Cải cách hành chính phải thực chất

HÀN GIANG - ANH ĐÔNG 21/09/2022 06:26

Nhiều vấn đề tồn tại trong việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã được “mổ xẻ”, đánh giá tại hội nghị trực tuyến với các ngành, địa phương do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì vào ngày 19.9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: GIANG ĐÔNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: GIANG ĐÔNG

Hồ sơ trễ hạn còn nhiều

Qua kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp ở bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã ở 8 địa phương, Sở Nội vụ đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại.

Đáng nói, có vấn đề có thể xử lý được ngay, đã được nhắc nhở nhiều lần song đến nay vẫn còn mắc phải, như việc cập nhật, niêm yết công khai bộ TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã chưa đầy đủ, đúng quy định.

Hay việc rà soát, cập nhật TTHC trên phần mềm một cửa chưa được thực hiện thường xuyên nên một số TTHC không thống nhất với TTHC đang có hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho việc tác nghiệp.

Việc tạo lập hồ sơ điện tử đầu vào, cập nhật kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên phần mềm một cửa điện tử chưa được quan tâm, thực hiện chưa thường xuyên hoặc không thực hiện...

Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hầu hết hồ sơ được kiểm tra thực tế đều cho thấy không có sự đồng bộ giữa quá trình xử lý trên thực tế với tiến trình cập nhật thông tin xử lý trên phần mềm một cửa điện tử, làm cho việc giải quyết hồ sơ bằng phần mềm không thực chất; làm sai lệch thông tin được tổng hợp, truy xuất từ phần mềm. Hồ sơ lưu không đảm bảo phản ánh thực tế quá trình giải quyết hồ sơ.

“Trong khi đó, việc kiểm soát giải quyết hồ sơ của lãnh đạo huyện, lãnh đạo phòng chuyên môn, lãnh đạo xã chưa sâu sát dẫn đến việc giải quyết hồ sơ còn tùy tiện, đối phó; từ chối giải quyết không có thông báo, xử lý hồ sơ trên phần mềm không đúng quy trình...” - ông Giang cho biết.

Trong năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổng hợp tình hình tiếp nhận giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tháng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Qua theo dõi tổng hợp tình hình tiếp nhận, giải quyết từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC (Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam) cho hay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đối với cấp tỉnh là 99,75%; còn ở cấp huyện là 71,63% và 92,04% ở cấp xã.

Đặc biệt, hồ sơ trễ hạn cấp huyện, cấp xã còn nhiều. Điều này ảnh hưởng đến chỉ số về tiến độ giải quyết TTHC và đánh giá xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh. Các lĩnh vực, TTHC trễ hạn nhiều chủ yếu trên lĩnh vực đất đai; bảo trợ xã hội, người có công; đăng ký thành lập và hoạt động doanh nghiệp; cấp giấy phép xây dựng.

Tỷ lệ hồ sơ được cập nhật, giải quyết, xử lý đúng quy trình trên hệ thống một cửa điện tử tại cấp huyện, cấp xã thấp; hầu hết chưa thực hiện được toàn bộ quy trình trên môi trường điện tử.

Không "dĩ hòa vi quý"

Liên quan đến đánh giá về kết quả giải quyết hồ sơ trễ hẹn, thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, năm 2021 và một số tháng đầu năm 2022, Hội An thường xuyên nằm trong tốp 3 địa phương “cầm đèn đỏ” trên bản đồ thể chế của tỉnh bởi tỷ lệ hồ sơ bị giải quyết trễ hạn.

Quyết liệt cùng với tỉnh, lãnh đạo TP.Hội An đã có nhiều cuộc họp liên quan đến thực trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn; trong đó, mổ xẻ, nhận diện những mặt hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Những nguyên nhân từ phía cán bộ, công chức thì yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, như việc đồng bộ hồ sơ hay cập nhập kết quả giải quyết lên phần mềm...

“Lần này, chúng tôi không nói chung chung về việc giải quyết hồ sơ bị chậm trễ. UBND thành phố chỉ đạo rà soát để nắm hồ sơ giải quyết quá hạn nằm ở khâu nào, cơ quan nào, trách nhiệm của ai để giao cơ quan thẩm quyền theo dõi, đôn đốc.

Lần đầu có thể nhắc nhở, nhưng lần thứ hai, ba trở đi nếu cơ quan, cá nhân có trách nhiệm không khắc phục được thì sẽ bị xử lý mạnh. Nhờ vậy, đến thời điểm này, đã có sự cải thiện hơn trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC trên địa bàn thành phố” - ông Nguyễn Minh Lý nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, từ đầu năm đến nay, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước lại giảm liên tục. Kết quả này cho thấy, chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở “mổ xẻ”, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp các kiến nghị chuyển các ngành giải quyết theo lĩnh vực chuyên môn.

Sau hội nghị của tỉnh, mỗi ngành, địa phương tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm, triển khai quyết liệt các quan điểm chỉ đạo của tỉnh để cùng làm tốt hơn công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Đặc biệt, khắc phục cho được các mặt tồn tại được chỉ ra để góp phần nâng Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; nếu không sẽ rơi vào tình trạng hô hào, chỉ có phần vỏ mà không có ruột.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các ngành phải vào cuộc, tham mưu cắt giảm TTHC hoặc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC trên cơ sở tổng hợp đề nghị của các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn xây dựng quy chế thi đua, đưa tỷ lệ chấm điểm 30 - 40% đối với kết quả thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số.

“Hằng tháng, Văn phòng UBND tỉnh có báo cáo trên IOC của tỉnh về tình hình cải cách hành chính, chỉ rõ từng cơ quan, đơn vị làm chưa tốt, chứ không “dĩ hòa vi quý” nữa, nhằm có cơ sở cho người đứng đầu theo dõi, chỉ đạo thực hiện. Chúng ta cùng nhắc nhở nhau để làm tốt nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển và vì quyền lợi người dân” - ông Bửu nhấn mạnh.

Mấu chốt là đội ngũ cán bộ trong cải cách hành chính

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, toàn hệ thống chính trị tỉnh cần quán triệt, triển khai việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Triển khai nhiều cách thức đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, nhất là tại các trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các cấp nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử, làm việc của đội ngũ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp; cần kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất.

Thủ trưởng các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức đơn vị mình có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các TTHC cũng như các hoạt động công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp do đơn vị mình đảm trách.

HÀN GIANG - ANH ĐÔNG