Thành lập Trung tâm chính trị cấp huyện: Đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở

HÀN GIANG 09/05/2023 07:18

Việc kết thúc sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện để thành lập Trung tâm Chính trị cấp huyện đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành đề án và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6 tới.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề về vấn đề dân tộc, tôn giáo và các chính sách liên quan cho đội ngũ cán bộ cơ sở vào tháng 9/2022. Ảnh: N.Đ
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề về vấn đề dân tộc, tôn giáo và các chính sách liên quan cho đội ngũ cán bộ cơ sở vào tháng 9/2022. Ảnh: N.Đ

Phù hợp yêu cầu thực tiễn

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, việc sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đạt được những kết quả đáng chú ý.

Bộ máy tinh gọn, giảm biên chế, giảm người hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm được kinh phí; đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đồng thời là Giám đốc TTBDCT nên thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Viên chức của trung tâm khi sáp nhập được xét chuyển sang công chức, được hưởng chế độ phụ cấp công vụ và các chế độ đãi ngộ khác, tạo động lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị…

Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sáp nhập TTBDCT cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện còn bộc lộ những hạn chế.

Trong đó, các địa phương đều nêu vướng mắc trong việc ký, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ của các chương trình thuộc chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao do đồng chí giám đốc trung tâm thực hiện; song khi thực hiện chủ trương sáp nhập thì Thường trực cấp ủy cấp huyện ký và cấp giấy chứng nhận là thực hiện chưa đúng Hướng dẫn 154 ngày 9/10/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, từ kết quả sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng các ưu điểm, hạn chế sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, việc kết thúc thực hiện chủ trương sáp nhập TTBDCT cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện để thành lập Trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện là rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Qua đó nhằm khắc phục hạn chế nêu trên và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của TTCT, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của TTCT cấp huyện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Việc thành lập TTCT cấp huyện có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, được Ban Thường vụ 18/18 huyện, thị, thành ủy thống nhất.

Đối với những huyện, thị xã, thành phố có trong dự kiến sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025 theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị thì chưa thực hiện việc thành lập TTCT cấp huyện theo Quy định số 208-QĐ/TW của Ban Bí thư.

Nâng chất lượng hoạt động

Đề án thành lập TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: TTCT cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện.

Trung tâm có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của các cấp ủy.

Trong 7 nhiệm vụ theo đề án, TTCT đào tạo sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.

Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển Đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở. Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp ủy cấp huyện…

TTCT cấp huyện có không quá 4 biên chế, bao gồm: Giám đốc do Trưởng ban Tuyên giáo huyện, thị, thành ủy kiêm nhiệm; 1 phó giám đốc; giảng viên chuyên trách và kế toán do Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy xem xét, quyết định trong tổng biên chế được giao.

Theo đề án, TTCT cấp huyện được ký kết hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở số lượng, định suất được cấp có thẩm quyền giao. TTCT cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm để phục vụ công tác giảng dạy.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, việc kết thúc thực hiện sáp nhập TTBDCT cấp huyện vào Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện để thành lập TTCT cấp huyện nhằm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của TTCT cấp huyện theo Quy định số 208 của Ban Bí thư, tạo sự chủ động cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Việc bố trí giảng viên chuyên trách, thành lập đội ngũ giảng viên kiêm chức sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của TTCT, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác do cấp ủy giao, khắc phục được những hạn chế như hiện nay.

HÀN GIANG