Phát huy hiệu quả trung tâm điều hành thông minh: Yếu tố chính vẫn là con người

ĐÔNG ANH 04/03/2022 06:15

Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) là bước đi quan trọng của quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, để IOC phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, vấn đề không chỉ dừng ở hạ tầng công nghệ.

Huyện Bắc Trà My phối hợp với Viettel Quảng Nam đưa vào vận hành IOC huyện từ năm 2021. Ảnh: VINH ANH
Huyện Bắc Trà My phối hợp với Viettel Quảng Nam đưa vào vận hành IOC huyện từ năm 2021. Ảnh: VINH ANH

Nhiều địa phương vào cuộc

Sau huyện Duy Xuyên và Bắc Trà My khai trương IOC trong năm 2021, chỉ trong vài tháng đầu năm 2022 đã có thêm 3 địa phương (Nông Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình) đưa IOC huyện vào vận hành. Với sự vào cuộc cùng lúc của 2 doanh nghiệp VNPT và Viettel, dự kiến thời gian tới sẽ còn nhiều huyện đưa vào vận hành IOC.

Thăng Bình là huyện thứ 5 đưa vào vận hành mô hình này. Thời gian qua, địa phương đã dành nhiều nguồn lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Từ chỗ chỉ số ứng dụng CNTT ICT INDEX ở vị trí cuối bảng, trong 2 năm qua huyện Thăng Bình đã vươn lên top dẫn đầu của tỉnh.

Từ chỗ rất ít cơ quan, địa phương ứng dụng các phần mềm trong xử lý hồ sơ, giải quyết công việc hàng ngày thì đến nay tất cả các ngành, địa phương đều đã sử dụng các phần mềm quản lý một cách hiệu quả”.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương IOC huyện Thăng Bình. Ảnh: VINH ANH
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương IOC huyện Thăng Bình. Ảnh: VINH ANH

Theo ông Hùng, việc khai trương IOC là bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh tại Thăng Bình. IOC huyện Thăng Bình được xây dựng với mục tiêu, trọng trách là hệ thống nền tảng, cốt lõi quan trọng phục vụ cho sự hình thành một đô thị thông minh tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Lãnh đạo nhiều địa phương mong muốn việc đưa vào vận hành IOC sẽ giúp công tác chỉ đạo điều hành hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn kỳ vọng, IOC huyện Nông Sơn sẽ là bộ não số, giúp lãnh đạo huyện có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi hoạt động ở tất cả lĩnh vực. Qua đó đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng tính hiệu quả trong quá trình giám sát, điều hành công việc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, việc khai trương và đưa IOC huyện đi vào hoạt động sẽ tạo phong cách chỉ đạo, điều hành mới, từ cách làm truyền thống sang cách ra quyết định chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu số.

Đặc biệt, thông qua IOC, tính tương tác giữa người dân với chính quyền được tăng cường, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Cần gì để “thông minh”

Hiện nay, VNPT Quảng Nam và Viettel Quảng Nam là 2 doanh nghiệp tiên phong trong cung cấp dịch vụ IOC. Từng doanh nghiệp đều có những thế mạnh riêng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ở giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp đang phối hợp với UBND các huyện đưa vào vận hành một số hệ thống giám sát điều hành cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội; chất lượng y tế, giáo dục; việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị; giải quyết dịch vụ hành chính công…

Vai trò của IOC trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh đã được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng sau khi khai trương là làm thế nào để IOC thực sự phát huy hiệu quả.

Việc đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là cần thiết, nhưng nhận thức, sự vào cuộc của cán bộ, công chức từng ngành, địa phương trong cập nhật, chia sẻ dữ liệu mới đáng quan tâm.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, IOC phải là nơi tổng hợp tất cả các dữ liệu về kinh tế - xã hội của huyện, từ đó phân tích, đưa ra dự báo, cảnh báo nhằm hỗ trợ lãnh đạo chỉ đạo, điều hành.

Và, để IOC “sống” được thì ngay bây giờ lãnh đạo huyện cần yêu cầu tất cả các báo cáo của ngành, địa phương phải nhập dữ liệu vào IOC, không báo cáo bằng giấy.

Ngoài ra cần xây dựng quy chế vận hành, quy định về chia sẻ dữ liệu và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị quản lý vận hành, cập nhật dữ liệu...

Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam nói: “Chuyển đổi số là thay đổi. Thay đổi một thói quen đã khó, thay đổi thói quen của cả tập thể, hệ thống sẽ khó hơn nhiều...

Để nâng cao tính ổn định của hệ thống IOC, VNPT Quảng Nam cam kết phối hợp, hỗ trợ vận hành hệ thống 24/7; đồng thời huy động đội ngũ tư vấn, chuyên gia thực hiện các nội dung công việc để đảm bảo IOC hoạt động hiệu quả”.

Liên quan đến con người trong vận hành, khai thác IOC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, con người không phải chỉ nhân lực CNTT, cái chính là người tổ chức, cập nhật, phân tích số liệu. Trong đó, văn phòng UBND huyện và chánh văn phòng đóng vai trò quan trọng.

Động viên các địa phương vào cuộc mạnh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi phong cách làm việc qua môi trường điện tử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói: “Chuyển đổi số là việc không thể tránh. Hôm nay làm chắc chắn sẽ cực, vất vả cho mỗi cán bộ nhưng về sau sẽ khỏe, tiện lợi hơn rất nhiều”.

ĐÔNG ANH