Hội An từng bước chuyển đổi số
Hội An đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số, từng bước hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng.
Thay đổi bằng công nghệ số
Từ năm 2018, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã được UBND TP.Hội An chọn là đơn vị triển khai thí điểm mô hình văn bản không giấy, đến nay mô hình đã đi vào nền nếp.
Đến năm 2021, Trung tâm VH-TT&TTTH Hội An triển khai kế hoạch “Xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”.
Cũng từ năm 2021, xã Cẩm Thanh là một trong 15 xã đã được UBND tỉnh thí điểm xây dựng “Xã thông minh”, tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính là xây dựng hạ tầng số, giao tiếp với người dân, thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương và các dịch vụ thông minh.
Bà Trần Thị Thu Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho biết, việc ứng dụng các phần mềm dùng chung trong quản lý công việc góp phần truyền tải thông tin kịp thời đến người dân và thuận lợi trong quản lý dữ liệu.
“Ban đầu triển khai gặp không ít khó khăn nhưng địa phương đã từng bước hình thành hạ tầng số và đào tạo, hướng dẫn chuyên môn. Từ đó, các thủ tục hành chính, đơn thư của người dân được giải quyết nhanh hơn. Cán bộ cũng đã tiếp cận các phần mềm, thao tác nghiệp vụ nhanh hơn” - bà Hòa nói.
Tháng 3.2022, Hội An hợp tác với Bizverse dùng Metaverse để chuyển đổi số toàn diện trên lĩnh vực du lịch, xây dựng không gian 360 Space của Hội An trên Bizverse World, kết nối website VRTour vào hệ thống Metaverse của Bizverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan qua hình thức thương mại điện tử của Bizverse...
“Thông qua nền tảng vũ trụ ảo sẽ giới thiệu Hội An với bạn bè thế giới sâu rộng hơn, giúp du khách có thể tham khảo lựa chọn để có trải nghiệm du lịch, qua đó thu hút thêm du khách trong nước và quốc tế đến với Hội An” - bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TTTH Hội An, cho biết.
Yêu cầu cấp thiết
Qua hoạt động giám sát, bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Hội An cho biết: “Trước thực tế đội ngũ cán bộ xã phường và thành phố mỏng như hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu cấp bách”.
Theo kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số Hội An đến năm 2023, định hướng đến năm 2030 (ban hành cuối tháng 11.2021), mục tiêu đến năm 2030 TP.Hội An chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thành phố, đưa Hội An trở thành địa phương thuộc nhóm đầu của tỉnh về chuyển đổi số. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, để đạt mục tiêu đó, giải pháp nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số đồng thời phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Phải phát triển hạ tầng chính quyền số, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đồng thời đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4…
Một nhiệm vụ quan trong nữa là phát triển kinh tế số, thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số; thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh; phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số… Đặc biệt, để phát triển xã hội số, Hội An có kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người lao động và cộng đồng.
“Không có công nghệ thông tin thì hoạt động công sở không cách nào hiệu quả cao được. Phải làm chủ thông tin để phục vụ chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, làm cầu nối với nhân dân. Thành phố đã giao cho Phòng Văn hóa - thông tin lập Đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng Hội An - Đô thị thông minh” - ông Lanh nói.