Sức bật cho sự phát triển
Giai đoạn 2021 - 2025, công tác cải cách hành chính của Quảng Nam được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Một trong những kết quả nổi bật của công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016 - 2020 của Quảng Nam là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “chính quyền điện tử” có bước chuyển tích cực.
Hệ thống gửi và nhận văn bản điện tử, chữ ký số được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả từ cấp tỉnh đến huyện, xã; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt hơn 95%. Từ điểm cầu tỉnh có thể tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối đến 18 địa phương cấp huyện và 155 đơn vị cấp xã.
Đặc biệt Cổng dịch vụ công tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS) được đưa vào sử dụng góp phần đổi mới phương thức làm việc theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
“Từ kết quả đánh giá các chỉ số (Par Index; PAPI; PCI; ICT INDEX) cho thấy thời gian qua mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng Quảng Nam cơ bản chưa cải thiện được thứ hạng các chỉ số so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Do vậy, tỉnh cần tập trung cải thiện các lĩnh vực trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết tủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo...”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
Theo ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), trong kế hoạch CCHC của đơn vị, địa phương năm 2021 đã xác định rõ nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, tiến độ thực hiện, phân công cụ thể, rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, tạo sự chuyển biến, từng bước đưa công tác này thực sự đi vào nền nếp.
“Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương có chuyển biến rõ rệt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức.
Các sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn và chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân và tổ chức; tăng cường kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ” - ông Kiên chia sẻ.
Cụ thể hóa bằng đề án
Điểm mới trong kế hoạch CCHC năm 2022 là UBND tỉnh ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 ngày 14.10.2021 về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, của Tỉnh ủy gắn với từng nội dung, lĩnh vực cụ thể.
Với mục tiêu, CCHC phải tạo nên chuyển biến tích cực ở các ngành, lĩnh vực tạo động lực phát triển nền kinh tế trong tình hình bình thường mới của dịch Covid-19.
Cũng nhằm tạo sức bật cho sự phát triển từ việc đẩy mạnh CCHC, UBND tỉnh xác định tập trung cải thiện điểm số và nâng cao vị thứ xếp hạng đối với các Chỉ số CCHC (Par Index); Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT INDEX) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 bằng đề án chuyên đề - với nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam đã rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong đó thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
“Trong đề án, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện kết quả đạt được đối với từng chỉ số; xác định rõ những kết quả nổi bật đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đối với từng nội dung tiêu chí thành phần của từng chỉ số.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là xác định trách nhiệm của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc duy trì, cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số trên...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết.