Điện Bàn chuyển động cùng chuyển đổi số
Xác định là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ở thị xã Điện Bàn đã được các cấp ngành, cơ sở triển khai mạnh mẽ, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Triển khai kế hoạch thực hiện “60 ngày cao điểm đoàn viên chung tay lan tỏa chuyển đổi số (CĐS) trong cộng đồng”, cuối tuần đầu tháng 11 vừa qua, Thị đoàn Điện Bàn phối hợp với Phòng Văn hóa - thông tin thị xã đồng loạt tổ chức hoạt động tuyên truyền CĐS tại tất cả xã, phường, khu dân cư, trường học… trên địa bàn thị xã.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền trực quan, đoàn viên đã đến từng thôn, khối phố hướng dẫn người dân đăng ký, cài đặt tài khoản và sử dụng các ứng dụng, tiện ích số như dịch vụ công quốc gia, xác thực định danh điện tử VneID, Smart Quảng Nam, Sổ sức khỏe điện tử, Tổng đài 1022 Quảng Nam...
Theo anh Đinh Quang Vĩnh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn, xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh niên, bởi đây là lực lượng năng động, hiện đại, có hiểu biết về công nghệ nên dễ dàng lan tỏa, truyền cảm hứng đến cộng đồng, người dân.
Thời gian qua, bên cạnh tập trung cho công tác tuyên truyền, Thị đoàn triển khai các phần việc CĐS như thiết lập tổ thanh niên tại bộ phận một cửa, hướng dẫn người dân kê khai các thủ tục hành chính, dán mã QR Code tại các di tích lịch sử để người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin…
Có thể khẳng định, CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được xem là xu hướng tất yếu. Từ năm 2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án… tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, CĐS hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Điện Bàn thời gian qua cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả chương trình CĐS.
Gần nhất, tháng 5 vừa qua UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành Kế hoạch số 92 về Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số năm 2022, tập trung vào 3 nội dung chính, gồm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin. Thị xã hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đồng bộ, hiện đại, an toàn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Nâng cao hiệu quả
Cuối tháng 3 vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành đề án “Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số thị xã Điện Bàn đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030”, giao Phòng Văn hóa - thông tin chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các xã, phường xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đề án đúng mục tiêu đề ra.
Ông Phạm Văn Ba - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin thị xã cho biết, thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố và các ban chỉ đạo CĐS cấp xã…, bước đầu hoạt động CĐS ở Điện Bàn đạt được những kết quả nhất định.
Đến nay, địa phương đã tổ chức ra mắt, tập huấn cho 44 tổ công nghệ cộng đồng với 272 thành viên tại 9 địa phương. Ngoài ra, tổ chức tập huấn, hướng dẫn 16 xã, phường thực hiện xử lý quy trình trên phần mềm Q-Office; hướng dẫn các địa phương thực hiện đầu tư, mua sắm thiết bị, vận hành và bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác CĐS.
Việc CĐS thành công sẽ góp phần hiện thực mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số. Qua đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động công vụ, nâng cao hiệu lực hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị B Linh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Điện cho rằng, CĐS đã giúp hoạt động công vụ tại địa phương hiệu quả hơn. Địa phương đang triển khai những phần việc để CĐS thực sự mang lại tiện ích cho người dân.
Phường Vĩnh Điện là một trong 4 địa phương được chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình đơn vị thông minh cấp xã của Điện Bàn (cùng với các xã Điện Thọ, Điện Phong và phường Điện Ngọc).
“Chúng tôi xác định CĐS phải chuyển đổi từ con người nên tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm như Smart Quảng Nam, VneID; lập tài khoản dịch vụ công, định danh điện tử, ví điện tử... nhằm mang đến sự thuận lợi và tiện ích cao nhất” - bà Linh nói.
Dù vẫn còn một số hạn chế về hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu…, song việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực, đưa Điện Bàn nhiều năm liền nằm trong tốp địa phương dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, xây dựng chính quyền số là xu thế tất yếu đối với các đô thị để phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành của chính quyền, nhu cầu sử dụng dịch vụ tối ưu của người dân, doanh nghiệp. Do vậy, việc CĐS, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là tất yếu khách quan nhằm tranh thủ thời cơ và khai thác lợi thế vốn có của thị xã.
Định hướng thời gian tới, Điện Bàn sẽ tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu theo lộ trình, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, quy hoạch, thực hiện Đề án 06, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân.
Đồng thời thiết lập những bước đi cụ thể cho lộ trình trở thành đô thị kết nối phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030 thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thị xã, đưa Điện Bàn trở thành địa phương thuộc nhóm đầu của Quảng Nam về CĐS.