Hành động đồng bộ để chuyển đổi số
Nghị quyết số 04 ngày 12.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh thành thực hiện CĐS tốt. Để nghị quyết đi vào đời sống, các mục tiêu CĐS sớm trở thành hiện thực, đòi hỏi nhiều yếu tố, giải pháp hiệu quả, trong đó sự quyết tâm, hành động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở mang tính quyết định.
XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ
Mặc dù đã có những bước đi được xem là nền tảng, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức và rào cản với Quảng Nam trong quá trình CĐS.
Tạo nền tảng
Trong lộ trình thực hiện CĐS, Quảng Nam đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Mới đây là chủ trương thực hiện CĐS cấp xã (gọi tắt là mô hình xã thông minh) ở 15 xã, phường, thị trấn trong năm 2021 (lộ trình đến năm 2030, toàn tỉnh có 46 xã, phường, thị trấn xây dựng xã thông minh).
Việc này nhằm tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Giúp người dân được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Nắm bắt chủ trương, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lập tức chọn Quảng Nam để thí điểm triển khai “Hệ sinh thái hành chính công (HCC)” cấp xã. Chức năng cốt lõi của hệ thống là dịch vụ hành chính công, cung cấp phương tiện giao tiếp giữa người dân và chính quyền, các tổ chức xã hội và các tiện ích khác cho người dân, thông qua web (địa chỉ: https://congdanso.vnpost.vn trên máy tính) và Mobile App (App công dân số trên điện thoại thông minh).
Để giúp người dân tiếp cận, cán bộ, nhân viên bưu điện xuống cơ sở để hướng dẫn cán bộ, người dân cài đặt App công dân số và thực hiện định danh xác thực điện tử.
Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam cho biết: “Nhờ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ sinh thái HCC giúp người dân nộp hồ sơ trực tuyến và có thể tra cứu toàn bộ thủ tục hành chính trên cả nước một cách dễ dàng, thuận lợi, khi đăng nhập vào App công dân số”.
Trước đó - năm 2020, Quảng Nam đã mạnh dạn triển khai nhiều nền tảng hoàn thiện chính quyền điện tử như Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS). Mới đây, tỉnh đưa vào ứng dụng “Smart Quang Nam” trên điện thoại thông minh và hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công Quang Nam (Tổng đài 1022).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, việc triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt 41%; kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến chính phủ, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến mức độ 4; triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã các hệ thống dùng chung như quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ không phải số 1
Tại Quảng Nam, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống mạng diện rộng WAN, hội nghị truyền hình, trung tâm tích hợp dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu... Bên cạnh nguồn lực đầu tư cho công nghệ thông tin chưa đáp ứng, thì nhận thức về CĐS chưa đầy đủ, tư duy trong CĐS chậm đổi mới, sức ỳ lớn..., là những nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế trong CĐS.
Chia sẻ câu chuyện của địa phương trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, TS.Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để “đưa” người dân vào chính quyền điện tử thông qua một ứng dụng có tên HueS.
“Để người dân tham gia cùng chính quyền qua quản trị điện tử là rất khó. Chính quyền đưa ra ứng dụng mà người dân không cài, không sử dụng thì vô ích. Với HueS, người đứng đầu tỉnh chúng tôi đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý những phản ánh qua ứng dụng, nên đã tạo được sự tin tưởng của người dân” - ông Cường nói.
Trong khi đó, TS.Nguyễn Phương Bắc - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trong quản trị điện tử, công nghệ chưa phải yếu tố quyết định. Có nhiều nguyên nhân làm quản trị điện tử gặp trở ngại như do nhiều địa phương chưa nghiên cứu, đánh giá sâu về văn hóa, xã hội nên chỉ tập trung đầu tư hạ tầng, nền tảng số mà không có chiến dịch marketing xã hội hiệu quả.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số không phải là việc riêng của ngành TT-TT. Sở TT-TT chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ, giới thiệu những chuyên gia, doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ. Về quan điểm, cần xác định rõ, vấn đề quan trọng của CĐS không phải là công nghệ mà là bài toán về cơ chế chính sách, con người sử dụng và truyền thông. Đặc biệt là phải giải được bài toán tương tác, CĐS phải hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
XÁC ĐỊNH LĨNH VỰC ƯU TIÊN
Ngoài xây dựng chính quyền số, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) cho các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường.
Ở lĩnh vực giáo dục, UBND tỉnh yêu cầu phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập cho cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Kinh tế số chiếm hơn 15% GRDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%. Phổ cập dịch vụ mạng internet băng thông rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 80%...
Trong lĩnh vực nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương...
Với lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, mục tiêu phát triển hệ thống giao thông thông minh; chuyển đổi hạ tầng logistics (như cảng thủy nội địa, hàng không, kho vận…). Phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng. Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số.
Ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chính quyền Quảng Nam đưa ra mục tiêu triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn về đất đai, nền địa lý quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, viễn thám, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn, địa chất - khoáng sản… nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
NHÌN TỪ LĨNH VỰC Y TẾ
Chuyển đổi số (CĐS) trong y tế tại Quảng Nam bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ rệt, nhất là tạo điều kiện thuận tiện để triển khai các hoạt động chữa bệnh kịp thời và tạo “không gian” để hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân triển khai hiệu quả hơn.
Nỗ lực từ các tuyến
Đầu tháng 4.2021, anh P.N. (48 tuổi, trú TP.Đà Nẵng) bị tai nạn lao động, được Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên chẩn đoán đa chấn thương. Bệnh nhân được chỉ định chuyển đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, trên đường di chuyển, bệnh nhân chuyển biến nặng, mạch và huyết áp không đo được.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào BV Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn). Lúc này, các bác sĩ của BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ toàn viện, nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật.
Bác sĩ Trần Đỗ Nhân - Phó Giám đốc BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho biết, ngay khi hệ thống báo động đỏ vang lên, các khoa phòng của bệnh viện lập tức cử ekip đến cùng một khu vực để vừa hồi sức tích cực, vừa hội chẩn và thực hiện mổ cấp cứu ngay sau đó. Bệnh nhân được cứu sống kịp thời.
Tập trung hoàn chỉnh hạ tầng dữ liệu y tế
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế sẽ tập trung hoàn chỉnh hạ tầng trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành y tế cũng như hình thành cơ sở dữ liệu thống kê y tế, cung cấp số liệu phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của ngành y tế, 100% người dân được định danh y tế. Đối với CĐS trong BV, ngành y tế ưu tiên triển khai hệ thống phần mềm quản lý BV nhằm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân) nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.
Một câu chuyện khác ở BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (tại huyện Đại Lộc), tháng 8.2020, các bác sĩ tiếp nhận ca bệnh khá nghiêm trọng, kết quả ghi nhận bệnh nhân đã mắc viêm não tự miễn. Ngay lập tức, các bác sĩ của BV yêu cầu sự giúp sức từ các BV tuyến trung ương, đặc biệt là những cơ sở y tế đã có kinh nghiệm trong điều trị căn bệnh này.
Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, ca phẫu thuật cho bệnh nhân này khá đặc biệt khi ngoài lực lượng y bác sĩ tại BV còn có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia BV Bạch Mai trực tiếp qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine. Bằng công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, các bác sĩ tại BV Bạch Mai đã hướng dẫn các đồng nghiệp tuyến dưới thực hiện các phác đồ điều trị, đồng thời chỉ đạo và thực hiện đánh giá ngay trên hệ thống.
Hai câu chuyện trên chỉ là một phần nhỏ cho thấy tính hữu dụng của CĐS trong lĩnh vực y tế mà Quảng Nam đang dần tiếp cận.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện toàn bộ cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý BV. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tháng 9.2020, Quảng Nam đã có 12 cơ sở y tế đăng ký tham gia hệ thống, trong đó ngoài sự hỗ trợ của BV tuyến trung ương, các BV tuyến tỉnh cùng tham gia hỗ trợ cho các trung tâm y tế địa phương.
Khoảng trống nhân lực
Để công cuộc CĐS trong y tế thành công, công nghệ Telemedicine được kỳ vọng là nền tảng dữ liệu, mạng lưới kết nối hiệu quả. Đây sẽ là một hệ sinh thái bao trùm nền y tế khi các cơ sở y tế có thể kết nối với nhau, thông tin giữa các bên bao gồm người bệnh - BV vệ tinh - BV tuyến trên được luân chuyển.
Theo Bộ Y tế, việc xây dựng bệnh án điện tử là điểm khởi đầu cho nỗ lực CĐS trong lĩnh vực này. Hồ sơ bệnh án điện tử là nguồn dữ liệu đầu vào quyết định việc mở rộng sau này của hệ thống y tế. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, đến tháng 3 năm nay vẫn chỉ mới có 12/1.400 BV trên cả nước triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, 23 BV dùng phần mềm để lưu trữ và chuyển tải hình ảnh. Trong số các tỉnh thành có tốc độ CĐS trong lĩnh vực y tế nhanh, vẫn chưa có tên của Quảng Nam.
Quảng Nam đã triển khai xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân trên toàn tỉnh. Người dân đến khám chữa bệnh đều đã được lưu trữ hồ sơ đến tận trạm y tế xã. Hồ sơ có đủ tóm tắt thông tin người bệnh, thông tin quản lý giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, đây chính là một phần điều kiện cơ sở đã được chuẩn bị, tương đối thuận lợi trong quá trình triển khai BV thông minh - hồ sơ điện tử 4.0. Tuy nhiên, từ hồ sơ này để đi đến việc triển khai bệnh án điện tử tiêu tốn khá nhiều chi phí và nguồn lực.
Khá nhiều rào cản đặt ra trong công cuộc chuyển sang y tế số, như nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin y tế còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó, do thiếu quy định liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng then chốt, vẫn là vấn đề về nguồn nhân lực. Trong khi hạ tầng viễn thông và trang thiết bị có thể đáp ứng, thì việc thu hút nhân sự giỏi về công nghệ cho ngành y tế vẫn là một khoảng trống…
KẾT NỐI CƠ SỞ DỮ LIỆU
Việc xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt yếu để triển khai chuyển đổi số (CĐS).
Hiện nay, mỗi sở, ban ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin theo kiểu “trăm hoa đua nở”, không có khung kiến trúc đồng nhất. Nhiều đơn vị đầu tư công nghệ thông tin từ lâu đến nay đã lỗi thời. Do đó, CSDL của ngành, đơn vị nào thì ngành, đơn vị đó biết, mà ít có sự kết nối, chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng lực cản lớn nhất với CSDL dùng chung là tâm lý không muốn chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài. Thậm chí còn có lực cản về tư duy do đụng chạm đến lợi ích và tính bí mật của ngành, địa phương đó. Bởi vậy, đã có kiến nghị về việc xây dựng luật về CSDL.
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của VPNT Quảng Nam cho rằng CĐS là cuộc chiến về dữ liệu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm… là quan trọng, nhưng yếu tố quan trọng không kém chính là dữ liệu. Ai nắm được dữ liệu người đó thành công trong CĐS.
Một trong nhiều giải pháp được Quảng Nam đặt ra để thực hiện mục tiêu CĐS giai đoạn tới, đó là đẩy nhanh tiến độ triển khai các CSDL liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, CSDL chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từng bước hình thành các hệ thống CSDL dùng chung CSDL mở cấp tỉnh.
Từ đó xây dựng cổng dữ liệu của tỉnh, tích hợp với cổng dữ liệu quốc gia; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu để khai thác, sử dụng…
Nhắc đến vai trò của cơ CSDL trong xây dựng chính quyền số nói chung và đô thị thông minh nói riêng, TS.Trần Ngọc Linh - chuyên gia đô thị thông minh (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) cho rằng, yếu tố quyết định sự thông minh của đô thị chính là hệ thống CSDL. Muốn làm bất cứ việc gì, có muốn làm đô thị thông minh hay không, có muốn quản lý thông minh, muốn cung cấp tiện ích hay không thì đều phải dựa trên nền tảng dữ liệu đô thị. Tất cả đó là thông tin đầu vào để làm quy hoạch đô thị. Việc xây dựng hệ thống xây dựng CSDL để phục vụ quy hoạch là yêu cầu cấp bách.