Thực hiện đề án dữ liệu về dân cư: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

PHƯƠNG THUẬN 07/11/2022 06:30

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” (Đề án 06) đã được Quảng Nam triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về công tác triển khai Đề án 06, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: P.T
Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về công tác triển khai Đề án 06, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: P.T

Hiệu quả tích cực

Theo Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong 9 tháng của năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Trong đó, Tổ công tác, Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh và Công an tỉnh thành lập các đoàn công tác tiếp tục đôn đốc và tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế việc thực hiện Đề án 06 tại một số địa phương.

Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành được giao triển khai, sử dụng dịch vụ công (DVC) thiết yếu xây dựng lộ trình tích hợp các DVC này lên Cổng DVC quốc gia, kết nối với hệ thống chuyên ngành do bộ, ngành xây dựng, thực hiện đồng bộ đăng nhập một lần trên các hệ thống dùng chung đảm bảo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ giao.

“Ngành công an được giao chủ trì thực hiện 11/25 DVC thiết yếu, có 100% đơn vị công an từ tỉnh đến cơ sở tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Đến nay có 7 DVC thực hiện cấp độ 4, gồm: đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã cấp căn cước công dân (CCCD); đăng ký, đăng ký lại mẫu con dấu; đăng ký con dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi và 1 DVC mức độ 3 đã đi vào thực hiện” - Thượng tá Hồ Song Ân nói.

Đối với việc triển khai Đề án 06 tại thị xã Điện Bàn, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, Điện Bàn mở nhiều chiến dịch nhằm hoàn thành đúng mục tiêu cấp đủ số lượng CCCD cho người dân, mở rộng đối tượng cài đặt VssID, nhất là người lao động; thực hiện đăng ký lưu trú trực tuyến 100%, bố trí thêm 1 cán bộ ở bộ phận một cửa và đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều vướng mắc, bất cập

Tại hội nghị về công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” mới đây, các địa phương đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong công tác triển khai và kiến nghị tỉnh chỉ đạo tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra thực tế về việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra thực tế về việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My.

Như tại huyện Tiên Phước, các trang thiết bị về công nghệ thông tin (CNTT), đường truyền mạng chưa đồng bộ từ huyện đến xã nên việc triển khai thực hiện các phần mềm, cơ sở dữ liệu vẫn còn hạn chế, việc tiếp cận CNTT của người dân chưa được rộng rãi...

“Tình trạng mà huyện Tiên Phước đang gặp phải cũng là tình trạng chung của các địa phương khác trên cả tỉnh nên cần sớm đưa ra phương án khắc phục hiệu quả” - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết.

Theo ghi nhận, hầu như các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đều gặp phải vướng mắc về trang thiết bị thực hiện DVC nên chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện số hóa từ 1/6/2022 đối với cấp tỉnh và 1/12/2022 đối với cấp huyện theo Nghị quyết số 50 của Chính phủ. Nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ chuyên môn lĩnh vực CNTT còn thiếu; dữ liệu phần mềm chưa đồng bộ...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo các địa phương cần tập trung quyết liệt, tích cực hơn nữa, phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của tổ công nghệ cộng đồng, công an xã, đoàn viên thanh niên để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tạo sự chủ động, tăng tỷ lệ tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến.

“Đặc biệt, Công an tỉnh phối hợp với Sở TT-TT cần xây dựng lộ trình thiết yếu về không tiếp nhận hồ sơ giấy, tập trung số hóa dữ liệu, tích hợp đồng bộ, lưu ý các ý kiến phản ánh của địa phương và hạn chế thấp nhất các bất cập này. Sở TT-TT khẩn trương nâng cấp hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn an ninh…” - Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh.

Từ ngày 1/1 đến 25/10/2022, hồ sơ công dân yêu cầu giải quyết qua DVC trực tuyến trên lĩnh vực cư trú là 5.522/89.079 (tỷ lệ 6,2%); 370 thủ tục làm con dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, thủ tục làm con dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thu nhỏ (tỷ lệ 100%); xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD có 51 hồ sơ trực tuyến; cấp và cấp lại sửa đổi bổ sung hộ chiếu phổ thông có 128 hồ sơ trực tuyến.

Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo đây là dữ liệu gốc, thông báo đầy đủ 100% số định danh cá nhân cho công dân. Tính đến ngày 24/10/2022, toàn tỉnh thu nhận được 1.277.558 hồ sơ cấp CCCD, 8.1026 hồ sơ định danh điện tử...

PHƯƠNG THUẬN