Mục tiêu nằm trong tốp 10 của cả nước về cải cách hành chính: Quảng Nam chuẩn bị nền tảng con người và công nghệ
Thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy (khóa XXI), công tác công tác cải cách hành chính (CCHC) của Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện, đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực.
Song, theo đánh giá của lãnh đạo các sở, ngành, công tác CCHC của tỉnh còn chậm so với nhiều địa phương, chất lượng các chỉ số có nâng lên nhưng thiếu bền vững. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn, chuẩn bị đầy đủ hơn về con người và công nghệ, không thể cứ “lừng khừng” nếu muốn đạt mục tiêu lọt vào tốp 10 của cả nước về CCHC trong giai đoạn 2025 - 2030.
NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, công tác CCHC thực sự trở thành khâu đột phá trong quản lý, điều hành của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá tích cực.
Nâng chỉ số hài lòng
Những kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020 về tốc độ tăng trường GRDP (9,53%/năm), GRDP bình quân đầu người (năm 2020 đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015), phát triển doanh nghiệp (6.384 doanh nghiệp thành lập, vốn đăng ký 71.681 tỷ đồng)… có phần đóng góp quan trọng của công tác CCHC.
Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, một trong những kết quả nổi bật của công tác CCHC 5 năm qua là cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ đó, giảm 6.553 ngày giải quyết so với quy định của Trung ương, tiết kiệm chi phí khoảng 2 tỷ đồng/năm cho người dân, doanh nghiệp.
Điểm đột phá trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cùng Trung tâm Hành chính công các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An hoạt động hiệu quả theo quy trình 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả); nâng cấp bộ phận một cửa cấp huyện; đồng thời áp dụng phần mềm dịch vụ công cho cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong giải quyết TTHC.
Qua 3 năm triển khai khảo sát cho thấy, chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Cụ thể, chỉ số hài lòng năm 2018 chỉ đạt 79,67% đã tăng lên 83,14% ở năm kế tiếp và tăng lên 84,03% ở năm 2020.
“Từ kết quả khảo sát, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát toàn bộ quy định, chỉ đạo về CCHC, nghiên cứu những vấn đề được phát hiện qua khảo sát để nhanh chóng xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót, những vấn đề người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện chỉ số hài lòng” – ông Giang nói.
Từ năm 2016 đến năm 2020, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã, phường trên địa bàn thành phố đạt trung bình 94%.
“Qua khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng đã thu thập ý kiến của cá nhân, tổ chức để làm cơ sở đề ra các giải pháp cải thiện chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công và tinh thần trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng nói.
Nhìn nhận hạn chế
Về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhìn nhận, một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt, trong đó, Chỉ số CCHC ở vị thứ 15 - 20 trên bảng xếp hạng hằng năm của cả nước (năm 2018 tỉnh đứng 44/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 đứng thứ 35; năm 2020 đứng thứ 42).
Việc triển khai cơ chế một cửa”, một cửa liên thông còn thiếu sự đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ chưa tạo được quy trình thống nhất, thông suốt giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã nên dẫn đến chậm giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trên lĩnh vực đất đai, LĐ-TB&XH.
Ông Trương Hồng Giang cho rằng, đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ, thể hiện qua kết quả công bố đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC hằng năm. Mặc dù đã có chỉ đạo của tỉnh, nhưng một số đơn vị, địa phương chậm khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong kết quả CCHC; luôn nằm tốp cuối của chỉ số xếp hạng CCHC.
Sở Nội vụ đã hỗ trợ rất nhiều, song các đơn vị, địa phương này gần như không có giải pháp cụ thể để khắc phục dù nhiều tồn tại, hạn chế có thể khắc phục được như việc công khai các TTHC trên trang thông tin điện tử của các địa phương, bộ phận một cửa cấp huyện, xã, đặc biệt là không thực hiện thư xin lỗi trong giải quyết TTHC...
“Qua kết quả điều tra chỉ số hài lòng, đến gần 90% người dân đánh giá cơ quan nhà nước không thực hiện thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn, dù lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo phải nghiêm túc thực hiện tốt nội dung này” - ông Giang cho hay.
Vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những phản ảnh về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Qua kết quả điều tra Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của Bộ Nội vụ ở một số tiêu chí cho thấy, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức bị sụt giảm qua từng năm. Người dân cũng mong đợi rất nhiều vào việc cải thiện thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ và nâng cao năng lực của công chức trong thời gian tới.
TÌM CÁCH LOẠI BỎ SỰ TRÌ TRỆ
Công tác CCHC là nhiệm vụ khó khi tấn công vào “thành trì” gây ra sự trì trệ để làm chuyển biến cả một hệ thống, vậy nên cần có sự quyết tâm lớn, nhất là thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị.
Người đứng đầu phải vào cuộc
Một trong số chỉ tiêu cụ thể của công tác CCHC của tỉnh đến năm 2025 được đưa ra lấy ý kiến của các sở, ngành là phấn đấu nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%; về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.
Đồng thời thay đổi đột phá xếp hạng tỉnh ở các chỉ số đánh giá, quyết tâm đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong nhóm 6 tỉnh thành đứng đầu cả nước. Đến năm 2023, Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh thành dẫn đầu về chính quyền điện tử.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, dự thảo Nghị quyết về CCHC giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đang được xây dựng trình Hội nghị thứ 5 của Tỉnh ủy (khóa XXII) đề xuất một giải pháp thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Quảng Nam đối với công tác CCHC giai đoạn mới.
Đó là, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương đó chỉ đạt mức trung bình trở xuống; kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC 3 năm liên tục xếp hạng trung bình.
Nhiều lãnh đạo sở, ngành có chung quan điểm: Trong CCHC, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định. Công việc được giao rất nhiều, nhưng làm tốt công tác CCHC sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng đơn vị, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Là người được UBND tỉnh giao làm trưởng đoàn kiểm tra CCHC nhiều năm, ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, tất cả công việc được triển khai và được tham mưu kiểm tra CCHC đều thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu sở ngành, địa phương.
Báo cáo kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra đều có văn bản đôn đốc, nhắc nhở phải hoàn thành các nhiệm vụ theo mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, kết quả giải quyết vẫn “giậm chân tại chỗ” vì thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
“Giải pháp mà dự thảo nghị quyết đưa ra có thể khắt khe với lãnh đạo các đơn vị, nhưng theo tôi nên có giải pháp mạnh như vậy nhằm vận hành tốt nhiệm vụ CCHC ở giai đoạn mới” - ông Sinh nói.
Giải tỏa sự trì trệ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các mục tiêu dự thảo nghị quyết đặt ra là lộ trình để tỉnh thực hiện CCHC trong giai đoạn mới, nhưng khát vọng của Quảng Nam là phấn đấu nằm trong tốp 10 của cả nước về CCHC. Đây là động lực vừa là yêu cầu, bởi Quảng Nam xác định trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh (khóa XXII) là nằm trong nhóm tỉnh phát triển khá. Như vậy, không thể để CCHC, chuyển đổi số của tỉnh nằm ở nhóm trung bình.
“Quảng Nam nằm trong nhóm dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, yêu cầu đặt ra của chúng ta càng phải cao hơn nữa, phấn đấu nằm trong tốp 10 của cả nước về CCHC.
Có những nội dung CCHC tiếp tục phải làm gắn với đổi mới; cùng với đó, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ của từng cấp, ngành, với tinh thần phải nhìn nhận được những yếu kém, chọn ra vấn đề căn bản để giải quyết, tạo sự đột phá trong công tác CCHC đến năm 2025.
Kết quả CCHC của tỉnh phải có định lượng, đo đạc bằng số liệu, xếp hạng so với các tỉnh trong khu vực, cả nước” – ông Lê Trí Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm vụ đột phá của tỉnh cả giai đoạn trước và thời điểm bây giờ là tăng cường công tác CCHC. Quá trình này rất khó khăn, tỉnh đã làm được nhiều việc, nhưng cũng còn một số việc còn tồn tại, hạn chế kéo dài, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết công việc chung.
Các nguyên nhân đã được chỉ ra, song hơn lúc nào hết tỉnh cần chủ động tháo gỡ nhằm giải tỏa cho được sự trì trệ trong hệ thống hành chính, tổ chức bộ máy, bố trí công việc, quan hệ công tác, trình tự thủ tục hồ sơ…
“Quảng Nam khẳng định quyết tâm thực hiện tốt CCHC nhằm giải phóng sức sản xuất, sức năng động của xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lê Trí Thanh nói.
VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ, TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM
Báo Quảng Nam ghi nhận vài ý kiến của lãnh đạo tỉnh và sở ngành liên quan về giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để công cuộc CCHC đạt mục tiêu cao nhất.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Người dân phải được hưởng lợi
Những kết quả đạt được cho thấy lộ trình CCHC của chúng ta đang đi đúng hướng. Trong CCHC, cùng với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, vai trò của người đồng hành cực kỳ quan trọng. Nếu không có sự quyết tâm đồng lòng của nhiều người sẽ không dễ gì chèo đi được con thuyền CCHC. Các ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, bằng những kết quả cụ thể là người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi gì? Làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC?
Kết quả giải quyết TTHC của chúng ta còn chậm có nguyên nhân do cơ sở dữ liệu chưa được số hóa đầy đủ, đồng bộ. Chủ trương của tỉnh cố gắng đến ngày 1.10.2021 cơ sở dữ liệu mới của các sở, ngành phải được số hóa hết. Đến ngày 1.11.2021 tất cả cơ sở dữ liệu trước đây phải có phương án số hóa…
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT: Công nghệ thông tin chỉ là công cụ
Tồn tại lớn nhất hiện nay vẫn là yếu tố con người, công nghệ thông tin chẳng qua là công cụ, người dùng sử dụng không tốt sẽ không mang lại hiệu quả. Hiện nay nhận thức của người lãnh đạo, cũng như cán bộ, công chức lấy công cụ làm chính. Nghĩa là khi công việc không tốt thì đổ thừa cho công cụ.
“Hồ sơ tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả lời kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tăng khoảng 10 – 20% mỗi năm. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá nhỏ, từ 4% năm 2007 giảm xuống còn 0,4% năm 2020, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành và được người dân đánh giá cao. Hồ sơ trễ hẹn do phải chờ lấy ý kiến của bộ, ngành Trung ương và hầu hết đều thực hiện thư xin lỗi”.
(Ông Đinh Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh)
Trong chuyển đổi số, các ngành, địa phương phải xác định chuyển đổi số nội dung gì, cần cái gì khi chuyển đổi số. Lâu nay nói chuyển đổi số, từ chuyên viên đến lãnh đạo ngành có nhận thức là trách nhiệm của ngành TT-TT. Chuyển đổi số của ngành nào phải do ngành đó và bản thân người đứng đầu chịu trách nhiệm. Ở đây, phải được hiểu là ngành TT-TT chỉ trang bị “cái máy”, còn vận hành, sử dụng “cái máy” đó như thế nào cho hiệu quả là do đơn vị quyết định.
Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT: Cần có đánh giá khách quan
Chúng tôi rất trăn trở khi việc giải quyết TTHC của ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế và quan điểm của ngành là cố gắng thực hiện tốt nhất theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Tôi ủng hộ việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu, tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại cuối năm cần có cái nhìn khách quan hơn. Hồ sơ giải quyết trễ hẹn, không thực hiện thư xin lỗi thì chúng tôi sẽ khắc phục, chấn chỉnh.
Nhưng khi đánh giá đối với cơ quan, đơn vị, đặc biệt đối với người đứng đầu nên xem xét đến góc độ khối lượng công việc, khối lượng hồ sơ họ đã giải quyết trong một năm và tính trên đầu người/năm chứ đừng quá căng về tỷ lệ hồ sơ bị giải quyết trễ hẹn, như vậy chưa khách quan. Bởi trong năm, đơn vị giải quyết cả nghìn hồ sơ, tính chất đều rất phức tạp, cụ thể là ở lĩnh vực đất đai, trong khi chỉ chừng đó con người; sẽ khác so với đơn vị có khối lượng công việc ít hơn.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính: Người đứng đầu phải cương quyết
Quan điểm của tôi về giải quyết TTHC của ngành là nhanh nhất có thể và quá trình thực hiện nhiệm vụ này cần có sự minh bạch, rõ ràng giữa các bộ phận phấn đấu đạt được kết quả cao và chây ì để có khen thưởng, động viên hay phê bình kịp thời. Thực hiện CCHC cần lựa chọn những nội dung mang tính đột phá, đi vào trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn, mô hình mới, những chuyển biến rõ nét để làm đối chứng cho các nội dung CCHC chưa đạt.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết tâm phải cao, khi tầng nấc nào đó không quyết tâm với nhiệm vụ được giao thì cương quyết xử lý. Khi cán bộ có sai phạm sẵn sàng cho đứng qua bên, bố trí người khác thay thế để công việc trôi chảy. Việc xử lý đối với sai phạm mới dừng lại ở việc điều chuyển vị trí công tác, nhưng có giá trị giáo dục, rút ra bài học kinh nghiệm cho người cán bộ, công chức trong việc giải quyết nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Không hô hào, báo cáo suông”
Quảng Nam đã ban hành kế hoạch cải thiện các bộ chỉ số, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt xếp hạng thứ bao nhiêu đối từng bộ chỉ số theo đánh giá của Trung ương. Mục tiêu CCHC của tỉnh đặt ra rất cụ thể, lựa chọn được các nhiệm vụ đột phá gắn với giải pháp quyết liệt, chứ không phải hô hào chung chung.
Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, theo đó, từng ngành, địa phương cũng phải có kế hoạch CCHC. Sở Nội vụ xây dựng mẫu đánh giá CCHC theo chuẩn chung, với nội dung trong từng năm phải có đột phá cái gì, liệt kê vào đó, gắn với biện pháp, giải pháp, mục tiêu đặt ra.
Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh sẽ đến lúc chỉ nghe báo cáo trên phần mềm đo lường sự thay đổi về CCHC và chuyển đổi số ở các cơ quan và phân tích sự chuyến biến của từng chỉ tiêu, từng bộ tiêu chí, nội dung đăng ký của các sở, ngành, địa phương, vướng ở khâu nào, cấp nào trong mảng nào thì sẽ có chỉ đạo cụ thể nhằm tháo gỡ, chứ không báo cáo suông…