Nâng cao chỉ số cải cách hành chính: Không thay đổi sẽ khó cải thiện
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về kết quả đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ngành, địa phương năm 2020, Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Thị Kim Hoa nhìn nhận: Việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các sở, ngành, địa phương cơ bản duy trì theo chiều hướng tiến bộ tích cực, mặc dù bộ tiêu chí ban hành năm 2020 đặt ra yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn so với năm trước. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế nếu không kịp thời khắc phục sẽ khó cải thiện vị thứ trên bảng xếp hạng.
* Bà nhìn nhận như thế nào về kết quả đánh giá, xếp hạng CCHC năm 2020 của các sở, ngành, địa phương vừa được UBND tỉnh công bố?
Năm 2020, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử.
Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.
Phân tích Chỉ số CCHC năm 2020 cho thấy kết quả đạt được của các địa phương, đơn vị có xu hướng đồng đều hơn, khoảng cách giữa các sở, địa phương cũng thu hẹp hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo bà, những hạn chế còn tồn tại đã tác động như thế nào đến Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 của Quảng Nam, khi cả hai lĩnh vực đều giảm 7 bậc?
Kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 Quảng Nam đều giảm 7 bậc so với năm 2019 đã phản ánh một số tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC nói chung và chất lượng phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh.
Phân tích các chỉ số thành phần của những tỉnh, thành phố đứng đầu về Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cho thấy, thành công của các địa phương là nhờ thực hiện tốt cải cách TTHC, thông qua giảm thời gian và chi phí thực hiện; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với Quảng Nam vẫn còn tình trạng chậm tham mưu công bố, công khai và cập nhật TTHC tại một số sở, địa phương. Thậm chí, một số Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, cấp huyện vẫn còn công khai các quy định TTHC tại văn bản đã hết hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi tra cứu tìm hiểu và thực hiện TTHC.
Ngày 21.7.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2031 phê duyệt và công bố chỉ số CCHC của sở, ban ngành, cơ quan ngành dọc cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố năm 2020. Theo đó, khối sở, ban ngành: Sở Giao thông vận tải xếp vị trí thứ nhất, chỉ số CCHC đạt 92,99%; các vị trí thứ 2, 3 lần lượt thuộc về Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB&XH; xếp cuối cùng là Sở Tài nguyên và môi trường, đạt 78,77%. Khối cơ quan ngành dọc cấp tỉnh: dẫn đầu là Cục Thuế tỉnh, đạt 96,88%; các vị trí tiếp theo lần lượt là Cục Hải quan tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh. Khối huyện, thị xã, thành phố: xếp vị trí đầu tiên là TP.Tam Kỳ, đạt 84,79%; vị trí cuối cùng là huyện Tây Giang, đạt 65,27%.
Trước đó, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với kết quả đạt 83,46%, chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Quảng Nam xếp thứ 42/63 tỉnh thành, giảm 7 bậc so với năm 2019; đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Quảng Nam cũng giảm 7 bậc khi đạt 80,98% và đứng thứ 53, năm 2019 xếp thứ 46.
Một số địa phương cấp huyện, xã chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên các trang thông tin điện tử. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền và kéo dài trong nhiều năm, nhất là các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, chính sách người có công.
Vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những phản ảnh về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
* Kết quả phân tích từng tiêu chí của Chỉ số thành phần chỉ đạo, điều hành CCHC cho thấy, trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhiều cơ quan, đơn vị bị mất điểm ở tiêu chí thành phần “mức độ hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao”. Đây là nhiệm vụ quan trọng có tỷ trọng điểm khá lớn (31,57%) đối với nội dung tự đánh giá, chấm điểm. Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về công tác CCHC, Sở Nội vụ có đề xuất giải pháp gì khắc phục hạn chế này, nhằm cải thiện Chỉ số CCHC của tỉnh trong thời gian tới?
Thời gian qua, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự được quan tâm; công tác báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ trên phần mềm còn qua loa.
Vẫn tồn tại tình trạng nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn nhưng chưa cập nhật hoặc cập nhật muộn trên Hệ thống theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Từ đó dẫn đến nhiều sở, ngành, địa phương mất điểm ở nội dung này trong đánh giá Chỉ số CCHC năm 2020.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, cũng như chấn chỉnh việc theo dõi, đôn đốc, báo cáo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, tham mưu thành lập Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh; giao Tổ công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh...
Trân trọng cảm ơn bà!