Chuyển đổi số cấp tỉnh, nhìn từ thứ hạng 24/63
Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) vừa công bố, Quảng Nam là địa phương xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố về chỉ số DTI cấp tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, thứ hạng này đã phản ánh những nỗ lực, kết quả mà Quảng Nam thực hiện trong thời gian qua về chuyển đổi số (CĐS).
Hiện đại hóa nền hành chính
* Ông có thể nói rõ hơn về bộ chỉ số đánh giá CĐS cấp tỉnh. Trong bộ chỉ số ấy, ông có thể phân tích chỉ số mà Quảng Nam đã đạt được?
- Ông Hồ Quang Bửu: Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia được ban hành tại Quyết định số 1726 ngày 12.10.2020 của Bộ TT-TT. Bộ chỉ số CĐS bao gồm 3 cấp: chỉ số CĐS cấp tỉnh, cấp bộ và quốc gia. Chỉ số CĐS cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động CĐS; an toàn an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.
Năm 2020, Quảng Nam xếp hạng thứ 24/63 tỉnh thành về chỉ số đánh giá CĐS của các tỉnh (DTI) với điểm trung bình là 0,3264. Trong đó, điểm các chỉ số thành phần là: chính quyền số: 0,3539 (xếp hạng 31), kinh tế số: 0,2677 (xếp hạng 25), xã hội số: 0,3486 (xếp hạng 11). Mức điểm này cao hơn mức điểm trung bình của cả nước là 0,3026.
Bộ TT-TT cũng đã phân 63 tỉnh, thành phố thành 4 nhóm dựa trên điểm số trung bình đạt được. Quảng Nam nằm trong nhóm 2 - nhóm 22 tỉnh có điểm số trung bình từ 0,325 đến 0,4 điểm, thuộc nhóm khá của cả nước.
* Kết quả này phản ánh điều gì thưa ông?
- Ông Hồ Quang Bửu: Kết quả cho thấy Quảng Nam làm tốt khá nhiều mặt trong CĐS. Thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc CĐS đồng bộ, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đến nay tỉnh mới ban hành tạm thời bộ chỉ số đánh giá CĐS cấp xã. Về bộ chỉ số CĐS cấp sở, cấp huyện, UBND tỉnh đã giao Sở TT-TT chủ trì xây dựng trên cơ sở Bộ chỉ số của Bộ TT-TT và tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời nghiên cứu gắn kết với Bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các bộ chỉ số khác… để thuận lợi cho việc điều tra, thu thập số liệu cũng như tổng hợp, thống kê, đảm bảo yêu cầu phản ánh chính xác mức độ CĐS của các đơn vị.
Triển khai chính quyền số là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.
Quảng Nam đã triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Q-office, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số…
Các ứng dụng giúp kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4. Đến nay, toàn tỉnh cung cấp gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (chiếm 80% trên bộ thủ tục hành chính); hồ sơ trực tuyến cấp tỉnh đạt 47,75%.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các ứng dụng như Smart Quảng Nam, Tổng đài 1022 Quảng Nam... để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, thông báo, dịch vụ tiện ích của chính quyền; đồng thời có thể gửi các phản ánh, kiến nghị, khó khăn vướng mắc đến các cơ quan chức năng để được giải quyết.
Những kết quả này đã tạo cơ sở cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính trong công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Nỗ lực cải thiện chỉ số
* Cùng với những kết quả đạt được, thì đâu là hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong CĐS của tỉnh, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Bửu: CĐS là quá trình khó khăn, phức tạp do thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc, từ truyền thống sang môi trường số. Do đó, quá trình thực hiện CĐS sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc.
Đó là việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ.
CĐS đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi thực hiện CĐS đòi hỏi phải thay đổi quy trình, cách thức làm việc từ môi trường giấy sang môi trường số.
Tuy nhiên, việc xử lý công việc, hồ sơ trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn chủ yếu trên giấy tờ, trình độ CNTT của cán bộ, công chức còn hạn chế, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện CĐS.
Một số cơ chế, chính sách, quy định về giải quyết thủ tục hành chính hiện nay còn chưa phù hợp việc triển khai thực hiện trên môi trường điện tử, chưa có hướng dẫn cụ thể về triển khai áp dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân, đang gây trở ngại trong việc thực hiện CĐS.
Một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia CĐS. Quảng Nam chưa có đội ngũ chuyên gia CĐS ở các ngành, địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số. Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Hạ tầng cho CĐS như hạ tầng thanh toán điện tử, nhân lực thương mại điện tử và công nghệ, hạ tầng an toàn an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh... chưa đáp ứng được yêu cầu CĐS.
* Quảng Nam đặt mục tiêu đứng vào tốp 10 địa phương đi đầu về CĐS. Ông có thể cho biết những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chỉ số CĐS trong năm đến?
- Ông Hồ Quang Bửu: Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh CĐS, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các đơn vị. Để tiếp tục thúc đẩy CĐS, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS.
Trong triển khai, cần thực hiện đồng bộ CĐS từ trên xuống và từ dưới lên. Với cách tiếp cận “từ dưới lên”, mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân về truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Đi cùng với đó cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về CĐS. Đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu CĐS. Triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân. Hình thành “văn hóa số”, chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS để phát triển “xã hội số”, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.
* Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của “người đứng đầu” trong CĐS?
- Ông Hồ Quang Bửu: Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong CĐS là hết sức quan trọng. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Đồng thời tiên phong, đi đầu trong việc CĐS để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị.
Cần lấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết về CĐS là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, đơn vị.