Kiên trì thực hiện chuyển đổi số

VINH ANH 22/06/2021 06:03

Sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của UBND tỉnh đã thúc đẩy các sở, ngành, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số vào cuối tuần qua. Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số vào cuối tuần qua. Ảnh: VINH ANH

Những chuyển động

CĐS là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thời gian qua. Nhờ đó đến nay Quảng Nam đã thực hiện CĐS đạt được những kết quả nhất định. Những chỉ số về CĐS trên địa bàn tỉnh luôn được Sở TT&TT (cơ quan thường trực về CĐS) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh hàng tuần, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo kịp thời.

Xây dựng chỉ số đánh giá chuyển đối số

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá các cơ quan, ban ngành, địa phương về CĐS. Chỉ số phải mang tính tự động, được cập nhật thường xuyên (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng/lần) trên ứng dụng Egov-Quảng Nam để các sở, ngành, địa phương biết, phấn đấu.

Đơn cử như hệ thống hội nghị truyền hình. Mới đây, khi UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến về CĐS, ngoài 18 điểm cầu cấp huyện thì ở cấp xã đã có đến 145 điểm cầu được kết nối trực tuyến với tỉnh. Điều này không chỉ giúp chỉ đạo của tỉnh kịp thời đến cơ sở mà còn tiết kiệm được không ít thời gian, tiền của. Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh có 233 xã có wifi tại trụ sở UBND và 31/1.240 nhà văn hóa thôn có wifi.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT&TT, tính đến ngày 17.6, toàn tỉnh có 12 đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch, lập ban chỉ đạo, tổ công tác CĐS; 12 xã thành lập ban chỉ đạo CĐS; 11/18 địa phương đã triển khai lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình đến cấp xã…

Đặc biệt, nhiều sở, ngành đã bắt tay triển khai các nội dung về CĐS, như Sở VH-TT&DL triển khai phần mềm du lịch thông minh; Sở Xây dựng lập bản demo quy hoạch phường An Phú (TP.Tam Kỳ); Sở TNMT vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin đất đai VNPT Ilist, xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý (GIS), Cổng thông tin địa lý dùng chung tỉnh Quảng Nam; Sở GT-VT triển khai thử nghiệm phần mềm Govone (kiểm tra, giám sát, bảo trì đường bộ); Sở KH&ĐT xúc tiến triển khai dự án ứng dụng công nghệ GIS trong hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Trung tâm Điều hành thông minh - IOC Quảng Nam đến nay đã đi vào vận hành ổn định tại địa chỉ ioc.quangnam.gov.vn. Số liệu được các đơn vị cập nhật thường xuyên theo yêu cầu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Ứng dụng phản ánh hiện trường triển khai chính thức từ ngày 20.4.2021 đến nay đã nhận được 12 phản ánh. Từ đầu tháng 4 đến nay, Tổng đài 1022 Quảng Nam tiếp nhận 101 cuộc gọi đến. Đã có 4.000 lượt cài đặt ứng dụng “Smart Quảng Nam” và 431 lượt cài đặt ứng dụng “Egov-Quảng Nam”.

Hành động đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Sở TT&TT cũng nêu ra những hạn chế trong triển khai CĐS. Đến nay còn một số sở, ngành, địa phương chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 gồm: Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở KH-CN, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Trung tâm Hành chính tỉnh, Ban Dân tộc và các huyện Nam Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Đại Lộc. Có 24 xã chưa phát sinh hồ sơ trên phần mềm 1 cửa điện tử, tập trung nhiều ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang…

Liên quan đến CĐS, một số địa phương đã mạnh dạn thực hiện những nội dung cụ thể, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ nhiều nội dung.

UBND TP.Hội An cho biết, thành phố rất quyết tâm thực hiện CĐS, đã thành lập ban chỉ đạo CĐS, lập đoàn tham khảo thực tế về xây dựng đô thị thông minh của TP.Huế, thí điểm CĐS cấp xã tại Cẩm Thanh, lắp đặt hội nghị truyền hình ở 13/13 đơn vị cấp xã... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu ngân sách của thành phố bị giảm đáng kể, do đó việc triển khai kế hoạch CĐS sẽ gặp khó khăn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh.

Thị xã Điện Bàn đang xây dựng đề án, tiến tới ban hành nghị quyết về CĐS trên địa bàn. Đây cũng là địa phương đầu tiên xin tỉnh chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai (hiện toàn tỉnh mới có 41 xã có cơ sở dữ liệu về đất đai).

Ngoài ra, địa phương đang chỉ đạo, phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện phát 60 nghìn tờ rơi về dịch vụ công mức độ 3, 4 đến các hộ gia đình… UBND thị xã Điện Bàn mong muốn các doanh nghiệp viễn thông sớm khảo sát thực trạng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin để địa phương có kế hoạch đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh vai trò quan trọng của CĐS, đồng thời đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải kiên trì thực hiện CĐS. Để có sự thống nhất trong chỉ đạo, hành động, các địa phương sớm ban hành nghị quyết của về CĐS, theo tinh thần Nghị quyết 04 ngày 12.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ người dân cài ứng dụng “Smart Quảng Nam”. Trước này 30.7, các sở, ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên CĐS phải chủ động đưa cơ sở dữ liệu của ngành lên ứng dụng này để phục vụ người dân và điều hành của lãnh đạo tỉnh...

VINH ANH