Hiện đại hóa nền hành chính vì dân

TRƯỜNG ĐỒNG 20/10/2021 06:25

Quảng Nam quyết tâm tiếp tục theo đuổi mục tiêu thực hiện cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch.

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa 22) đã thông qua nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ảnh: N.Đ
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa 22) đã thông qua nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ảnh: N.Đ

Mục tiêu trên một lần nữa được bàn thảo, thống nhất thực hiện tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa 22) vừa qua và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 16 về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm xuyên suốt của Tỉnh ủy là xây dựng chính quyền liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Cùng nhận thức, cùng hành động

Nâng cao nhận thức để quyết liệt hành động, nghị quyết của Tỉnh ủy thể hiện rõ quan điểm: Công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam.

Các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt trong quá trình thực hiện, gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo.

Trong nhóm giải pháp đẩy mạnh CCHC, nghị quyết của Tỉnh ủy hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; phát huy hiệu quả đường dây nóng, hỏi - đáp trực tuyến để tiếp nhận phản ánh và xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu “4 tăng” (tăng tính công khai minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp); “2 giảm” (giảm thời gian thực hiện thủ tục; giảm chi phí tuân thủ); “2 không” (không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn).

Từng tập thể, cá nhân phải thay đổi lề lối làm việc trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, cung cấp tối đa các dịch vụ tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận, sử dụng.

Tỉnh ủy yêu cầu công tác CCHC phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả nội dung, có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, cùng suy nghĩ để tìm giải pháp, cách làm đột phá, đổi mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó cùng hành động bảo đảm thực chất, quyết liệt, đồng bộ.

Từng cấp, ngành, đơn vị phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có tư duy, khát vọng đổi mới, có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; qua đó hình thành bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết công việc và cùng tạo ra giá trị sản phẩm cho xã hội.

Đột phá trong từng phần việc

Thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Tỉnh ủy đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong tổ chức, hành động; xác định công tác CCHC là khâu đột phá quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cấp ủy, chính quyền phải đổi mới công tác phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC; ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện thí điểm thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng và tương đương.

Qua kiểm tra, giám sát, các cấp, ngành, đơn vị kiên quyết thay thế và xử lý kịp thời cán bộ, công chức, viên chức ở những nơi có dư luận nhũng nhiễu, tiêu cực, hiệu quả công tác thấp.

Cùng với nâng cao chất lượng giải quyết trên môi trường điện tử, Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Từng cấp, ngành cải cách tổ chức bộ máy; đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Toàn tỉnh tạo bước đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; tiến tới người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp mã định danh khi thực hiện thủ tục hành chính...

Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tổ dân phố, khu dân cư điện tử tại một số đơn vị cấp xã nhằm từng bước hình thành các cộng đồng dân cư có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cao, là cơ sở để xây dựng thành công chính quyền điện tử trên thực tế...

Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đến năm 2025 đạt:

- Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Quảng Nam thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền điện tử, chính quyền số.

- Tất cả thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng lại của tỉnh.

- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 90% trở lên; trong đó, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 85% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt 85% trở lên.

- Giảm ít nhất 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trừ biên chế sự nghiệp GD-ĐT và y tế) so với năm 2021.

- Có 90% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền thuộc tỉnh...

TRƯỜNG ĐỒNG