Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2030: Giảm mạnh số lượng xã

HÀN GIANG 07/01/2022 06:10

Giai đoạn 2022 - 2030 dự kiến Quảng Nam sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã. Nhìn lại 2 năm thực hiện sắp xếp ở một số địa phương để rút kinh nghiệm, vướng mắc lớn nhất mà nhiều ngành, địa phương cùng nhìn nhận là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư...

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Đ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Đ

Chưa hoàn thành theo lộ trình

Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, còn 241 xã. Theo đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn phải bố trí, sắp xếp 58 cán bộ, công chức dôi dư.

Qua 2 năm thực hiện, đến nay mới chỉ có Quế Sơn hoàn thành giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp xã Quế Cường và Phú Thọ để thành lập xã mới Quế Mỹ. Hai huyện Hiệp Đức và Nông Sơn còn 14 cán bộ, công chức dôi dư chưa thể giải quyết theo lộ trình 2019 - 2021.

Tại cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh mới đây, lãnh đạo hai địa phương kiến nghị tỉnh cho kéo dài thời gian giải quyết cán bộ, công chức dôi dư đến hết năm 2025 theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức nói, địa phương rất quyết liệt trong giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp xã Quế Bình và thị trấn Tân An thành lập thị trấn mới Tân Bình. Tổng số cán bộ, công chức thời điểm sắp xếp là 41 người, dôi dư 20 người so với số lượng được giao theo xã loại II.

Huyện đã chủ động rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, căn cứ vào yêu cầu của các chức danh, vị trí việc làm cùng với trình độ, chuyên môn và nguyện vọng của từng người để tiến hành bố trí phù hợp, đảm bảo theo quy định về số lượng, chất lượng.

Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với vận dụng các chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước, nhờ vậy đã sắp xếp ổn định 18 cán bộ, công chức dôi dư.

“Hai trường hợp dôi dư còn lại, chúng tôi dự kiến bố trí, sắp xếp xong trong năm 2022 để đảm bảo số lượng cán bộ, công chức của thị trấn Tân Bình theo quy định” - ông Tỉnh nói.

Giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp xã Quế Ninh và Quế Phước để thành lập xã mới Ninh Phước, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, đã giải quyết 11 trường hợp, trong đó chỉ có 1 người nghỉ hưu trước tuổi, còn lại tuyển dụng thành công chức, viên chức cấp huyện.

So với yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì chưa đạt. Đa số cán bộ hai xã cũ đều trẻ và việc bố trí, sắp xếp 12 trường hợp dôi dư (so với quy định đối với xã loại II) gặp khó khăn vì không thể một lần bố trí hết lên huyện, nhất là khi yêu cầu vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu.

“UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cho huyện thực hiện cơ chế điều động, bố trí các trường hợp dôi dư này đến công tác ở xã khác trên địa bàn huyện theo diện tăng thêm biên chế so với Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Huyện cũng thực hiện chủ trương không tuyển mới để dần sắp xếp ổn định theo lộ trình 5 năm tại Nghị quyết 653 đảm bảo số lượng theo quy định” - ông Hòa kiến nghị.

Cần chính sách hỗ trợ chung

Theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đi đôi với sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương với lộ trình hai năm là chưa phù hợp. Các địa phương nằm trong diện sắp xếp ĐVHC đã thực tiện tuyển dụng công chức năm 2018 nên số lượng định biên còn lại không nhiều. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp, do đó không thể thực hiện tinh giản biên chế theo các quy định khác.

Cũng theo bà Hoa, để chuẩn bị cho công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, cập nhập, bổ sung tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Nội vụ đã hoàn tất tổng hợp, xây dựng dữ liệu thông tin, số liệu (gồm quy mô dân số; diện tích tự nhiên; phân loại ĐVHC) của các địa phương cấp huyện, xã.

Theo đó, dự kiến giai đoạn tới có 51 ĐVHC cấp xã của tỉnh sẽ được sắp xếp. Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211 ngày 25.5.2016 và căn cứ định hướng, kế hoạch sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn tiếp theo của Trung ương, Tỉnh ủy, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp triển khai thực hiện kịp thời lộ trình theo thời gian quy định.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, bà Trần Thị Kim Hoa kiến nghị, ở giai đoạn tiếp theo, Trung ương cần xem xét ngoài quy mô dân số, diện tích ĐVHC, cũng phải tính toán về địa hình, phong tục tập quán… cho phù hợp. Còn nếu chỉ sắp xếp cơ học thì sẽ gặp nhiều vướng mắc phát sinh, và cần có phương án, lộ trình cụ thể, thống nhất, có quy chế đặc thù cho những ĐVHC được sắp xếp.

Đề nghị Trung ương giao Chính phủ xây dựng và ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã nhằm tạo sự đồng bộ, bởi thẩm quyền cấp tỉnh hiện nay chỉ giải quyết hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.

HÀN GIANG