Tiếp tục đẩy mạnh cải cách
Theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) vào sáng qua 11/7, nhiều cử tri trong tỉnh rất tâm đắc với thông điệp mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nêu: “…Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực, hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo trong công cuộc phát triển của quê hương”…
Định hướng trên của Phó Chủ tịch Quốc hội rất sát, đúng với tình hình của Quảng Nam trong những năm gần đây, các bộ chỉ số mang tính thương hiệu của tỉnh trên bản đồ cả nước đều không được cải thiện tích cực, nhất là Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)… liên tục bị tụt hạng đã tác động không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp lần này cũng đã chỉ rõ, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng...
Về nguyên nhân, trong nhiều phiên họp của UBND tỉnh đều đã chỉ rõ, động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiều năm nay là khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, hệ sinh thái Công nghiệp của Trường hải chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm, các ngành khác khó bù đắp; công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc; thiếu nguyên vật liệu đất đắp cho một số dự án đầu tư; cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chưa thật sự hiệu quả; việc theo dõi, nắm bắt cũng như tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa kịp thời; tính chủ động, năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu đòi hỏi của thực tế và sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ...
Đó là thách thức rất lớn cho chặng đường tiến về phía trước của Quảng Nam, đòi hỏi mỗi công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ phải suy ngẫm và hành động có trách nhiệm; phải xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam.
Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đặc biệt phải xây dựng chính quyền liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở.