Hiệp Đức nỗ lực chuyển đổi số

ANH ĐÔNG - MAI NHI 25/02/2022 07:18

Hiệp Đức là địa phương thứ 4 của tỉnh, sau huyện Duy Xuyên, Bắc Trà My và Nông Sơn khai trương IOC. Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hiệp Đức (1972 - 2022).

Khai trương IOC huyện Hiệp Đức. Ảnh: S.A
Khai trương IOC huyện Hiệp Đức. Ảnh: S.A

Bước đi cụ thể

Giới thiệu về IOC huyện Hiệp Đức, ông Trần Thọ - Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện cho biết, IOC huyện Hiệp Đức do UBND huyện phối hợp VNPT Quảng Nam xây dựng. Giai đoạn 1, huyện thí điểm 6 hệ thống giám sát điều hành gồm các lĩnh vực: hành chính công; quản lý văn bản; y tế; giáo dục; kinh tế - xã hội; xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.

Trong đó, hệ thống giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp, hiển thị biểu đồ các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách… của huyện phục vụ theo dõi, phân tích các chỉ số thống kê.

Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn số liệu của Chi cục Thống kê huyện, Phòng Tài chính, hệ thống thông tin báo cáo (LRIS) của huyện, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu báo cáo tổng hợp khác.

Đến năm 2025, huyện Hiệp Đức đặt mục tiêu có 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh, huyện, xã; 100% xã, thị trấn triển khai thực hiện xây dựng CĐS cấp xã...

Thông qua nền tảng công nghệ số, dữ liệu số sẽ được cập nhật liên tục, thường xuyên, IOC huyện Hiệp Đức sẽ là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của huyện trên tất cả lĩnh vực, giúp lãnh đạo huyện chỉ đạo, điều hành hoạt động.

Đặc biệt, hệ thống cung cấp ứng dụng IOC trên điện thoại di động, máy tính bảng hỗ trợ cho lãnh đạo huyện dễ dàng giám sát, khai thác dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức kỳ vọng, việc khai trương và đưa IOC huyện Hiệp Đức đi vào hoạt động sẽ tạo phong cách chỉ đạo, điều hành mới, từ cách làm truyền thống, sang cách ra quyết định chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) cũng như xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền thông minh.

Theo ông Nam, vấn đề quan trọng là cần thực hiện khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin từ IOC. Muốn vậy cần phải đảm bảo nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện cũng như xã, thị trấn.

Thời gian đến, Hiệp Đức mong muốn Sở Thông tin và truyền thông, VNPT Quảng Nam đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn để huyện khai thác hiệu quả IOC. Đặc biệt cần nâng cấp, hoàn thiện thêm các hệ thống như cảnh báo cháy rừng, cảnh báo lũ…

Giới thiệu về các hệ thống tích hợp trên IOC huyện Hiệp Đức. Ảnh: S.A
Giới thiệu về các hệ thống tích hợp trên IOC huyện Hiệp Đức. Ảnh: S.A

Vào cuộc đồng bộ

Tham dự lễ khai trương IOC huyện Hiệp Đức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Hiệp Đức luôn coi trọng và dành sự đầu tư đáng kể nhằm phát triển công nghệ thông tin. Từ những năm 2011, huyện đã thực hiện “họp không giấy” tại các kỳ họp HĐND đến Huyện ủy, cùng nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính

Hoan nghênh trách nhiệm, cố gắng của huyện Hiệp Đức trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và việc đưa vào vận hành thử nghiệm IOC nói riêng, đồng chí Lê Văn Dũng mong muốn trong thời gian đến, các loại thông tin thông qua chính quyền sẽ được chuyển đến doanh nghiệp, người dân nhanh, thiết thực nhất.

Qua đó đem đến quyền lợi nhiều nhất cho người dân và doanh nghiệp; làm tốt việc này cũng đồng nghĩa chính quyền có trách nhiệm tốt hơn với người dân... Đồng thời đề nghị huyện Hiệp Đức triển khai CĐS đồng bộ; thôi thúc mỗi cán bộ, công chức rèn luyện phong cách làm việc trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay, thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS, Huyện ủy Hiệp Đức đã ban hành Chương trình số 08, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể theo thời gian.

Phòng VH-TT huyện đang tham mưu UBND huyện trình HĐND huyện ban hành đề án về CĐS. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ CĐS trên địa bàn Hiệp Đức đang ngày một hoàn thiện hơn.

Đến nay, 100% cán bộ công chức cấp huyện và hơn 95% cán bộ, công chức cấp xã đã được trang bị máy tính; hạ tầng mạng, hội nghị truyền hình trực tuyến đều được đầu tư đến 11/11 xã, thị trấn...

Ông Nam cho rằng, CĐS là nhiệm vụ mới, còn nhiều thách thức, nhất là với địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Hiệp Đức. Trong đó, thách thức lớn nhất về nhân lực và nhận thức về CĐS.

Làm sao để từng cấp ủy, chính quyền và các ngành cùng vào cuộc đồng bộ CĐS là vấn đề quan trọng. Do đó, ngoài việc đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực thì huyện cần hỗ trợ để nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng về CĐS, đi cùng với đầu tư, bổ sung hạ tầng, công nghệ.

ANH ĐÔNG - MAI NHI