"Trái tim" của chuyển đổi số

VINH ANH 18/01/2023 08:26

(Xuân Quý Mão) - Cơ sở dữ liệu (CSDL) được coi là  “trái tim” của chuyển đổi số. Quảng Nam quyết tâm hoàn thành CSDL của tỉnh để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, bền vững.

Phần mềm cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đang tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện tạo thuận lợi trong công tác quản lý. Ảnh: VINH ANH
Phần mềm cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đang tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện tạo thuận lợi trong công tác quản lý. Ảnh: VINH ANH

Lợi thế của dữ liệu số

Từ 2 năm trở lại đây, việc chấm điểm xếp hạng, đánh giá cải cách hành chính (CCHC) sở ngành, huyện, thị xã, thành phố trở nên dễ dàng hơn khi tỉnh ứng dụng phần mềm xếp hạng, đánh giá CCHC.

“Muốn CĐS phải có CSDL. Dữ liệu không chỉ được số hóa mà cần chuẩn hóa. Quảng Nam đang nhận diện rõ những việc cần làm và đang tốc lực triển khai. Có CSDL thì mới dám nói đến sự tiện ích cho người dân. Ở khía cạnh khác, khi dữ liệu được số hóa, liên thông sẽ giúp cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu)

Ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, lâu nay chấm điểm trên từng bộ hồ sơ giấy dày cộm, sau đó nhập dữ liệu lên excel rất mất thời gian. Bây giờ, qua phần mềm, từng thành viên hội đồng chỉ cần mở máy tính lên là chấm điểm được. Ngoài ra, tất cả thông tin về quá trình CCHC của ngành, địa phương sẽ được phần mềm lưu trữ.

“Điều này rất cần thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thẩm định, xây dựng biểu đồ, báo cáo… Sắp tới, khi nâng cấp sẽ có thêm phần đánh giá CCHC cấp xã” - ông Giang nói.

Điểm sáng xây dựng CSDL của ngành nội vụ Quảng Nam còn phải kể đến phần mềm CSDL cán bộ, công chức, viên chức, triển khai từ những năm 2014, 2015.

Ông Giang cho biết, đến nay cơ bản dữ liệu cán bộ, công chức các sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã và viên chức đơn vị sự nghiệp khác (trừ giáo dục, y tế) đã được cập nhật đầy đủ lên phần mềm.

Đây là kho dữ liệu lớn, dễ tìm kiếm, tra cứu, trích xuất, tạo thuận lợi trong quản lý, tham mưu các vấn đề về công tác cán bộ của tỉnh. Phần mềm đang được nâng cấp hoàn thiện về ký số, bảo mật, trích xuất dữ liệu, đặc biệt là tích hợp, kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Dữ liệu “sống, sạch”

Ngành LĐ-TB&XH rất coi trọng việc xây dựng CSDL, bởi quản lý nhiều lĩnh vực, với khối lượng dữ liệu khổng lồ cần được nắm bắt, cập nhật thường xuyên. CSDL được đánh giá “sống và sạch” nhất của ngành LĐ-TB&XH hiện nay là dữ liệu về bảo trợ xã hội.

Đến nay, 18/18 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành rà soát, cập nhật, chuẩn hóa danh sách người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Không chỉ được liên thông với bộ, hệ thống CSDL về bảo trợ xã hội còn được “chăm sóc”, cập nhật thường xuyên hàng tháng.

“Hệ thống CSDL hoàn thiện thì việc theo dõi, quản lý và chi trả chế độ chính sách đúng, kịp thời hơn. Bên cạnh đó, đến ngày 20/11/2022, CSDL trẻ em của tỉnh đã được làm “sạch” ước đạt 80% trong tổng số trẻ em đã cập nhật trên phần mềm” - bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay.

Các hoạt động về chuyển đổi số diễn ra thường xuyên trong năm 2022. Ảnh: VINH ANH
Các hoạt động về chuyển đổi số diễn ra thường xuyên trong năm 2022. Ảnh: VINH ANH

Ông Trương Hồng Giang cho rằng, xây dựng phần mềm dễ nhưng làm sao để dữ liệu “sống” mới là vấn đề. Do đó cần ban hành quy chế quản lý CSDL rõ ràng. Dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên thì mới chuẩn và “sống” được.

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, muốn làm được CSDL của ngành còn phụ thuộc Trung ương, ngành dọc. Ngoài ra, xây dựng CSDL dùng chung phải đi đôi với đầu tư hạ tầng.

Với chính quyền, khi xây dựng CSDL cần dựa trên khung nền tảng dữ liệu quốc gia để phát triển dữ liệu địa phương vì đằng nào cũng phải nối vào để làm dữ liệu dùng chung.

Về liên thông dữ liệu, theo TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, cần nhìn từ nhiều góc độ và xem dữ liệu nào được phép dùng chung. Hiện nhiều người hiểu sai, cứ nghĩ có dữ liệu thì phải cung cấp. Không phải vậy! Tất nhiên các nền tảng số quốc gia ra đời là tiền đề cho liên thông dữ liệu. Nhưng liên thông không có nghĩa là cái gì cũng lấy được.

Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình khó khăn, phức tạp do thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc, từ truyền thống sang môi trường số nên rất cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2021, theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Quảng Nam do Bộ TT-TT công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 khu vực miền Trung. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của tỉnh về CĐS trong thời gian qua.

Tuy nhiên, CĐS đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi. Những khó khăn thường gặp như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ.

Một số cơ chế, chính sách, quy định về giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa phù hợp việc triển khai thực hiện trên môi trường điện tử, chưa có hướng dẫn cụ thể về triển khai áp dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức công dân, do đó gây trở ngại trong việc thực hiện CĐS...

CĐS cần thực hiện đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên, lấy người dân làm trung tâm. Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về CĐS như xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để thúc đấy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS.

Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu CĐS. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục...

(Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT)

VINH ANH