Chậm giải ngân vốn chuyển đổi số
Không chỉ là thực tế đang diễn ra ở một số lĩnh vực, việc “có tiền không giải ngân được” dự báo cũng sẽ xảy ra đối với nguồn vốn dành cho chuyển đổi số, nếu các sở ngành, địa phương không tập trung triển khai thực hiện.
Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai chuyển đổi số (CĐS) 6 tháng đầu năm 2022 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì, diễn ra vào cuối tuần qua.
Nhiều chuyển biến
Tình hình triển khai các nội dung, nhiệm vụ CĐS trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến. Nhiều sở ngành, địa phương đã có sự vào cuộc với nhiều kết quả nổi bật cùng những cách làm hiệu quả.
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết đến nay có 17/20 sở ban ngành đã ban hành kế hoạch CĐS năm 2022; hầu hết các ngành, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo CĐS và ban hành kế hoạch CĐS theo lộ trình của tỉnh và trung ương. Toàn tỉnh có 569 thôn, khối phố đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông tiếp tục được đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ CĐS. Trong đó tiếp tục nâng số lượng tổ công nghệ cộng đồng, truyền thông mạnh về Tổng đài 1022 và các ứng dụng dùng chung của tỉnh; đẩy nhanh kết nối cơ sở dữ liệu... Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVCTT trực tuyến, Văn phòng UBND tỉnh đưa nội dung đề nghị cán bộ, công chức, viên chức chủ động, đi đầu trong sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan vào thông báo kết luận...
Đến nay toàn tỉnh có 97,5% thôn/khối phố được phủ sóng thông tin di động 3G/4G; 96,5% thôn/khối phố có hạ tầng cáp quang; có 205/241 xã, phường, thị trấn có hội nghị truyền hình trực tuyến...
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được chú trọng triển khai, trong đó riêng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, trên cơ sở đánh giá an ninh của Bộ Công an, Sở TT-TT đã xây dựng kế hoạch triển khai khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng bảo mật của các hệ thống thông tin để đề nghị kết nối chính thức hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam với CSDL quốc gia về dân cư.
Bà Quyên cho hay, Quảng Nam đã triển khai hệ thống quản lý văn bản Qoffice tập trung đến tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kết nối trục liên thông văn bản Chính phủ và tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ gửi nhận văn bản điện tử.
Hầu hết đơn vị đã thực hiện gửi nhận văn bản điện tử (không kèm bản giấy). Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai tập trung thống nhất trong toàn tỉnh.
Đến nay, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cung cấp tổng cộng 1.456 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Từ ngày 1.1 đến 5.7, có 39,26% DVCTT mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trên cổng dịch vụ công, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 28,80%...
Chậm giải ngân vốn chuyển đổi số
Liên quan đến tình hình đầu tư về công nghệ thông tin phục vụ CĐS, theo báo cáo của Sở TT-TT, đến nay đã thẩm định 13 dự án công nghệ thông tin với tổng kinh phí hơn 10,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm có 3 đơn vị trình đề xuất chủ trương về công nghệ thông tin.
Về tình hình triển khai các dự án chính quyền số, đến nay Sở TT-TT đang thực hiện thủ tục nghiệm thu và quyết toán dự án mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng (tỷ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại 97%). Một số dự án khác có tỷ lệ giải ngân thấp.
Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong dự toán 2022, vốn sự nghiệp đã phân bổ 51 tỷ đồng để triển khai các dự án CĐS, trong đó khoảng 9 tỷ đồng cho sở ban ngành và 42 tỷ đồng cho khối huyện.
Trong đó, năm 2022 mỗi huyện được phân bổ 1 tỷ đồng, mỗi xã 100 triệu đồng để thực hiện CĐS. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dự nguồn chưa phân bổ (khoảng 50 tỷ đồng) để thực hiện các nhiệm vụ CĐS nói chung của sở ban ngành.
Vốn đã phân bổ, tuy nhiên đến nay phần dự toán giao cho sở ngành chưa giải ngân được nhiều. Các đơn vị vẫn đang trong trạng thái chuẩn bị các hồ sơ, xây dựng đề cương trình thẩm định và các thủ tục liên quan.
Theo quy định, vốn phải phân bổ trước ngày 31.3, sau thời gian này thì ngân sách sẽ cắt, điều chuyển nội dung. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có khoảng 2,5 tỷ đồng/50 tỷ đồng được phân bổ.
Bà Thảo nói: “Đến nay đã qua tháng 7, tiến độ giải ngân vốn CĐS đang chậm trễ, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nội dung liên quan để giải ngân kịp thời theo quy định, qua đó tạo điều kiện để thúc đẩy CĐS”.
Cũng liên quan đến nguồn vốn CĐS, bà Thảo cho biết, theo Nghị quyết 33 ngày 17.9.2020 của HĐND tỉnh, tổng dự toán cho CĐS đến 2025 khoảng 901 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương khoảng 320 tỷ, còn lại vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn huyện, thị xã, thành phố và nguồn xã hội hóa…
Tuy nhiên theo tính toán của Sở Tài chính thì vốn trung ương phân bổ không nhiều, mỗi năm chỉ từ 11 - 12 tỷ đồng, trong khi vốn xã hội hóa chưa rõ... Vì vậy, để điều hành đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo lộ trình, UBND tỉnh cần giao Sở TT-TT làm đầu mối, rà soát nguồn lực đề điều chỉnh sát với thực tế kế hoạch, khả năng cấn đối, qua đó giúp nghị quyết đi với đời sống.