Cải cách hành chính trên môi trường điện tử: Lộ trình gian nan

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN - TÂM ĐAN 27/03/2022 07:33

Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là một trong những bước quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính. Quảng Nam đã tập trung triển khai quyết liệt để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khiến môi trường trực tuyến chưa thông suốt.

 

KHẨN TRƯƠNG VỚI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Tại Quảng Nam, nhiều địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh. Dù vẫn còn nhiều trục trặc nhưng nhìn chung nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả tích cực. 

Vào cuộc tích cực

Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều địa phương, đơn vị đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Đặc biệt, nhiệm vụ này được chú trọng sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16 ngày 14.10.2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh có Quyết định số 3441 ngày 24.11.2021 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16, cùng nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên khác của UBND tỉnh, Sở TT-TT, Sở Nội vụ.

Đến nay Quảng Nam đã có 1.476 dịch vụ công (DVC) được phê duyệt DVC mức độ 3, 4 (chủ yếu mức 4) trên tổng 1.839 thủ tục hành chính (TTHC); riêng cấp tỉnh có tới 1.181 DVC được phê duyệt mức 4.

Quảng Nam là địa phương thứ 2 có số DVC được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia cao nhất, với 1.433 DVC. Đó là quyết tấm rất lớn của tỉnh nhằm tạo cơ sở để các sở ngành, địa phương cụ thể hóa việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua DVCTT mức 3, 4.

Đặc biệt, ngày 1.3.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ban hành Chỉ thị số 04 về triển khai tháng cao điểm toàn tỉnh ra quân giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua DVCTT, trong đó yêu cầu tiếp nhận, giải quyết, thanh toán, trả kết quả hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện 100% bằng hình thức trực tuyến đối với các TTHC được UBND tỉnh phê duyệt DVC mức độ 3, mức độ 4 đã liên thông, tích hợp vào Cổng DVC quốc gia.

“Lệnh bài” này đang hối thúc các sở ngành đến chính quyền cấp huyện, xã phải bước vào “đường đua” và tăng tốc thực hiện DVCTT.

Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho biết, từ đầu tháng 3.2022 đến nay phường đã tiếp nhận, giải quyết hơn 170 hồ sơ TTHC; phấn đấu hết tháng 3 thực hiện khoảng 300 hồ sơ TTHC DVC mức 3, 4.

Nếu tính chung quý I năm 2022, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của phường Tân Thạnh đạt hơn 44%. Trong khi đó cả năm 2021 phường chỉ giải quyết vỏn vẹn 11 hồ sơ trực tuyến mức 3, 4.

Ông Ngọc cho rằng để có kết quả này không phải dễ. Địa phương phải tuyên truyền, hướng dẫn nhiều cách; tổ xung kích “công dân không viết” hoạt động liên tục để vận động, hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa.

Vẫn còn trục trặc

Để động viên, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, Quảng Nam mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp liên quan. Trong đó giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 47 ngày 8.12.2021 của HĐND tỉnh và Quyết định 3896 ngày 31.12 của UBND tỉnh.

Đặc biệt mới đây, tại Chỉ thị 04 ngày 1.3.2022, UBND tỉnh yêu cầu đối với TTHC mức độ 3, 4 đã được UBND tỉnh phê duyệt: “hồ sơ TTHC do cá nhân, tổ chức nộp trực tiếp thì người tiếp nhận tiến hành số hóa hồ sơ đầu vào, kiểm soát, ký số tài liệu, nộp thông qua tài khoản cá nhân, tổ chức và tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến; chuyển hồ sơ điện tử đến cơ quan giải quyết, không chuyển hồ sơ giấy (trừ các hồ sơ UBND tỉnh yêu cầu hoặc cho phép gửi bản giấy đúng theo quy định)”.

Nhiều người dân vẫn chọn làm TTHC theo hình thức truyền thống tại bộ phận một cửa. Ảnh: V.A
Nhiều người dân vẫn chọn làm TTHC theo hình thức truyền thống tại bộ phận một cửa. Ảnh: V.A

Điều này có nghĩa, để hỗ trợ người dân, nhân viên bưu điện hoặc công chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa phải “gánh” thêm việc.

Chị Bùi Thị Thúy (nhân viên Bưu điện Quảng Nam phụ trách tiếp nhận và trả kết quả TTHC ở lĩnh vực y tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công) chia sẻ: “Tôi biết đây là chủ trương tốt của tỉnh để “kéo” người dân đến với DVCTT. Bây giờ làm có mất thời gian và công sức nhưng tương lai nếu người dân quen với nộp hồ sơ điện tử thì chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Quảng Nam đã hỗ trợ tích cực người dân trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là các lỗi hệ thống, gây khó khăn cho cả cán bộ và công dân.

Ví dụ, vào cuối ngày 22.3 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Trà, một thanh niên đến từ xã Tam Tiến (Núi Thành) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp. Lần đầu tiên nộp hồ sơ trực tuyến, anh được nhân viên hướng dẫn thực hiện các bước đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ.

Sau hồi mày mò anh Trà nộp thành công và ngồi chờ nhận giấy hẹn. Tuy nhiên rắc rối là hệ thống trên cổng DVC bỗng dưng bị treo, buộc nhân viên phải nhập lại từ đầu trên hệ thống khác.

Theo một số nhân viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ TTHC tại đây, tình trạng hệ thống bị treo không phải là hiếm gặp. Bà Nguyễn Thị Lan (công chức bộ phận một cửa phường Tân Thạnh) phản ánh, nhiều trường hợp người dân đến làm TTHC được hướng dẫn nộp hồ sơ mức 4, sau khi thực hiện mọi thao tác, kể cả thanh toán điện tử thành công nhưng hệ thống vẫn báo lỗi, gây phiền hà cho công dân.

“Chúng tôi vận động họ nộp trực tuyến rất khó khăn nhưng khi họ làm rồi thì hệ thống gặp vấn đề. Dường như có gì đó chưa đồng bộ trong khâu thanh toán điện tử trên cổng DVC” - bà Lan chia sẻ.

Trên diễn đàn báo chí, có ý kiến đánh giá “DVCTT như chiếc bánh đã được chuẩn bị ngon lành, mời người dân sử dụng, nhưng câu trả lời từ thực tiễn lại cho kết quả không như vậy”.

Theo Bộ TT-TT, chất lượng DVCTT vẫn chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần dẫn đến thiếu mặn mà khi sử dụng DVCTT. Đặc biệt là tâm lý muốn gặp trực tiếp cán bộ thụ lý hồ sơ để an tâm là việc của mình sẽ được giải quyết… Đây vẫn là những thách thức gây cản trở trong cải cách TTHC và thực hiện DVCTT.

Vẫn còn lúng túng

Theo Văn phòng UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh tiếp nhận hơn 19.800 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có đến gần 6.000 hồ sơ được giải quyết mức 3, 4, đạt tỷ lệ gần 30%; nhiều sở ban ngành, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đã đạt hơn 50%.

Nhìn nhận về các mặt hạn chế trong chuyển đổi số của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chưa được đồng bộ, các nền tảng ứng dụng còn chưa được tập trung, dẫn đến khó khăn trong việc khai thác, chia sẻ thông tin. Trong khi đó, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

“Tỉnh tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về chính quyền điện tử đặt ra tại Nghị quyết số 33 ngày 17.9.2020 của HĐND tỉnh về phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với đó, quyết liệt chỉ đạo việc vận hành, sử dụng các ứng dụng CNTT tại các cơ quan đơn vị. Xây dựng công cụ giám sát, đánh giá việc vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Tỉnh xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan trong trường hợp các ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả” - ông Bửu nói.N.Đ

XÂY DỰNG CHỈ TIÊU, PHÂN RÕ TRÁCH NHIỆM

Bức tranh cải cách hành chính của tỉnh trong những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thành lập tổ xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thành lập tổ xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Cụ thể hóa bằng đề án

Mục tiêu công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của Quảng Nam là toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, kỷ cương, minh bạch, nâng cao chất lượng giải trình nhằm tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Điểm mới của kế hoạch CCHC năm nay của tỉnh là xây dựng cụ thể hóa bằng các đề án và giao nhiệm vụ thực hiện cho mỗi cơ quan, đơn vị.

Theo ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), UBND tỉnh xây dựng 41 chỉ tiêu, nhiệm vụ và 7 đề án; phân định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn và kết quả phải đạt được đồng bộ trên 7 lĩnh vực CCHC theo Quyết định số 3805 ngày 25.12.2021.

Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án cải thiện và nâng cao vị thứ xếp hạng các Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Các đơn vị, địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC và chuyển đổi số. Có thể kể đến như, UBND TP.Hội An đã ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số SIPAS năm 2022; công bố kết quả đánh giá, xếp hạng CCHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường năm 2021.

UBND các địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Duy Xuyên phát động đợt thi đua cao điểm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tại Thăng Bình, UBND huyện phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC gắn với kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện và chọn ngày thứ Năm hằng tuần hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế ban hành kế hoạch tuyên truyền về chuyển đổi số, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022…

“Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04 ngày 1.3.2022 về thực hiện tháng cao điểm giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo đó, xác định các tháng cuối quý trong năm là tháng tăng tốc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định về việc giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các TTHC sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh” – ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) nói.

Tăng cường hiệu quả phối hợp

Qua tổng hợp trên hệ thống một cửa điện tử, tính đến ngày 22.3.2022, sau gần 1 tháng triển khai Chỉ thị 04 của UBND tỉnh, về số lượng hồ sơ TTHC mức độ 4: có 3.234/15.147 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến và trực tiếp, tỷ lệ 21,27%. So với tháng 2, chỉ tăng 0,34%. Như vậy so với yêu cầu của Chỉ thị 04, mức chuyển biến chưa cao.

Nhân viên Bưu điện Quảng Nam hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến khi đến làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp. Ảnh: V.A
Nhân viên Bưu điện Quảng Nam hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến khi đến làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp. Ảnh: V.A

Để tạo đột phá về cải cách TTHC như định hướng của tỉnh, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, trước hết, tăng cường tính hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa các ngành, địa phương, giữa cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; và có cơ chế kiểm tra, đôn đốc công việc.

Cùng với đó, toàn tỉnh tập trung các nhiệm vụ trong cải cách TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trọng tâm là cải thiện tỷ lệ từng hồ sơ giải quyết đúng hạn trên từng lĩnh vực cao hơn so với năm 2021; các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phải được tiếp nhận và phấn đấu giải quyết sớm.

Tổ chức tháng hành động “Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trong ngày” sau khi đủ điều kiện tiếp nhận giải quyết theo quy định. Rà soát, cắt giảm tối thiểu 10% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền giải quyết các TTHC cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy định. Những trường hợp không giải quyết kịp thời phải có thông báo, thư xin lỗi theo quy định.

Theo bà Hoa, đối với các hồ sơ thuộc danh mục TTHC mức độ 3, 4 đã được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo đúng quy định.

Hạn chế thấp nhất việc giải quyết hồ sơ theo hình thức trực tiếp đối với các TTHC đã phê duyệt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Bên cạnh đó chú trọng đến công tác siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ

Hạ tầng công nghệ thông tin đóng vai trò “đi trước mở đường” trong thực hiện chuyển đổi số và góp phần cải cách hành chính.

Việc đầu tư hạ tầng CNTT, hạ tầng số giúp thúc đẩy chuyển đổi số. Trong ảnh: Huyện Thăng Bình khai trương Trung tâm Điều hành thông minh IOC. Ảnh: V.A
Việc đầu tư hạ tầng CNTT, hạ tầng số giúp thúc đẩy chuyển đổi số. Trong ảnh: Huyện Thăng Bình khai trương Trung tâm Điều hành thông minh IOC. Ảnh: V.A

Chuyển đổi đồng bộ

Không phải là địa phương được chọn xây dựng chuyển đổi số (CĐS) cấp xã (xã thông minh), nhưng thời gian qua xã Quế Phú (Quế Sơn) đã đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần đưa địa phương dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính năm 2021.

Đến nay, 8/8 thôn của xã Quế Phú đã có đường truyền internet băng rộng, được phủ sóng 3G, 4G; 8/8 thôn có camera an ninh và đèn năng lượng mặt trời. Tỷ lệ hộ gia đình có internet cố định chiếm khoảng 50%, hộ gia đình có máy tính chiếm khoảng 40%.

Toàn xã có hơn 8.000 thuê bao di động, trong đó 100% hộ nghèo có điện thoại di động… Bên cạnh đó, hạ tầng và các nền tảng số xây dựng chính quyền điện tử cũng được đầu tư và ứng dụng kịp thời như hội nghị truyền hình, các phần mềm dùng chung Q-office, một cửa điện tử cùng nhiều hệ thống liên quan.

Ông Đồng Thanh Quang (công chức Văn phòng Thống kê xã Quế Phú) chia sẻ: “Việc ứng dụng CNTT đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành, chỉ đạo và giải quyết công việc cho cá nhân, đơn vị tại cơ quan.

Thời gian đến chúng tôi đề xuất cấp trên hỗ trợ đảm bảo an ninh mạng, nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh, triển khai đồng bộ phần mềm Qoffice giữa cơ quan nhà nước, Mặt trận, đoàn thể; tiếp tục đào tạo nâng cao kỹ năng cho cán bộ…”.

TP.Tam Kỳ là địa phương đi đầu trong CĐS. Ngay trong quý I.2022, thành phố đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Viettel, VNPT… để hỗ trợ đẩy mạnh CĐS tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp về cách tiếp cận, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết UBND thành phố tập trung triển khai đảm bảo hạ tầng số để người dân tiếp cận, hưởng lợi từ CĐS. Theo đó, 85/85 nhà văn hóa thôn, khối phố và một số điểm công cộng như chợ, công viên sẽ được trang bị wifi để phục vụ người dân sử dụng internet miễn phí và nâng cao đời sống văn hóa gắn với phát triển xã, phường thông minh.

Các thôn, khối phố thành lập tổ công nghệ cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” thực hiện CĐS. Thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp ví điện tử, tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền sử dụng ví điện tử, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hình thành thói quen sử dụng điện thoại thông minh cho các nhu cầu khác như nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Bố trí nguồn lực phù hợp

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, do xu thế phát triển của công nghệ, yêu cầu về triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý ngày càng nhiều, khối lượng dữ liệu điện tử phát sinh trong quá trình tác nghiệp, vận hành các hệ thống ngày càng tăng, đòi hỏi năng lực đáp ứng của hạ tầng CNTT ngày càng cao.

Trong khi hạ tầng CNTT của tỉnh còn một số hạn chế. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT của tỉnh để đáp ứng yêu cầu về triển khai chính quyền số là cấp thiết.

Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ CĐS của tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ như VNPT, Viettel đồng hành. Đại diện Viettel Quảng Nam chia sẻ, để người dân được thụ hưởng từ CĐS thì cần đảm bảo hạ tầng CNTT, đường truyền internet, sóng di động.

Theo đó, Viettel đang nỗ lực để cung cấp đường truyền internet, sóng di động, kể cả phổ cập điện thoại thông minh cho người dân tại 13 xã, phường trong tỉnh mà Viettel Quảng Nam được phân công hỗ trợ xây dựng xã thông minh. Bên cạnh đó, Viettel đang đẩy mạnh phổ cập hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trong tỉnh…

Tại các cuộc làm việc gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thường xuyên lưu ý các sở ngành, địa phương hằng năm phải bố trí nguồn lực phù hợp cho CĐS và CCHC. Trong đó cần dành kinh phí cho số hóa và cơ sở dữ liệu. Ngoài kinh phí CĐS tỉnh cấp cho mỗi xã 100 triệu đồng, mỗi huyện 1 tỷ đồng, các địa phương cần soát xét để hằng năm bố trí nguồn lực đầu tư cho CĐS, CCHC đạt ít nhất 2% trong tổng ngân sách địa phương.

Các địa phương cần thành lập ngay tổ công nghệ cộng đồng, lắp đặt hệ thống camera, phổ biến bản đồ thể chế để theo dõi kết quả triển khai CCHC. Các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục lắp đặt, nâng cấp đường truyền internet miễn phí tại các thôn, khối phố…

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Quảng Nam đang quyết tâm mạnh mẽ để đạt các mục tiêu, nâng cao vị thứ trong chuyển đổi số và cải cách hành chính. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận một số ý kiến góp ý, đề xuất liên quan về chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Giới thiệu về các hệ thống tích hợp trên IOC huyện Bắc Trà My. Ảnh: V.A
Giới thiệu về các hệ thống tích hợp trên IOC huyện Bắc Trà My. Ảnh: V.A

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiêm Trưởng ban Chỉ đạo về cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh: Tập trung nâng thứ hạng các chỉ số

 

Năm 2022 là năm đầu thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo về cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số tỉnh, có ý nghĩa tạo đà cho việc hiện thực hóa quyết tâm đến năm 2025 Quảng Nam đứng vào top 10 các tỉnh thành dẫn đầu về chuyển đổi số và thuộc nhóm 20 các địa phương dẫn đầu về CCHC.

Theo đó, cùng với việc chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa chương trình công tác của ban chỉ đạo, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục hạn chế trong việc vận hành, sử dụng phần mềm một cửa điện tử; cập nhật, công khai thông tin trên Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số; hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp xã trước tháng 6.2022; tập trung ưu tiên triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực đề ra tại Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đánh giá, phân loại mức độ, kết quả thực hiện CCHC và chuyển đổi số của các cấp, ngành, địa phương; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số: CCHC; năng lực cạnh tranh; hiệu quả quản trị và hành chính công; sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính

 

Nhiệm vụ quan trọng của ngành nội vụ là công tác quản lý cán bộ. Muốn quản lý cán bộ hiệu quả thì phải số hóa, không thể làm thủ công như hiện nay.

Đặc biệt, công tác CCHC cần phải tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó lưu ý nội dung đột phá là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cũng như đột phá trong chuyển đổi số là xây dựng cơ sở dữ liệu.

Ngành nội vụ, ngoài tham mưu công tác CCHC nói chung cho tỉnh thì chính trong nội bộ ngành cần dành sự quan tâm thích đáng cho CCHC, để làm sao cải tiến thứ hạng Quảng Nam thông qua các chỉ số CCHC.

Ngành nội vụ cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác phân cấp, phần quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát trong giải quyết TTHC, hạn chế đùn đẩy lên cấp trên. Cấp nào giải quyết tương ứng vị trí cấp đó. Không thể cấp trên giải quyết những sự việc sự vụ, cấp dưới lại giải quyết những việc chung, vĩ mô.

Ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Cần chế tài trong thực hiện chuyển đổi số và   cải cách hành chính

 

Đích cuối cùng phải nhắm tới của chuyển đổi số và CCHC là “nhanh, gọn, hiệu quả”. Để đạt được, yếu tố xuyên suốt đầu tiên là con người, trong đó con người phải biết ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng. Không thể mạnh ai nấy làm, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; phần mềm, dữ liệu của sở này phải dùng được cho sở khác.

Tỉnh đã ban hành nhiều đề án thí điểm đánh giá cán bộ công chức trong CCHC. Nhưng tình trạng “đều đều” trong thực thi nhiệm vụ vẫn xảy ra. Do đó cần có chế tài chứ không thể đánh giá rồi để đó, công việc được giao cứ làm đều đều, lên không lên, mà xuống không xuống thì đánh giá làm gì, làm sao tạo ra sự đột phá trong giải quyết TTHC?

VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN - TÂM ĐAN