Nhìn lại 3 năm thực hiện sắp xếp lại thôn/tổ dân phố: Tinh gọn tổ chức, kiện toàn chức danh

HÀN GIANG 19/10/2021 06:15

Việc sắp xếp lại thôn/tổ dân phố kết hợp với kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đảm bảo các chức danh theo quy định, hoạt động đi vào ổn định, phát huy được vai trò nòng cốt trong các phong trào ở khu dân cư…

Sau khi sáp nhập từ thôn Kim Thành, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) tiếp tục được nâng lên. Trong ảnh: UBND xã Tam Thăng họp bàn chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với cán bộ thôn Kim Đới. Ảnh: N.Đ
Sau khi sáp nhập từ thôn Kim Thành, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn Kim Đới (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) tiếp tục được nâng lên. Trong ảnh: UBND xã Tam Thăng họp bàn chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với cán bộ thôn Kim Đới. Ảnh: N.Đ

Giảm lượng, nâng chất

Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh hoàn thành chủ trương sắp xếp lại thôn/tổ dân phố. Theo đó, đã giảm từ 1.719 thôn/tổ dân phố xuống còn 1.240 thôn/tổ dân phố. Từ kết quả này, các địa phương đã tiến hành bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở thôn/tổ dân phố theo Nghị quyết 02 ngày 21.4.2020 của HĐND tỉnh.

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, toàn tỉnh có 7.499 người HĐKCT dôi dư được chi trả hỗ trợ 1 lần theo Nghị quyết số 44, ngày 6.12.2018 và có 4.119 người HĐKCT dôi dư được chi trả hỗ trợ 1 lần theo Nghị quyết số 60, ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh, với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.

Theo Sở Nội vụ, hiện toàn tỉnh có 3.066 người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố. Việc sắp xếp lại thôn/tổ dân phố kết hợp với kiện toàn các chức danh người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn địa phương; làm giảm lượng lớn người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố, tiết kiệm chi ngân sách và tập trung đầu mối công việc.

Sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, toàn huyện Thăng Bình đã giảm từ 132 thôn/tổ dân phố xuống còn 106 thôn/tổ dân phố.

Theo ông Trương Văn Lý – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình, việc sắp xếp, sáp nhập thôn/tổ dân phố trên địa bàn huyện đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm số lượng thôn/tổ dân phố, đồng thời giảm số lượng người HĐKCT ở cơ sở.

Qua việc sắp xếp, củng cố lại các chức danh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố và tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách địa phương hằng năm. Chế độ cho các chức danh ở thôn/tổ dân phố một phần được nâng lên như: chế độ phụ cấp hằng tháng, được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng và bảo hiểm y tế.

“Hầu hết người HĐKCT ở thôn/tổ dân phố đã phát huy được vai trò nòng cốt trong mọi phong trào ở khu dân cư; giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần thực hiện tốt các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” – ông Lý nhìn nhận.

Theo bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ, sau khi thực hiện sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, chất lượng đội ngũ cán bộ ở thôn/tổ dân phố được nâng lên. Số lượng chi bộ thôn/tổ dân phố giảm và tăng số lượng đảng viên trong các chi bộ.

Tỷ lệ chi bộ có chi ủy sau sắp xếp lại thôn/tổ dân phố cao hơn trước (tăng hơn 9,53%); cùng với đó việc chú trọng công tác kiện toàn lại chi ủy chi bộ sau khi sáp nhập và thông qua việc thực hiện biểu quyết của tập thể chi bộ để đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ trước khi kết thúc buổi sinh hoạt (theo Quy định số 15, ngày 14.11.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở thôn/tổ dân phố.

Theo đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng nền nếp hơn. Việc sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung sinh hoạt cơ bản đã bám sát với những vấn đề nổi cộm, bức xúc cần giải quyết của địa phương.

Nhiều kiến nghị

Ngoài những điểm tích cực trong việc sắp xếp lại thôn/tổ dân phố, các địa phương cũng cho rằng, do diện tích rộng, dân số đông nên sau khi sáp nhập một số thôn/tổ dân phố gặp khó khăn trong hoạt động điều hành ở khu dân cư; nhất là trong công tác quản lý, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, vận động thu các khoản nghĩa vụ công dân.

Bí thư Chi bộ thôn 1 (xã Trà Cang, Nam Trà My) - Trương Thị Luôn cùng người dân tham gia lợp nhà truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Chi bộ thôn 1 (xã Trà Cang, Nam Trà My) - Trương Thị Luôn cùng người dân tham gia lợp nhà truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều thôn/tổ dân phố là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nên khó khăn trong công tác quản lý, dẫn đến tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.

Việc sử dụng cơ sở, thiết chế văn hóa của các thôn/tổ dân phố sau sáp nhập không được hiệu quả, nhiều cơ sở ít sử dụng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.

Còn nhà văn hóa thôn được sử dụng phục vụ sinh hoạt thì diện tích nhỏ so với dân số tăng lên, không nằm ở trung tâm của thôn nên việc tham gia hội họp của nhân dân gặp khá nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Thiên – Trưởng phòng Nội vụ huyện Núi Thành cho rằng, sau khi sáp nhập, rất nhiều thôn có từ trên 350 hộ đến trên 800 hộ và tổ dân phố có trên 550 hộ gia đình đến trên 1.000 hộ.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02, ngày 21.4.2020 của HĐND tỉnh không quy định mức phụ cấp cho chức danh phó trưởng thôn hoặc tổ phó tổ dân phố nên không thể vận động người đảm nhiệm các chức danh này; rất khó khăn tổ chức hoạt động ở cơ sở đối với những địa bàn rộng, dân số đông, tình hình trật tự xã hội phức tạp.

“Tỉnh nên thống nhất chủ trương thôn có từ trên 350 hộ gia đình và tổ dân phố có trên 550 hộ gia đình thì nên có thêm 1 phó trưởng thôn hoặc 1 tổ phó tổ dân phố để đảm bảo tổ chức hoạt động và cho hưởng phụ cấp hàng tháng ở chức danh này” – ông Thiên đề xuất.

Ông Lê Nguyên Hùng – Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Phước nói, theo quy định thì thôn loại I chi trả chế độ phụ cấp hằng tháng cho những người HĐKCT thôn với hệ số 1,66; còn lại thôn loại II, III thì hưởng phụ cấp 1,0. Thực tế, chênh lệch số hộ của thôn loại II và loại I không quá lớn nhưng chế độ phụ cấp thì chênh lệch lớn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chức danh ở thôn loại II.

“UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02 theo hướng thôn loại II được hưởng phụ cấp hàng tháng từ 1,0 như hiện nay lên 1,3 cho phù hợp với thực tế và đảm bảo công bằng hơn giữa các loại thôn” – ông Hùng kiến nghị.

HÀN GIANG