Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy ở Thăng Bình: Chuyển biến trong từng bộ phận
Nhanh chóng, minh bạch, chính xác, tạo sự hài lòng cho tổ chức, người dân... là những kết quả huyện Thăng Bình đạt được qua 5 năm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 27.4.2016, của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.
Đồng bộ thực hiện
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03, Huyện ủy Thăng Bình xây dựng, ban hành Chương trình số 07-CTr/HU thực hiện nghị quyết. Đến nay, hầu hết chỉ tiêu Huyện ủy đề ra đã đạt được; trong đó đảm bảo 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Qua khảo sát, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt hơn 80%.
Thăng Bình đã thực hiện tốt việc rà soát toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời sắp xếp, tinh giản bộ máy trong toàn huyện; đảm bảo hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước của huyện tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, cơ chế “một cửa” được các địa phương thực hiện nghiêm túc, minh bạch, tạo sự hài lòng của tổ chức, người dân. Thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết công khai, tỷ lệ giải quyết đạt hơn 90%; tỷ lệ quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được điện tử hóa đạt 100%.
Thực hiện chủ trương chung về tinh gọn bộ máy, ngoài tinh giản 394 biên chế, đến nay tổng số hợp đồng lao động theo Nghị định 68 của Chính phủ và hợp đồng lao động khác của Thăng Bình đã giảm 428 người so với năm 2016. Đề án vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện được UBND tỉnh phê duyệt với khối hành chính là 79 vị trí việc làm, 102 biên chế; khối sự nghiệp là 40 vị trí việc làm, 75 biên chế...
Về ứng dụng công nghệ thông tin, tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương cấp xã trong huyện đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; mọi văn bản được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; mỗi cán bộ, công chức được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ; có 80% số hồ sơ công việc được xử lý qua môi trường mạng. Thăng Bình cũng triển khai các hệ thống một cửa điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Tạo cú hích mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đánh giá, vẫn còn những hạn chế về CCHC ở địa phương. Trước hết, cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết 03. Công tác tuyên truyền về CCHC chưa được sâu rộng, chưa tạo hiệu ứng lan tỏa về vai trò, tầm quan trọng của CCHC trong đại bộ phận người dân, doanh nghiệp.
Cơ chế “một cửa” tuy đã được triển khai ở tất cả địa phương nhưng thực hiện ở một số nơi còn chưa tốt; cơ sở vật chất ở bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả ở một số địa phương chưa đảm bảo; việc tiếp nhận hồ sơ, lập giấy biên nhận, mở sổ sách theo dõi chưa tuân thủ chặt chẽ quy định, nhất là phần mềm một cửa điện tử vận hành chưa tốt.
“Trong thời gian đến, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở; tạo sự thống nhất, quyết tâm cao về quan điểm, nội dung, cách làm giữa cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các chương trình công tác CCHC. Địa phương đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC” - ông Phan Công Vỹ nói.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC trên địa bàn là chú trọng cải cách TTHC theo hướng nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Huyện sẽ tập trung rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các TTHC không phù hợp, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Thăng Bình sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại, áp dụng công nghệ ISO 9001:2015 trong xử lý, giải quyết công việc, đảm bảo thông suốt, kịp thời. Để đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới huyện tiếp nhận và xử lý ngay phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, tăng đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân.
Theo ông Lê Quang Hạt, chất lượng CCHC phụ thuộc vào trình độ, nghiệp vụ, cái tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ. Bởi vậy, Thăng Bình sẽ thực hiện tốt các quy chế, chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ cũng như bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ; đổi mới đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới thanh tra, kiểm tra công vụ.
“Rất mong các cơ quan của tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức chuyên trách CCHC tại địa phương, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC để rút kinh nghiệm, học tập” - ông Lê Quang Hạt nói.