Cải cách hành chính năm 2023: Lấy kết quả để đánh giá cán bộ
Hoàn thành việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương trước ngày 15/11 để làm tiêu chí xếp loại cuối năm đối với tập thể, cá nhân... thể hiện sự quyết liệt của Quảng Nam nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hồ sơ đất đai trễ hạn nhiều
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, năm 2022 toàn bộ 7 giải pháp quản lý nhà nước về CCHC được triển khai đồng bộ, nề nếp, hiệu quả, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực.
Nhìn nhận về các mặt hạn chế, ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói, hồ sơ trễ hạn trên hệ thống một cửa điện tử còn cao tại cấp huyện, cấp xã và tập trung chủ yếu lĩnh vực đất đai, chưa giảm được xuống dưới 5% theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính & chuyển đổi số (CCHC&CĐS) tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Sở Nội vụ khẩn trương thống kê hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh bị trễ hạn/tổng số hồ sơ đã được giải quyết (năm 2022 và quý I/2023); xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với từng hồ sơ bị trễ hạn báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng thời lưu ý, năm 2023 sẽ lấy kết quả chỉ số CCHC làm một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.
“Thời gian tới, cần tăng cường sự chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan ngành dọc, UBND cấp huyện, giữa các đơn vị, bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trong nội bộ, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm gây chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp” - ông Bửu nói.
Lý giải nguyên nhân, theo ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT, thống kê từ phần mềm một cửa, năm 2022 tổng số số hồ sơ bị trễ hẹn là 31/2.254 hồ sơ tiếp nhận, chiếm tỷ lệ 1,37%. Quý I/2023, hồ sơ trễ hẹn 23/430 hồ sơ tiếp nhận, chiếm tỷ lệ 5,3%. Hồ sơ trễ hẹn có nguyên nhân chính là do cán bộ của sở xử lý bị trễ.
Đối với cấp huyện, có 30 thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai và ông Hà cho biết, tình hình trễ hẹn hồ sơ đất đai ở cấp này bắt nguồn từ 4 nguyên nhân.
Theo quy trình nội bộ giải quyết TTHC đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu tại Quyết định 1389 của UBND tỉnh, thời gian đối với UBND cấp xã là 15,5 ngày làm việc. Trong khi đó thời gian niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ 15 ngày (Điều 70 Nghị định số 43). Như vậy, thời gian xử lý công việc của cấp xã còn lại là 0,5 ngày và chưa tính các thủ tục như tổ chức lấy ý kiến khu dân cư, họp hội đồng xác nhận nguồn gốc đất…
Tại cấp xã trong 15,5 ngày không thể hoàn thành các khối lượng công việc theo quy định. Do vậy, hầu hết các hồ sơ đều giải quyết quá thời hạn.
Chia sẻ những giải pháp khắc phục hạn chế trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai, ông Trần Thanh Hà nói, sở rà soát luân chuyển, điều động cán bộ giữa các chi nhánh văn phòng đăng ký cấp huyện.
Bổ sung cán bộ lãnh đạo cho các chi nhánh còn thiếu và yếu. Riêng đối với TTHC lĩnh vực đất đai cấp tỉnh, sở chỉ đạo Chi cục Quản lý đất đai có trách nhiệm phân công, điều chuyển công chức phụ trách theo từng địa bàn một cách hợp lý để khắc phục tình trạng trễ hẹn trả kết quả.
Ghi nhận từ thực tiễn, ông Hà đề xuất UBND tỉnh không cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ và đơn giản hóa TTHC trên lĩnh vực đất đai. Ban hành quy định cụ thể để xử lý cán bộ trễ hẹn hồ sơ nhiều lần, hướng dẫn cho tổ chức nhiều lần, phản ảnh của công dân trong giải quyết TTHC, đồng thời khen thưởng chuyên đề cho cán bộ làm tốt công tác CCHC.
Xác định rõ trách nhiệm
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh, cuối năm 2022, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá kết quả giải quyết của từng TTHC; tập trung làm rõ các điểm nghẽn, nguyên nhân giải quyết chậm, quá hạn.
Trên cơ sở đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị phải nhanh chóng có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, sở, ngành thì đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ - ông Trương Hồng Giang cho hay, đối với những TTHC có liên quan, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức; hay giữa các cơ quan chuyên môn cùng cấp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan, tổ chức địa phương với cơ quan ngành dọc đều phải ban hành quy chế phối hợp thực hiện (hoặc sửa đổi, bổ sung đối với những quy chế đã ban hành để phù hợp với thực tiễn và đúng quy định của pháp luật hiện hành). Quy chế quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn và thời gian giải quyết của từng khâu trong thực hiện TTHC.
Đáng chú ý, ngày 8/3/2023, UBND tỉnh có Quyết định số 442 ban hành Quy chế đánh giá, kết quả thực hiện công tác CCHC của các địa phương, đơn vị và cơ quan ngành dọc cấp tỉnh.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể quy trình, tiêu chí đánh giá, xếp loại; quy định thời gian hoàn thành việc đánh giá chỉ số CCHC của cơ quan, địa phương, đơn vị trước ngày 15/11 hằng năm. Không xếp hạng tốt về kết quả CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có từ 5% hồ sơ trễ hẹn trở lên hoặc chỉ số hài lòng từ 80% trở xuống.
“Hiện, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng có từ 10% hồ sơ trễ hạn trở lên thì không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu kết quả xếp hạng CCHC đạt mức trung bình trở xuống. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu kết quả CCHC của cơ quan hai năm liên tục xếp hạng trung bình; tập thể lãnh đạo xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có kết quả xếp hạng CCHC hạng tốt” - ông Giang chia sẻ.