Hơn 3 năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn/khối phố: Giữ ổn định, chờ chính sách mới
Cùng với những kết quả đạt được, quá trình sắp xếp và tổ chức, hoạt động các thôn/khối phố (gọi chung là thôn) sau sắp xếp, sáp nhập vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, nhất là về chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách…
Giảm 479 thôn
Đầu tháng 4/2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại 1.003 thôn để thành lập 515 thôn. Qua sắp xếp đã góp phần tinh gọn bộ máy, tập trung đầu mối (giảm 479 thôn, còn 1.240 thôn), giảm 4.731 người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm cho ngân sách 50 tỷ đồng/năm.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Đại Lộc đã sắp xếp, tổ chức lại 160 thôn để thành lập 113 thôn. Đồng bộ với việc tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp thôn, Đại Lộc bố trí 3 người đảm nhận 5 chức danh ở thôn theo đúng quy định. Đặc biệt, Đại Lộc cũng là địa phương duy nhất của tỉnh hoàn thành chủ trương Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận.
Đến nay, toàn huyện có 226 người hoạt động không chuyên trách ở thôn (giảm 141 người). Việc rà soát, lập danh sách những người hoạt động không chuyên trách dôi dư được UBND huyện chỉ đạo thực hiện, tổng hợp trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính thôn kết hợp với kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; giảm được số lượng lớn người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tiết kiệm chi ngân sách và tập trung được đầu mối công việc.
Các thôn sau khi sắp xếp, sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo tính kế thừa, liên tục, không để ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Việc sắp xếp, sáp nhập thôn đã tạo được sự đồng tình ủng hộ và phát huy được tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn trên địa bàn.
Hết tháng 5/2019, toàn huyện Tây Giang đã công bố sáp nhập, đổi tên và thành lập 63 thôn trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại 70 thôn. Đối với các thôn không sáp nhập, địa phương tiến hành hội nghị hợp nhất các chức danh theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đánh giá, sau khi sáp nhập, thành lập thôn, khối lượng công việc tăng lên, nhiều khó khăn hơn; nhưng nhìn chung tinh thần trách nhiệm làm việc của người hoạt động không chuyên trách cũng như người trực tiếp tham gia công việc ở thôn tiếp tục được phát huy, hoàn thành tốt các công việc quản lý cư trú tại cơ sở.
Luôn bám sát tình hình thực tiễn đời sống của nhân dân, nhất là kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng, cũng như tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chế độ chưa tương xứng nhiệm vụ
Nhiều địa phương phản ánh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cũng như người trực tiếp tham gia công việc ở thôn đã được quan tâm cải thiện, tuy nhiên vẫn còn thấp so với điều kiện hiện nay và chưa tương xứng yêu cầu, khối lượng nhiệm vụ, công việc được giao. Nhất là tại những nơi địa bàn rộng, đồi núi cao, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, mùa mưa kéo dài… dẫn đến hạn chế trong hoạt động các phong trào, hiệu quả công việc không cao.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, quy định mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở các thôn theo Nghị định số 34 (ngày 24/4/2019) chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Pháp luật đã giao HĐND tỉnh thẩm quyền quy định các chế độ, định mức chi đặc thù ngoài quy định Trung ương, tuy nhiên có trường hợp khi HĐND tỉnh ban hành chính sách theo thẩm quyền (sau khi xin ý kiến các bộ, ngành trung ương) nhưng cơ quan kiểm toán không thống nhất cũng là nguyên nhân làm thiếu tính ổn định của các quy định về chế độ, chính sách.
Thống nhất với báo cáo giám sát sau hơn 3 năm thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ 12 vừa qua, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các địa phương giữ ổn định các thôn như hiện nay.
Đồng thời chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện sáp nhập, sắp xếp thôn về kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc; rà soát đối chiếu quy định về quy mô số hộ gia đình ở các thôn, các trường hợp nằm tách biệt, điều kiện đi lại khó khăn, phức tạp; những nơi có nhu cầu bức thiết trong việc đổi tên thôn…
Trên cơ sở đó, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp, đồng bộ chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đảm bảo quy mô thôn, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư số 14 ngày 3/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Ngoài ra, trong thời gian chờ Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34, UBND tỉnh chỉ đạo không tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định liên quan đến tổ chức, chế độ chính sách các chức danh ở thôn cho đến khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.
“Trong trường hợp Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 nhưng vẫn giữ nguyên quy định khoán quỹ phụ cấp các chức danh ở thôn theo 2 mức khoán (5,0 và 3,0 lần mức lương cơ sở) như hiện nay, tổng hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh cho người hoạt động không chuyên trách ở các khối phố (tổ dân phố) có quy mô số hộ gia đình gấp 1,5 lần trở lên so với quy định để tương đồng mức phụ cấp giữa các chức danh và phù hợp với công việc ở những khối phố đông dân cư” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh nói.