Chia sẻ dữ liệu và truyền thông cải cách hành chính
Chia sẻ dữ liệu và truyền thông cải cách hành chính là nội dung được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì sáng qua 30/5. Hội nghị được thực hiện trực tuyến đến 214 điểm cầu trong tỉnh.
Những đánh giá, chia sẻ tại hội nghị cùng đi đến nhận định: Sự hanh thông của việc chia sẻ dữ liệu và truyền thông sẽ mang lại cơ hội tăng điểm, thăng hạng, nhận lấy sự hài lòng của người dân trong nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương.
Nhiều khoảng trống
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2022 - PAPI 2022 đo lường sự hài lòng của người dân, đã tăng cả điểm và thứ hạng (tăng 0,14 điểm, thăng 4 bậc so năm 2021, với tổng điểm 42,24 điểm, vị thứ 31/63 tỉnh, thành).
PAPI 2022 khá lạc quan thì chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR INDEX và chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính - SIPAS địa phương sụt giảm “thảm hại”.
PAR INDEX chỉ được xếp hạng 57/63 tỉnh, thành, giảm 24 bậc so năm 2021. Số điểm đạt được chỉ 80,91/100 điểm, thấp hơn giá trị trung bình chỉ số CCHC của các tỉnh trong toàn quốc 3,88 điểm. SIPAS chỉ đạt 75%, đứng vị thứ 61/63 tỉnh, thành Việt Nam.
Thống kê của Sở Nội vụ, Quảng Nam chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong việc CCHC. Không ít nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bị trễ hạn khi 144 nhiệm vụ đúng hạn, trễ hạn 8 nhiệm vụ và 1 nhiệm vụ đã quá hạn, nhưng chưa hoàn thành.
Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia thấp (chỉ 268.338/462.000 hồ sơ). Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn còn nhiều.
Năm 2022, Quảng Nam có một số cán bộ, quản lý các cấp vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật. Số lượng thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách chỉ đạt 61,69%.
Thanh toán trực tuyến thấp (theo đánh giá của Bộ TT&TT, số thủ tục hành chính giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ 11,4% và số hồ sơ có phát sinh thanh toán trực tuyến rất thấp, chỉ 6,5%). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 72,57% năm 2022... Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, các thống kê hạn chế trên đã tác động, ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC của địa phương.
Kế hoạch chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước kể từ năm 2021 đã không thể thực hiện được.
Điểm số, vị thứ vừa được công bố không thể lọt vào tốp khá, chỉ nằm ở nhóm các tỉnh, thành có điểm số trung bình cao. Hay PAR INDEX, SIPAS liên tục sụt giảm là những thống kê đáng thất vọng về nỗ lực CCHC của địa phương. Kết quả các chỉ số này cho thấy còn quá nhiều khoảng trống, điểm nghẽn phải cải cách.
Tìm phương thức thay đổi
Không thiếu nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án, nhưng càng cải cách lại càng “giậm chân tại chỗ hay đi thụt lùi, nếu tăng thì nhỏ giọt và có thể tụt hạng, mất điểm bất cứ lúc nào”. Nỗ lực cải thiện vẫn không thể phát huy tác dụng.
Bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam nói, có thể các cơ quan công quyền chưa thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết về sự công minh và áp dụng luật pháp một cách nhất quán “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”…
Tuy nhiên, bà Huyền cũng khuyến cáo PAPI như một “tấm gương” để địa phương “soi chiếu” về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công. Không nên quan tâm nhiều tới thứ bậc, so với các địa phương khác, mà các cấp chính quyền cần nhìn vào từng thước đo, để rút ra ưu, khuyết những gì đã làm được hay chưa, chú tâm đến những chuyển biến qua các năm trong hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương mình. Từ đó tìm giải pháp cải thiện và đổi mới trong năm tiếp theo để nhận sự hài lòng, kỳ vọng từ người dân.
Ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ cho rằng việc thay đổi các tiêu chí đánh giá CCHC năm 2022 đã khiến điểm số các địa phương bị thấp. Quảng Nam không ngoại lệ. Tuy nhiên, với cách đánh giá đa chiều, khách quan này, sự tụt giảm của địa phương cần được xem lại để có thể thay đổi. Không thể không hoàn thành nhiệm vụ mãi được.
Điều cần thay đổi đó là việc địa phương phải xử lý điểm nghẽn sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức. Cải cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong việc bớt thủ tục hành chính phức tạp thì mới có thể chuyển đổi số nhanh.
Chính quyền, cơ quan quản lý cần chia sẻ dữ liệu, không “cát cứ dữ liệu”, mở rộng truyền thông để mọi người được biết, giảm thiểu thời gian, giấy tờ chính là điều cốt tử trong CCHC. Tháo gỡ điểm nghẽn này thì CCHC sẽ hanh thông, xây dựng được một nền hành chính vì dân thuận lợi hơn.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, việc mở hội nghị này là cách để địa phương nhìn nhận, đánh giá trình độ năng lực điều hành của chính quyền và mỗi công chức trước mối quan tâm của doanh nghiệp và người dân. Chính quyền cầu thị, sẵn sàng đón nhận những góp ý của mọi người để nhận ra khuyết điểm, sửa sai để phục vụ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Chính quyền, cơ quan quản lý sẽ tuyên truyền, phổ biến trên cổng/trang thông tin điện tử để người dân biết, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và sự phản hồi của chính quyền địa phương trên các cổng thông tin điện tử kịp thời.
Tỉnh sẽ thực hiện các hình thức CCHC công khai, phù hợp, hiệu quả trong việc tham vấn cộng đồng thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sẽ tiếp tục phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin hiện có để nâng cao hiệu quả trong công việc và trong quản lý điều hành.
“Không một ai đứng ngoài cuộc cải cách. Quảng Nam sẽ mạnh mẽ, thông thoáng hơn trong việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, rà soát, kiểm soát CCHC hàng ngày. Cắt giảm thủ tục hành chính, tập trung vào những dịch vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện thường xuyên.
Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để mở rộng việc tuyên truyền về hiệu lực của các chỉ số này đến với công chúng ngày càng gần và sâu hơn. Chưa thể nhìn thấy hiệu lực hay sự thay đổi của nỗ lực CCHC năm 2023, nhưng hy vọng kết quả sẽ tốt hơn, bắt đầu từ 2024” - ông Bửu nói.