Quảng Nam phấn đấu nằm trong tốp đầu về cải cách hành chính
(QNO) - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định quyết tâm như vậy khi chủ trì cuộc họp lấy ý kiến góp ý hoàn thành báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 03 ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016 - 2020, giải pháp đến năm 2025 diễn ra sáng nay 1.9.
Chuyển biến tích cực
Dự thảo báo cáo đánh giá, giai đoạn 2016 - 2020 công tác CCHC trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện, đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực CCHC. CCHC thực sự trở thành khâu đột phá trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá tích cực.
Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,53%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 72,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015. Số lượng doanh nghiệp thành lập giai đoạn 2016 - 2020 là 6.384 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 71.681 tỷ đồng. Đã thu hút được 90 dự án FDI với tổng vốn khoảng 700 triệu USD.
Một trong những kết quả nổi bật đạt được là đã thực hiện thành công việc cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), đã giảm 6.553 ngày giải quyết so với quy định của Trung ương, tiết kiệm chi phí khoảng 2 tỷ đồng/năm cho người dân, doanh nghiệp. Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ, TP.Hội An; nâng cấp Bộ phận một cửa cấp huyện, đồng thời áp dụng phần mềm cả 3 cấp trong giải quyết TTHC.
Triển khai “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công Tam Kỳ, Hội An. Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước ngày càng được nâng lên. Kết quả điều tra Chỉ số hài lòng do tỉnh thực hiện: năm 2018 đạt 79,67%, 2019 đạt 83,14% và 2020 đạt 84,03%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trương Hồng Giang - Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ), những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC thể hiện rất rõ ở kết quả đánh giá chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hằng năm và kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Cụ thể đối với Par Index: năm 2016 Quảng Nam đứng thứ 32/63 tỉnh thành, 2017 đứng thứ 52, 2018 đứng thứ 44, 2019 đứng thứ 35 và 2020 đứng thứ 42. Đối với PAPI: năm 2016 đứng thứ 30, 2017 đứng thứ 27, 2018 đứng thứ 44, 2019 đứng thứ 22 và 2020 đứng thứ 21. Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) theo kết quả điều tra của Bộ Nội vụ: năm 2018 Quảng Nam đạt 83,31%, 2019 đạt 81,41%, 2020 đạt 80,98%.
Không để CCHC thuộc nhóm trung bình
Trên cơ sở thảo luận của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu, nghiên cứu bổ sung hoàn thành báo cáo đánh giá kết quả CCHC giai đoạn 2016 - 2020 bám sát theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy.
Trong đó, phần ưu điểm cần có phân tích làm rõ những công việc làm theo sự chỉ đạo của Trung ương dẫn đến đạt kết quả tốt. Cũng có những kết quả mà dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hệ thống chính trị các cấp và sự chủ động triển khai thực hiện dẫn đến có sự đổi mới, hiệu quả.
Trong việc đánh giá các mặt tồn tại, hạn chế, đối với nguyên nhân chủ quan phải được phân tích rõ: do tính hệ thống từ trên xuống dưới, tính không tương thích, hay do kéo dài từ năm này sang năm khác? Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để giải quyết, khắc phục hiệu quả.
Theo đồng chí Lê Trí Thanh, báo cáo cũng phải đưa ra được các kiến nghị liên quan đến Trung ương, cần tháo gỡ vấn đề gì, tập trung chỉ đạo vấn đề gì để công cuộc CCHC đạt được kết quả tốt hơn trong giai đoạn sắp tới, gắn với cuộc cách mạng số. Cạnh đó, kiến nghị vấn đề gì để Quảng Nam có thể đột phá trong CCHC, bởi mục tiêu Quảng Nam đặt ra không thể khác được và cần phấn đấu để đạt được. Quảng Nam không thể xếp trong nhóm trung bình về CCHC.
“Không có lý do gì CCHC của Quảng Nam không vươn lên tốp đầu được, tương tự đối với tổ chức bộ máy, con người, tài chính công, chuyển đổi số…, tất cả phấn đấu làm được hết. Đây là động lực vừa là yêu cầu, bởi Quảng Nam xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là phải nằm nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước, như vậy không thể để CCHC, chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm trung bình. Quảng Nam phấn đấu nằm trong tốp 10 của cả nước về CCHC trong giai đoạn 5 năm đến” - đồng chí Lê Trí Thanh phát biểu.