thách thức về cơ chế, chính sách phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với Quảng Nam, việc ưu tiên phát triển hạ tầng số và cải thiện nguồn nhân lực số là việc cấp bách phải làm nhưng đồng thời phải có giải pháp thiết thực nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho các cấp, các ngành; trong đó phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong triển khai các chủ trương về đầu tư để “không ai bị bỏ lại phía sau”, để họ được tiếp cận các dịch vụ một cách bình đẳng, thuận lợi và hữu ích.

ĐĂNG KHOA