Chậm chuyển đổi số sẽ đánh mất cơ hội phát triển
Quảng Nam đang có những bước đi nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong 5 - 10 năm đến về chuyển đổi số (CĐS). Bên cạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để tìm kiếm giải pháp kỹ thuật khả thi, Quảng Nam xác định vai trò quyết định thành công trong việc tận dụng thời cơ vẫn là do cấp chính quyền, người dân Quảng Nam. Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp và gợi ý của chuyên gia về vấn đề này.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Phải tạo chuyển động đến từng người dân
Quảng Nam đang tiếp cận CĐS ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên qua đánh giá sơ bộ hiện nay vẫn còn khá sơ khai. Dù vậy, với nhiệt huyết và khát vọng phát triển, lãnh đạo Quảng Nam đã khăn gói đi các nơi để học tập kinh nghiệm CĐS về áp dụng tại địa phương. Trải qua gần 10 năm, mặc dù đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn, tuy nhiên qua đánh giá, cảm thấy vẫn chưa hài lòng với bước đi của mình.
Trong các văn bản nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ, cũng như nghị quyết của Tỉnh ủy đều đặt mục tiêu hướng đến đưa Quảng Nam vào tốp 5 về CĐS. Vì vậy, thời gian đến, Quảng Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chuyên gia trong CĐS, từng bước ứng dụng hiệu quả công nghệ vào thực tiễn đời sống.
Đối với Quảng Nam, từ nhận thức chung của tập thể lãnh đạo, chúng tôi hành động nhằm CĐS trong mọi lĩnh vực của tỉnh. Trong đó, tận dụng lợi thế gần TP.Đà Nẵng, học tập kinh nghiệm từ thành công của địa phương này trong ứng dụng công nghệ. Đồng thời kết nối với các chuyên gia để có định hướng trong việc “đi tắt đón đầu” bằng các công nghệ mới phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ngoài ra, Quảng Nam sẽ tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, giúp áp dụng công nghệ vào công việc ở địa phương, đơn vị mình một cách cụ thể và hiệu quả. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tình hình mới, giai đoạn mới để hành động quyết liệt hơn về CĐS. Từ đó, có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho CĐS. Phải tạo chuyển động nhận thức thấm sâu đến từng người dân, chứ không chỉ dừng ở đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thời gian qua, Quảng Nam đầu tư cơ sở hạ tầng, các nền tảng công nghệ số, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai CĐS theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Thành bại chủ yếu do chuyển động nội tại
Quảng Nam đang bắt tay với một số tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm trong CĐS như FPT, VNPT… Sau các tập đoàn này còn có rất nhiều công ty công nghệ có thể hỗ trợ cho tỉnh. Bước đầu hợp tác, Quảng Nam đã làm được một số việc, như hình thành Trung tâm điều hành thông minh - IOC, các ứng dụng dùng chung “Egov - Quảng Nam”, “Smart Quảng Nam”… để phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như sự điều hành của chính quyền.
Tuy nhiên cần xác định rõ, việc CĐS thành công hay thất bại chủ yếu do chuyển động nội tại, do cấp chính quyền, người dân Quảng Nam, chứ không phải doanh nghiệp. CĐS cần sự chuyển động của toàn tỉnh, nếu sở, ban ngành nào không vào cuộc bây giờ thì sẽ thua, bị bỏ lại. Đây là kỷ nguyên số, nếu chúng ta không làm nhanh, quyết liệt CĐS thì sẽ chậm chân, bỏ qua vận hội.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh mong muốn các ngành, các cấp, người dân nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để thay đổi cách làm việc. Quảng Nam đi sau một số tỉnh nên có điều kiện chọn đường đi phù hợp. Nguồn lực dành cho CĐS phải nhắm đến cái gì hiệu quả mới thực hiện. Quảng Nam chọn hình thức chủ yếu là thuê dịch vụ, công nghệ, ít đầu tư. Bài học nhãn tiền là khi mình tự đầu tư thì sẽ nhanh lỗi thời; chúng ta thuê dịch vụ từ doanh nghiệp và họ sẽ đồng hành với mình.
Quảng Nam thực hiện CĐS bám theo nghị quyết của Tỉnh ủy, không phải làm cái nào trước cái nào sau, mà đi theo tổng thể trên tất cả thành phần kinh tế - xã hội. Tất cả đều phải lấy người dân làm trung tâm, phục vụ nhu cầu người dân từ cấp độ thấp đến cao với tinh thần “dễ dùng, dễ triển khai, mang lại hiệu quả cao”. CĐS phải được tiếp cận cả 2 chiều, từ trên xuống (các cấp chính quyền) và dưới lên (người dân).
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam (phiên bản 2.0). Lâu nay mình nói chính quyền điện tử nhưng không biết làm gì, thì nay với kiến trúc này sẽ mô hình hóa cho từng cấp. Đây là cơ sở để các cấp đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử kịp thời, chính xác. Theo tôi, giải pháp tối ưu cho CĐS là tất cả cơ quan ban ngành phải cùng bắt tay làm, từ cấp cao nhất trở xuống. Thứ hai là tiếp cận từ dưới lên bằng cách hướng dẫn, đào tạo từng người dân, với giải pháp đột phá trong GD-ĐT. Phải làm sao tuyên truyền về CĐS ngay trong trường học. Để từ đó xây dựng nhận thức và hành động CĐS cho thế hệ tương lai.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm: Cần hỗ trợ nguồn lực để miền núi CĐS
Tại Tây Giang và một số địa phương miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tiếp cận công nghệ cũng như triển khai nhiệm vụ CĐS gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Hệ thống mạng internet còn thiếu và yếu. Tại các xã vùng cao biên giới, đội ngũ cán bộ có kỹ năng sử dụng công nghệ số còn chưa nhiều, thậm chí thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
Từ thực trạng trên, bắt đầu từ tháng 6.2021, Tây Giang tái khởi động thực hiện văn bản số, chữ ký số, trao đổi thông tin văn bản… trên hệ thống mạng. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song Tây Giang rất chú trọng triển khai CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc điều hành công việc và phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Kinh tế số chiếm hơn 15% GRDP. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Phổ cập dịch vụ internet băng thông rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%...
Tuy nhiên, do hạ tầng mạng chưa đảm bảo, bởi doanh nghiệp cung cấp mạng chỉ đầu tư theo lĩnh vực, chủ yếu ở địa bàn thuận lợi, có điều kiện phát triển hơn, còn nhiều địa phương khó khăn - nhất là các xã biên giới đang bị “bỏ ngỏ”, chưa được đầu tư đồng bộ.
Vì thế, ngoài phần đầu tư của doanh nghiệp, tỉnh cần hỗ trợ thêm phần công ích để các địa phương miền núi có nguồn lực triển khai hạ tầng mạng internet, giúp hệ thống mạng được tỏa khắp đến người dân một cách đồng bộ và hiệu quả.
Qua thời gian triển khai CĐS theo hình thức ký số và xử lý văn bản số, tới đây, Tây Giang sẽ triển khai thêm dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống mạng internet, nhằm tạo thói quen giúp người dân tiếp cận dần công nghệ, qua đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại.
Nhưng, điều quan trọng nhất bây giờ, vẫn là hệ thống internet, phải có đường truyền đảm bảo đủ mạnh để việc triển khai nhiệm vụ CĐS đem lại hiệu quả hơn. Từ đây đến cuối năm, Tây Giang sẽ lắp đặt hệ thống camera phục vụ hội nghị trực tuyến kết nối đồng bộ từ tỉnh, huyện cho đến các xã với 12 điểm cầu, từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ...
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ: Đưa Tam Kỳ trở thành đô thị thông minh
Là thành phố trung tâm tỉnh lỵ, Tam Kỳ tiên phong trong CĐS, đăng ký với tỉnh sẽ là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này. Trong thời gian qua, Tam Kỳ đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần sự tư vấn để thành phố có bước đi vừa vững chắc vừa rút ngắn thời gian trong CĐS. Đó là hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu dù đầy đủ nhưng lại không kết nối, tích hợp để dùng chung; nhận thức về CĐS còn hạn chế từ cán bộ đến người dân; nguồn đầu tư cho công nghệ thông tin trong giai đoạn dài chưa tập trung quyết liệt; nhân lực công nghệ thông tin thiếu và yếu.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam (phiên bản 2.0). Mục tiêu của kiến trúc này nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, kế thừa thông tin và cơ sở hạ tầng thông tin; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan Nhà nước. Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế của tỉnh. Tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai chính quyền điện tử của tỉnh.
Sắp tới HĐND thành phố sẽ ban hành nghị quyết riêng về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tam Kỳ đã ký kết với doanh nghiệp FPT để đẩy nhanh CĐS. Thành phố đang xúc tiến hỗ trợ FPT trong thành lập trường liên cấp từ mẫu giáo đến THPT; hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo của FPT tại Tam Kỳ…
Thành phố mong nhận được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp về tư vấn xây dựng chương trình hành động liên quan đến thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Đồng thời tư vấn, phản biện quá trình xây dựng đô thị thông minh; đưa dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4, thanh toán trực tuyến lệ phí giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ đào CĐS cho lãnh đạo, cán bộ từ thành phố đến xã, phường; giúp doanh nghiệp, hộ gia đình bán sản phẩm trên nền tảng công nghệ số.
Với tinh thần phải đi nhanh trong CĐS, Tam Kỳ đặt mục tiêu đến năm 2025, người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà, qua hệ thống công nghệ không cần đến cơ quan Nhà nước nhưng có thể làm được các thủ tục hành chính, được cung cấp thông tin. Đặc biệt là làm sao để thành phố sớm xây dựng được kho dữ liệu và làm giàu cơ sở dữ liệu dùng chung được số hóa; xây dựng ứng dụng (app) dùng chung cho người dân toàn thành phố…
Hiện nay, tỉnh giao nhiệm vụ mỗi địa phương cấp huyện được chọn một đơn vị xây dựng xã, phường thông minh nhưng lãnh đạo thành phố sẽ đề xuất chỉ lấy một phường làm thử nghiệm và đăng ký luôn với tỉnh xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị thông minh.
Giám đốc vận hành nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn Trịnh Ngọc Bảo: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương thức làm việc số
Thấu hiểu các thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải, chúng tôi mong muốn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp của Quảng Nam chuyển đổi phương thức làm việc, làm chủ các quy trình số, dữ liệu số để kiến tạo các doanh nghiệp số, lãnh đạo số, nhân viên số, sẵn sàng hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0. Với lợi thế là một nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến số 1 ở Việt Nam, Base.vn có thể giúp doanh nghiệp Quảng Nam dễ dàng lựa chọn các ứng dụng để giải quyết các bài toán của mình với chi phí hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình: Sẵn sàng đồng hành với Quảng Nam
Là một người con của quê hương Quảng Nam, cá nhân tôi và FPT nói chung sẵn sàng “đồng tâm hiệp lực” với tỉnh trong CĐS. FPT sẽ đồng hành với tỉnh thúc đẩy CĐS theo đúng tinh thần của cụ Phan Châu Trinh, đó là “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”. Chúng tôi mong muốn Quảng Nam sẽ là một trong những địa phương đứng trong tốp đầu về tất cả chỉ số GDP, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)… Chúng tôi muốn những người dân Quảng Nam trở thành công dân điện tử sớm nhất. FPT sẽ cùng tỉnh triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn trên quy mô lớn không chỉ để thay đổi nhận thức về CĐS mà còn là để làm thế nào đưa CĐS vào cuộc sống thường ngày của người dân, của doanh nghiệp, của chính quyền.
Chúng tôi muốn làm 3 điều cho Quảng Nam, đó là chuyển đổi các doanh nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang vận hành số; thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa dựa trên kinh tế nền tảng và kinh tế chia sẻ; kết nối, mời gọi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào Quảng Nam vì sự phát triển chung của tỉnh. Thời cơ để đẩy mạnh CĐS thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đến, vấn đề là sự quyết tâm, dấn thân thực thi của các cấp chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam Võ Trí Thành: CĐS sẽ giúp tỉnh thay đổi nhanh chóng
CĐS có nhiều thuận lợi nhưng không ít thách thức. Thuận lợi là chúng ta có chiến lược, khát vọng, tầm nhìn. Thách thức gắn với trọng trách cấp tỉnh, địa phương. Trước đây, các tỉnh, địa phương “cạnh tranh từ đáy”, tức là cạnh tranh về thu hút đầu tư, giẫm đạp lên nhau. Còn 5 năm tới họ sẽ cạnh tranh khát vọng, phát triển - muốn đi đầu, thông minh nhất. Nếu CĐS tốt thì bộ mặt của tỉnh sẽ thay đổi rất nhanh trong 5 năm tới.
Theo tôi, có 5 yếu tố Quảng Nam cần quan tâm khi CĐS. Trước hết là lãnh đạo. Vai trò của lãnh đạo trong CĐS là rất lớn. Ở đây không chỉ là vai trò cụ thể của bí thư, chủ tịch tỉnh, ban chỉ đạo, ban điều hành CĐS, mà còn là sự kết nối của Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức xã hội. Vai trò đó phải có tính kế thừa dựa trên nghị quyết, chương trình, chiến lược CĐS.
Thứ hai là cuộc cách mạng thay đổi cách sống, cách làm việc, cách tương tác và thay đổi cả văn hóa sống, văn hóa làm việc.
Thứ ba là đột phá và ưu tiên. Quảng Nam nên ưu tiên đột phá về mô hình tăng trưởng gắn với cả kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Thứ tư là đối tác. Đối tác ở đây gồm hai nghĩa là đồng hành và kết nối. FPT kết nối giới thiệu những đối tác làm tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam. Và cuối cùng là tốc độ, Quảng Nam cần đi nhanh, linh hoạt và uyển chuyển.