Cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023: Giải quyết điểm nghẽn, hướng đến thực chất

HÀN GIANG - TÂM ĐAN 19/12/2022 04:27

Đánh giá hoạt động sau một năm thành lập, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh nhìn nhận, trong khi chuyển đổi số còn lúng túng, công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực hơn và theo đúng quan điểm phải thực chất, người dân, doanh nghiệp phải được hưởng lợi.

Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh vừa họp phiên thứ ba đánh giá kết quả hoạt động năm 2022. Ảnh: GIANG - ĐAN
Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh vừa họp phiên thứ ba đánh giá kết quả hoạt động năm 2022. Ảnh: GIANG - ĐAN

Cắt giảm ít nhất 10% thời gian giải quyết thủ tục

Năm 2022, Quảng Nam đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) trên phạm vi toàn tỉnh, cơ bản đảm bảo tiến độ các kế hoạch đề ra của Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS, các cấp ủy, chính quyền cần thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại và hành động sáng tạo, tập trung đẩy mạnh CCHC, ứng dụng công nghệ số, thực hiện CĐS trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong năm 2023, công tác CCHC cần tập trung vào cải cách thể chế, quản trị hành chính, phân cấp phân quyền; thực hiện nghiêm túc chấm điểm CCHC; tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ... Trước ngày 15/11 hằng năm phải có kết quả chấm điểm CCHC và đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức và tổ chức cơ sở đảng.

Với trọng tâm là tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh đã triển khai Đề án mở rộng chuyển giao cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; quyết định giao chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm cho các sở, ngành, địa phương.

Phê duyệt danh mục 36 TTHC thực hiện trả kết quả ngay trong ngày thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; quyết định số danh mục TTHC thực hiện trả kết quả ngay trong ngày, gồm 66 TTHC cấp huyện và 94 TTHC thuộc cấp xã.

Ban hành danh mục TTHC yêu cầu thực hiện liên thông trong nội bộ cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; đảm bảo rõ thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong từng bước của quy trình giải quyết TTHC. Xây dựng phân hệ giám sát chất lượng giải quyết TTHC tại địa chỉ: https://tthcc.quangnam.gov.vn/ nhằm giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thực hiện rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND tỉnh đã ban hành hai quyết định quan trọng.

Bao gồm, Quyết định số 2687 ngày 7/10/2022 phê duyệt danh mục TTHC cắt giảm ít nhất 10% thời gian giải quyết so với quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh với 126 TTHC; Quyết định số 2711 ngày 10/10/2022 phê duyệt danh mục TTHC cấp huyện, cấp xã thực hiện cắt giảm 10% thời gian giải quyết trên địa bàn tỉnh với 224 TTHC cấp huyện và 204 TTHC cấp xã.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh, tổ giúp việc đang tập trung tham mưu xây dựng kho dữ liệu hồ sơ giải quyết TTHC (kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức) và các công cụ, ứng dụng phục vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Triển khai rà soát, đánh giá, thống kê và đề xuất các quy trình giải quyết công việc nội bộ (không thuộc phạm vi TTHC) của cơ quan hành chính theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Xây dựng Đề án triển khai thí điểm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Tập trung giải quyết các điểm nghẽn

Nhìn nhận về các tồn tại, hạn chế trong năm 2022, Ban Chỉ đạo CCCH&CĐS tỉnh đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cách thức hoạt động và CCHC ngay trong hoạt động của ban chỉ đạo và tổ giúp việc.

Đây là cơ sở để ban chỉ đạo nắm rõ những bất cập, hạn chế, tồn tại một cách thường xuyên, kịp thời, qua đó có những chỉ đạo thực chất, hiệu quả. Thành viên ban chỉ đạo chủ động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các ngành, đơn vị được phân công theo dõi thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC được giao.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vai trò gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC và CĐS.

Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2023 của chương trình, kế hoạch CCHC và CĐS.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh cho rằng, tỉnh đã rất tích cực, tạo nhiều chuyển biến trong công tác CCHC, từ thực hiện phân cấp, phân quyền, rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, triển khai dịch vụ bưu điện công ích… Trong năm 2022, tỉnh đề ra rất nhiều việc, nhưng không có giải pháp hiện thực hóa, nên tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ chưa như kỳ vọng.

“Tôi đề nghị chúng ta phải rút kinh nghiệm để làm tốt cho năm 2023. Theo đó, nhiệm vụ CCHC cần đi thẳng vào trọng tâm, vấn đề mấu chốt, chứ không liệt kê các đầu việc mà không có giải pháp hiệu quả, với quyết tâm nâng chất lượng giải quyết TTHC, cải thiện thứ hạng các chỉ số và phải giải quyết cho được các điểm nghẽn, tồn tại đã được nhìn nhận” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Khẳng định quan điểm tỉnh không chạy theo thành tích và nhiệm vụ CCHC, CĐS trên địa bàn phải đi vào thực chất, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, công tác CĐS còn lúng túng, bị động.

Tỉnh phải làm theo lộ trình, nhưng trong từng năm phải xác định và tập trung thực hiện từng phần việc cụ thể, trọng tâm. CĐS trong từng ngành phải chủ động xin hướng dẫn cụ thể từ bộ ngành Trung ương. Tương tự, sở ngành hướng dẫn chuyển đổi số xuống phòng ban các địa phương. Nếu ở cấp sở còn lúng túng thì làm sao cấp huyện tránh khỏi.

HÀN GIANG - TÂM ĐAN