Nông Sơn nâng cao chất lượng công vụ
Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện Nông Sơn thường xuyên quan tâm, chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Nỗ lực sắp xếp cán bộ dôi dư
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Ninh Phước được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Quế Phước và xã Quế Ninh.
Xã Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên 61,61km2, quy mô dân số 4.847 người. Sau khi thành lập xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn còn 6 xã (giảm 1 xã).
Sau sắp xếp, xã Ninh Phước dôi dư 23 cán bộ, công chức và 10 người hoạt động không chuyên trách. UBND huyện đã bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách cho 11 trường hợp, gồm 1 người nghỉ hưu trước tuổi và 10 người tuyển dụng thành công chức, viên chức cấp huyện. Đến nay, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của xã Ninh Phước đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo theo quy định.
Số lượng biên chế hiện tại của xã Ninh Phước là 33 người, vượt 12 người so với quy định (Ninh Phước là xã loại II, được bố trí tối đa không quá 21 cán bộ, công chức).
UBND huyện Nông Sơn đã xây dựng kế hoạch để điều động 12 công chức dôi dư đến công tác ở xã khác trên địa bàn huyện theo diện tăng thêm biên chế so với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện chủ trương không tuyển mới để dần sắp xếp ổn định theo lộ trình 5 năm đảm bảo số lượng biến chế theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đã góp phần giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực ngân sách.
Riêng năm 2020, ngân sách nhà nước tiết kiệm được hơn 950 triệu đồng sau khi sáp nhập 2 xã còn 1 xã, trong đó giảm chi tiền lương và phụ cấp gần 860 triệu đồng và giảm chi hoạt động hơn 54 triệu đồng.
Kế thừa và triển khai các nhiệm vụ theo quy định, trong năm 2020, 2021, xã Ninh Phước được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; cơ bản thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết HĐND cấp xã và chỉ tiêu được UBND huyện giao đạt yêu cầu đề ra.
Theo ông Hòa, cùng lúc trên địa bàn huyện triển khai thực hiện tinh giản biên chế, bố trí công an chính quy về xã và sắp xếp ĐVHC nên gây áp lực rất lớn đến việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ công chức cấp xã nói chung và đội ngũ công chức xã dôi dư tại ĐVHC xã mới nói riêng.
Trong khi cơ chế, chính sách để khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức nghỉ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi còn hạn chế nên việc vận động thực hiện tinh giản biên chế sau sáp nhập còn nhiều khó khăn.
UBND huyện Nông Sơn kiến nghị UBND tỉnh xem xét để huyện thực hiện lộ trình sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư trong vòng 5 năm theo quy định của Nghị quyết số 653 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời xem xét cho huyện thực hiện cơ chế, bố trí số lượng cán bộ công chức đang dôi dư của xã Ninh Phước đến làm việc tại các xã trên địa bàn huyện ngoài số lượng quy định tại Nghị định số 34 ngày 24.2.2019 của Chính phủ.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Nhiều năm qua, Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn đã phát huy trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong năm 2021, đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cụm miền núi, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.
Ông Mai Văn Bảy - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nông Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ của phòng thường xuyên trao đổi với các phòng, ban ở Sở Nội vụ để được hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phòng tổ chức giao việc và theo dõi sát sao tiến độ thực hiện hàng tháng của cán bộ, công chức.
Theo ông Bảy, ngoài các nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, quản lý đội ngũ cán bộ…, công tác cải cách hành chính được phòng tham mưu triển khai quyết liệt. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và UBND cấp xã được duy trì và thực hiện tốt; đến nay đã tiếp nhận 20.669 hồ sơ đảm bảo giải quyết đúng hẹn (đạt 100%).
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice mới được huyện Nông Sơn đưa vào sử dụng đồng bộ từ tháng 11.2020. Ông Bảy chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi văn bản điện tử là yêu cầu tất yếu. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo và quán triệt không còn “xách” văn bản giấy chạy qua chạy lại, tất cả công việc đi/đến, hồ sơ công việc… phải được trao đổi, xử lý qua mạng”.
Bà Đoàn Thị Lĩnh - cán bộ Bộ phận một cửa huyện Nông Sơn cho biết, trung bình mỗi ngày bộ phận tiếp nhận khoảng 30 - 40 văn bản đến và phát hành 10 - 15 văn bản đi. Vào thời điểm đặc biệt như dịch bệnh, mưa lũ, lượng văn bản đi và đến tăng đột biến.
Nếu như trước đây phải thực hiện qua nhiều thao tác, nhiều khâu, đi lại nhiều lần thì nay đều được xử lý trên máy tính. Việc này không chỉ góp phần rút ngắn tối đa thời gian nhận văn bản mà còn tránh bị thất lạc, thiếu sót trong quá trình trao đổi văn bản như trước.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, huyện Nông Sơn đang triển khai đầu tư một số hạng mục về hạ tầng kỹ thuật nhằm góp phần phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Trong đó, đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình liên thông đến 6/6 xã; lắp đặt hệ thống camera an ninh với 46 điểm ở 5/6 xã; thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh của huyện (IOC Nông Sơn); triển khai chứng thực điện tử phục vụ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến…