Sáng kiến “lấy lòng” người dân
Một “cuộc cách mạng” đến từ những sáng kiến trong lĩnh vực cải cách hành chính đã và đang tạo nên sự thân thiện, gần gũi phía sau cánh cửa dịch vụ công.
“Công dân không viết”
Đến Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ để giải quyết thủ tục hồ sơ, anh Bùi Quang Thuận (khối phố Xuân Bắc, Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) được “Đội xung kích hỗ trợ mô hình công dân không viết” tuyên truyền, hướng dẫn các lợi ích khi nộp hồ sơ trực tuyến, giới thiệu địa chỉ truy cập cổng dịch vụ công của thành phố và các danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
“Trong khi chờ đợi làm thủ tục, tôi được hướng dẫn tạo tài khoản và các bước thực hiện để thuận tiện nộp hồ sơ nếu sau này có nhu cầu sử dụng” - anh Thuận chia sẻ.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, mô hình “Công dân không viết” được triển khai từ ngày 23.8.2021. Qua theo dõi, thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 và hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tăng từng ngày.
“Mô hình đã góp phần chuyển ý thức công chức từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, đổi mới mạnh mẽ trong cách thực hiện thủ tục, xem công dân là “khách hàng” đúng nghĩa, hạn chế được nhiều sai sót, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho công dân, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân” - ông Ảnh thông tin.
Tra cứu dễ dàng, nhanh chóng
Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Kỳ Hà, công cụ hỗ trợ tra cứu các mặt hàng bách hóa, tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao đã trở thành bộ công cụ khá hữu hiệu cho cán bộ nghiệp vụ tại đơn vị, rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu so với phương thức truyền thống. Với giao diện đơn giản, dễ sử dụng, cán bộ nghiệp vụ tại Chi cục có thể khai thác dữ liệu nhanh, chủ động truy xuất dữ liệu, nhanh chóng thu thập thông tin dữ liệu doanh nghiệp.
Từ khâu này, công tác tổng hợp báo cáo danh sách doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bách hóa, tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao luôn được đảm bảo theo yêu cầu về chất lượng và thời gian. Giải pháp này đang được tiếp tục thực hiện, phát huy những mặt tích cực, có điều kiện nâng cấp để áp dụng cho toàn bộ đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh.
Tương tác qua Zalo
Với nền tảng mạng xã hội Zalo, một ứng dụng nhằm đa dạng hình thức điều hành công tác quản lý thuế, tuyên truyền chính sách đến người nộp thuế được anh Nguyễn Văn Đông (chuyên viên Cục Thuế tỉnh) xây dựng, phát huy lợi thế về tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú và khả năng dễ tiếp cận, chọn lọc và chia sẻ thông tin cho người dân có nhu cầu.
Được triển khai từ tháng 2.2021, kênh Zalo “Lãnh đạo ngành thuế Quảng Nam” và kênh Zalo “Cục Thuế tỉnh Quảng Nam” không chỉ chuyển tải nội dung kết quả điều hành công tác quản lý thuế đến đội ngũ cán bộ chủ chốt mà còn hướng đến người nộp thuế. Qua đó phổ biến nội dung chính sách thuế cho nhóm đối tượng là lãnh đạo công ty, kế toán doanh nghiệp, giúp những chủ trương, quy định mới nhanh chóng lan tỏa.
“Đến nay, đã có 60 tài khoản người dùng tham gia là công chức lãnh đạo ngành thuế và hơn 550 tài khoản tham gia kênh Zalo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, với hàng chục tin bài tuyên truyền thông tin chính sách thuế kịp thời, trong đó có các chính sách quan trọng về miễn giảm thuế, khai thuế, liên kết các video biên tập đa phương tiện hướng dẫn trực quan cho người nộp thuế. Chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến được nâng cao, khả năng tương tác của chính quyền trên môi trường mạng vì thế hiệu quả hơn” - anh Nguyễn Văn Đông nói.
Một “cuộc cách mạng” đến từ những sáng kiến trong lĩnh vực cải cách hành chính đã và đang tạo nên sự thân thiện, gần gũi phía sau cánh cửa dịch vụ công. Gần dân, vì dân, hướng đến sự hài lòng của người dân là thước đo, nguồn động lực để những sáng kiến tồn tại và thích nghi, góp phần vào chuyển động lạc quan của quê hương trong thời kỳ công nghệ số.