Luân chuyển để đào tạo cán bộ
Thực hiện hiệu quả chủ trương điều động, luân chuyển để cán bộ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời khắc phục sự trì trệ và phát huy năng lực, sở trường công tác của cán bộ.
Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ: Phát huy năng lực, sở trường
Ngày 1.4.2021, Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ ban hành kế hoạch thực hiện chủ trương Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường không phải là người địa phương ở những nơi có điều kiện; đồng thời thực hiện luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí, sắp xếp, củng cố một số chức danh lãnh đạo chủ chốt địa phương, cơ quan, đơn vị không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Qua đó phát huy năng lực, sở trường, hiệu quả trong công tác của cán bộ. Tam Kỳ dự kiến điều động, luân chuyển gần 40 đồng chí, trong đó, điều động, luân chuyển ngang giữa các xã, phường 7 đồng chí để thực hiện mục tiêu trên.
Đến nay, Tam Kỳ thực hiện luân chuyển 8 cán bộ từ thành phố xuống giữ chức danh chủ chốt xã, phường. Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy quyết định điều động, luân chuyển ngang 5 đồng chí bí thư ở các phường: An Xuân, An Phú, An Sơn, Trường Xuân và Hòa Hương để đáp ứng chủ trương Bí thư Đảng ủy không phải là người địa phương và không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp; vừa góp phần ngăn chặn, khắc phục những hạn chế có thể phát sinh do giữ chức vụ đứng đầu quá lâu. Hơn nữa, thông qua đó nhằm thay đổi địa bàn mới, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới trong công việc đối với những đồng chí Bí thư được điều động, luân chuyển.
Đến nay, sau hơn nửa năm thực hiện điều động, luân chuyển, cả 5 đồng chí Bí thư phường bước đầu phát huy hiệu quả tốt hơn ở địa phương mới. Từng đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng nổ, sâu sát địa bàn khu dân cư để nắm bắt tình hình, cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý trật tự đô thị, xây dựng đô thị văn minh… có sự chuyển biến rõ nét.
Đánh giá bước đầu thực hiện cho thấy việc điều động, luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương và cán bộ giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị ở TP.Tam Kỳ đã phát huy hiệu quả và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành: Giúp cán bộ năng động hơn
Từ 2016 đến nay, Núi Thành thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 81 cán bộ các xã, thị trấn, đơn vị; chuyển đổi trong nội bộ các cơ quan. Qua thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đã góp phần tạo môi trường làm việc mới, làm cho cán bộ năng động, sáng tạo hơn và ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ở giai đoạn này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển 40 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện về xã và ngược lại. Công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện từng bước, thận trọng, không làm tràn lan, chạy theo số lượng, đảm bảo yêu cầu ổn định và phát triển.
Luân chuyển đã góp phần bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận; thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, trách nhiệm của cán bộ luân chuyển và cấp ủy địa phương nơi cán bộ luân chuyển đến.
Việc luân chuyển và bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương bước đầu đạt kết quả (Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Hải, Tam Sơn, Tam Quang), cán bộ luân chuyển có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Có đánh giá đúng về trình độ, năng lực, khả năng phát triển và phẩm chất đạo đức của cán bộ mới làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch; từ đó có căn cứ cho việc điều động, luân chuyển cán bộ.
Đồng thời có lộ trình và áp dụng nhiều hình thức luân chuyển: từ trên xuống, từ dưới lên; luân chuyển ngang từ địa phương này sang địa phương khác, từ khối này sang khối khác... Luân chuyển cán bộ phải gắn liền với công tác đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ một cách hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My: Tạo điều kiện cọ xát từ thực tiễn cơ sở
Trước khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cũng như nhiều địa phương, Bắc Trà My đã làm rất mạnh việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ. Như điều chuyển cán bộ, công chức ở khối chính quyền sang công tác ở khối Mặt trận, đoàn thể; cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy sang làm công tác tại Văn phòng UBND huyện…
Đồng thời thực hiện luân chuyển ngang đối với cán bộ lãnh đạo phòng để đảm bảo công tác không quá 10 năm ở một vị trí. Mục tiêu huyện đặt ra là thay đổi môi trường làm việc, chống sự trì trệ và tạo động lực cho cán bộ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ở vị trí công việc mới; phát huy khả năng tự bồi dưỡng nhiệm vụ chuyên môn, có cái nhìn toàn diện về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đây cũng chính là đội ngũ cán bộ chủ chốt kế cận của huyện trong tương lai.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Bắc Trà My thực hiện luân chuyển, điều động 4 trường hợp về đảm nhiệm chức danh chủ chốt ở cấp xã, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của địa phương; vừa đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt kế cận của huyện.
Quan điểm của Bắc Trà My là đội ngũ cán bộ nguồn kế cận của huyện phải được đào tạo, cọ xát từ thực tiễn cơ sở, để qua đó, hiểu và trưởng thành từ thực tiễn trong cách lãnh đạo, điều hành, xử lý hiệu quả công việc được giao.
Do đó, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ hiện có, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch; xem xét năng lực, sở trường của mỗi người và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phòng, ban, ngành, xã để xác định nơi luân chuyển và bố trí cán bộ cho phù hợp. Công tác này phải góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, tình trạng khép kín về cán bộ trong từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua công tác luân chuyển, từng bước điều chỉnh, bố trí cán bộ một cách hợp lý hơn giữa các cơ quan, địa phương.