Rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính
(QNO) - Triển khai xây dựng đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)” của Chính phủ, ngày 7.10, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát, đánh giá TTHC và đề xuất phân cấp giải quyết đối với ít nhất 20% tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, địa phương.
Trong công văn gửi các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành; UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp giải quyết TTHC, gửi các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 20.10.
Trong đó, các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh xem xét, nghiên cứu kết quả rà soát của UBND cấp huyện trong quá trình rà soát, xây dựng phương án đề xuất phân cấp đối với TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; gửi biểu mẫu rà soát và báo cáo kết quả về UBND tỉnh; nhập liệu đầy đủ trên hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ trước ngày 30.10.
Theo hướng dẫn của UBND tỉnh, tiêu chí rà soát, đề xuất phân cấp giải quyết TTHC là mức độ phức tạp của thông tin, dữ liệu cần xác minh để giải quyết TTHC hoặc sự sẵn sàng chia sẻ thông tin, dữ liệu đã được số hóa, lưu trữ trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung; số lượng và mối quan hệ giữa các cơ quan tham gia giải quyết TTHC; quy mô của đối tượng, công việc được nêu trong TTHC; các điều kiện bảo đảm thực hiện TTHC của cơ quan được phân cấp.
UBND tỉnh yêu cầu bảo đảm phân cấp toàn diện, triệt để, hợp lý từ khâu tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC và phù hợp với khả năng thực hiện của cấp, cơ quan được phân cấp, để bảo đảm hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu quản lý nhà nước và hướng tới việc thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Việc triển khai thực hiện đề án của Chính phủ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề án yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.